Kỳ vọng thu hút dòng vốn chất lượng cao từ Thụy Điển

Sự quan tâm của các nhà đầu tư Thụy Điển tới Việt Nam thời gian gần đây đang mở ra tương lai cho làn sóng đầu tư mới từ quốc gia này.
Tập đoàn ABB (Thụy Điển) đã đầu tư vào Việt Nam từ năm 1993. Tập đoàn ABB (Thụy Điển) đã đầu tư vào Việt Nam từ năm 1993.

Doanh nghiệp Thụy Điển ngày càng quan tâm đến Việt Nam

Dù là một trong những cộng đồng nhà đầu tư hiện diện sớm nhất tại Việt Nam, nhưng phải đến những năm gần đây, tên tuổi của các doanh nghiệp đến từ Thụy Điển mới thực sự gây được sự chú ý.

Nếu như trước đây, khi nói về đầu tư của Thụy Điển, người ta có thể biết đến Tập đoàn ABB, một doanh nghiệp thành lập ở Việt Nam từ năm 1993, có nhà máy và tập trung vào 4 mảng chính là sản phẩm điện tử, robot hóa, công nghệ tự động và lưới điện. Hay trường hợp khác là nhãn hàng điện tử Electrolux, điện thoại Ericsson…

Hiện nay, với tốc độ mở cửa nhanh chóng của thị trường trong nước, các thương hiệu đến từ Thụy Điển đã dần trở nên quen thuộc hơn. Nhắc đến Thụy Điển, người tiêu dùng giờ đây có thể điểm mặt ngay những nhãn hàng nổi tiếng, quen thuộc như phần mềm nhắn tin và thoại Skype, thương hiệu thời trang HM, nội thất IKEA, trong lĩnh vực công nghiệp là Tetra Park với các sản phẩm bao bì sữa, nước giải khát…

Cũng sẽ là sơ xuất nếu không nhắc tới một thương hiệu được coi là biểu tượng của quốc gia này, đó là thương hiệu ô tô hạng sang Volvo. Chỉ bắt đầu gia nhập thị trường xe ô tô nhập khẩu hạng sang Việt Nam vài năm gần đây, nhưng thương hiệu này đã nhanh chóng thu hút được sự quan tâm rất lớn của tầng lớp trung lưu trong nước.

Ông Högberg, Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam thậm chí từng phát biểu trong một buổi phỏng vấn rằng, “Volvo như là một biểu tượng, hay một dấu mốc quan trọng trong mối quan hệ đầy hứa hẹn giữa Thụy Điển và Việt Nam. Kim ngạch thương mại hay đầu tư giữa hai nước dù còn khiêm tốn, nhưng vẫn tăng đều đặn, tương tự sự quan tâm của các doanh nghiệp Thụy Điển dành cho việc đầu tư và sản xuất tại Việt Nam”.

Sự gia tăng nhanh chóng của các thương hiệu hay dòng vốn đầu tư từ quốc gia Bắc Âu này còn rõ ràng hơn khi nhìn vào số liệu thống kê.

Nếu như quý III/2017, vốn đầu tư lũy kế từ Thụy Điển vào Việt Nam chỉ đạt hơn 100 triệu USD, với nhà máy mới với quy mô 110 triệu USD của Tetra Pak, số vốn này đã tăng lên gấp đôi vào cuối năm. Đến nay, chỉ sau một năm rưỡi, vốn đầu tư này đã đạt 365 triệu USD, tăng gấp 3,5 lần.

Có thể thấy, bức tranh đầu tư của Thụy Điển đã có sự thay đổi đáng kể và cùng với đó, Việt Nam cũng đang ngày càng trở nên hấp dẫn trong con mắt của cồng đồng nhà đầu tư, doanh nghiệp quốc gia này.

Kỳ vọng vào dòng vốn mang tính dẫn dắt

Sự có mặt của hàng trăm doanh nghiệp lớn và lãnh đạo hai nước, sự hiện diện của Công chúa kế vị Victoria, Hoàng tử Daniel, đại diện Hoàng gia Thụy Điển tại Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam - Thụy Điển được tổ chức ngày hôm qua (7/5) là minh chứng rõ nét nhất cho tiềm năng hợp tác về đầu tư, thương mại giữa hai quốc gia.

“Với bức tranh và môi trường ở Việt Nam, đã đến lúc, Thụy Điển tăng cường kinh doanh. Chính phủ Thụy Điển và bản thân tôi đặc biệt ấn tượng với sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt là tăng trưởng kinh tế bền vững, tầng lớp trung lưu và tiêu dùng cũng tăng lên”.

Ông Högberg, Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam

Sự kiện được đánh giá là cơ hội tuyệt vời để đại diện những doanh nghiệp hàng đầu và lãnh đạo của hai nước trao đổi quan điểm, ý kiến, kinh nghiệm và chia sẻ thực tiễn tốt nhất hướng tới những kết quả cùng có lợi.

Phát biểu tại Hội nghị, bà Ann Linde, Bộ trưởng Bộ Ngoại thương Thụy Điển nhìn nhận, có rất nhiều lý do để tìm kiếm các cơ hội thương mại và kinh doanh tại Việt Nam hiện nay, như tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, tầng lớp trung lưu ngày càng tăng, thị trường mở thông qua nhiều hiệp định thương mại tự do, hệ sinh thái kinh doanh năng động...

“Nhiều công ty Thụy Điển và các tổ chức thương mại muốn tham gia quá trình của phát triển của Việt Nam và điều này được minh chứng với số lượng hùng hậu các công ty và doanh nhân đi cùng đoàn với tôi lần này”, bà Ann Linde nói.

Dễ dàng nhận thấy, đầu tư của Thụy Điển thời gian qua tăng nhanh, nhưng lại tập trung nhiều vào lĩnh vực tiêu dùng. Chính vì vậy, với sự xuất hiện của 50 doanh nghiệp hàng đầu Thụy Điển lần này, ông Högberg rất lạc quan về dòng vốn Thụy Điển sẽ tham gia mạnh mẽ hơn tại Việt Nam ở các lĩnh vực y tế, giao thông, sản xuất xanh và khởi nghiệp.

Hào hứng trước sự xuất hiện của đông đảo nhà đầu tư Bắc Âu và cũng không giấu giếm mong ước về một Việt Nam thịnh vượng, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, Việt Nam đang nuôi dưỡng những tham vọng lớn cho tương lai và hiện ở vị thế rất tốt để hiện thực hóa tham vọng này.

Trước các nhà đầu tư, ông Lộc chia sẻ, Việt Nam đang khởi động để đón nhận một làn sóng đầu tư mới vào các lĩnh vực công nghệ cao, các lĩnh vực tạo ra giá trị gia tăng cao và đổi mới sáng tạo.

“Tôi hy vọng, cộng đồng nhà đầu tư Thụy Điển với kinh nghiệm và tiềm năng to lớn của mình sẽ tham gia dẫn dắt làn sóng đầu tư tiếp theo này”, ông Vũ Tiến Lộc bày tỏ.

Nguyễn Trung
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục