Kỳ vọng vượt KPI

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thông tin được Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi chia sẻ tại buổi họp báo Chính phủ tháng 1/2024 tổ chức giữa tuần trước cho thấy nhiều phần việc phải thực hiện trên tiến trình nâng hạng TTCK Việt Nam.
Kỳ vọng vượt KPI

Để đạt mục tiêu nâng hạng thị trường sớm nhất vào năm 2025, trong năm nay Bộ Tài chính triển khai bốn nhiệm vụ.

Thứ nhất là phải xử lý được vấn đề yêu cầu ký quỹ trước khi giao dịch của các nhà đầu tư nước ngoài. Theo quy định hiện nay, các nhà đầu tư nước ngoài phải thực hiện ký quỹ 100% trước khi giao dịch và đây là rào cản lớn do các thị trường quốc tế không áp dụng như vậy. Thứ hai là minh bạch tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài đối với các doanh nghiệp niêm yết cổ phiếu. Bộ Tài chính sẽ phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện công bố thông tin này đầy đủ bằng song ngữ Việt - Anh. Thứ ba là minh bạch thông tin các doanh nghiệp niêm yết cũng bằng hai ngôn ngữ Việt - Anh, đại diện Bộ Tài chính nhấn mạnh nội dung này sẽ được bộ triển khai ngay trong nửa đầu năm 2024. Song song đó là nhiệm vụ đưa hệ thống giao dịch mới KRX vào vận hành.

Các hãng tư vấn đều nhận định, nếu Việt Nam thực sự trở thành TTCK mới nổi, vốn hóa thị trường có thể tăng trưởng tới 30%, tạo cơ hội để các dòng vốn mới chảy vào thị trường và chứng khoán thực sự trở thành kênh huy động vốn trung dài hạn. Các đầu việc được liệt kê nhìn đơn giản nhưng thực tế rất nhiều việc phải triển khai, đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ của nhiều ngành chứ không đơn thuần là UBCK hay Bộ Tài chính. Một số thành viên thị trường còn lo xa hơn là TTCK Việt Nam sẽ làm gì sau khi được nâng hạng, vì nếu không có kế hoạch chuẩn bị tốt, không hẳn thị trường được hưởng lợi mà trái lại còn đi xuống khi nhà đầu tư thấy mình “bị hớ”.

Trước khi lo cho những giải pháp dài hơi, vấn đề quan tâm sát sườn hiện nay là sức khỏe doanh nghiệp và triển vọng 2024… Tuần qua là cao điểm công bố kết quả kinh doanh quý IV/2023 của các doanh nghiệp. Yếu tố chung là so với cùng kỳ 2022, nhiều doanh nghiệp có kết quả tích cực hơn thể hiện đã qua đáy khó khăn nhất, nhưng ở chiều ngược lại có không ít doanh nghiệp kết quả âm tới vài chục phần trăm. Nhìn nhận về 2024 họ vẫn giữ tâm thế thận trọng và đặt mục tiêu sống sót qua năm nay là may mắn.

Dù vậy, thị trường không giữ chung một gam màu xám, vẫn có những nét sáng để kỳ vọng cho năm mới nhiều hanh thông hơn. Chủ tịch một doanh nghiệp dệt may quy mô lớn cho hay, đã ký đơn hàng đến hết tháng 6, trong tháng 1 doanh thu của Công ty tăng 30% so với cùng kỳ. Đây là tín hiệu tích cực hơn nhiều so với thời điểm này năm trước… Chuyển động của các ngành, các doanh nghiệp chính là biến số tác động lớn nhất tới thị giá cổ phiếu trên sàn và là thông tin được tham khảo cho quyết định đầu tư trong năm 2024. Đây cũng là nội dung được phản ánh đậm nét trong chuyên mục Tiêu điểm của số báo tuần này.

Xét về định giá chung, P/E 2024F của VN-Index ước tính ở mức 11,5x, thấp hơn mức -1 lần độ lệch chuẩn quá khứ. Mức định giá này khá hấp dẫn trong trung và dài hạn. Đặc biệt, chỉ số P/B hiện đang ở mức 1,68x, so với 1,62x cuối năm trước, vẫn đang ở vùng đáy 10 năm.

So với các nước trong khu vực, VN-Index hiện đang giao dịch với P/B cao hơn trung bình nhưng P/E lại thấp hơn trung bình. Lãi suất huy động kỳ hạn 1 năm hiện tại phổ biến trong khoảng 4,2 - 5,7%/năm, tương đương P/E 17,5-23,8x, cao hơn mức định giá của VN-Index. Ngoài ra, xu hướng lãi suất dự kiến sẽ duy trì ở mức thấp trong ít nhất nửa đầu năm 2024 do nhu cầu tín dụng chưa hồi phục ngay và thanh khoản hệ thống ngân hàng vẫn dồi dào. Với việc tăng trưởng lợi nhuận các doanh nghiệp dự kiến cải thiện trong 2024, kênh gửi tiền tiết kiệm có lẽ kém hấp dẫn hơn so với đầu tư cổ phiếu.

Người quan sát

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục