Công khai, minh bạch sẽ thúc đẩy dòng vốn vào Việt Nam

(ĐTCK) Để thu hút dòng vốn ngoại vào Việt Nam mạnh mẽ hơn, TS. Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư cũng như tính minh bạch và chất lượng hàng hóa trên thị trường vốn.
Thành công của thương vụ bán vốn nhà nước tại Sabeco trong năm 2017 cho thấy sự vào cuộc tích cực, cụ thể của Nhà nước đã mang lại hiệu quả lớn. Thành công của thương vụ bán vốn nhà nước tại Sabeco trong năm 2017 cho thấy sự vào cuộc tích cực, cụ thể của Nhà nước đã mang lại hiệu quả lớn.

Ông đánh giá thế nào về mức độ quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài đến cơ hội đầu tư vào Việt Nam?

Để đánh giá đúng về sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài đối với cơ hội đầu tư tại Việt Nam, theo tôi, cần căn cứ vào ít nhất hai yếu tố sau:

Thứ nhất, thị trường Việt Nam đang có những nổi trội, lợi thế gì, có đủ sức hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài và mang lại hiệu quả cho họ khi đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam không?

Thứ hai là dựa trên kết quả thực tế đầu tư cả trực tiếp và gián tiếp của các nhà đầu tư nước ngoài, trong thời gian ít nhất 2 năm vừa qua tại Việt Nam, so sánh với mức độ tăng trưởng của phương thức đầu tư tương ứng trong cùng kỳ trước đó.

Trong đầu tư, cả trực tiếp và gián tiếp, nhà đầu tư nước ngoài cần nhất một môi trường vĩ mô ổn định, phát triển, minh bạch và ít rủi ro, có khả năng mang lại lợi nhuận cho họ khi đến đầu tư, kinh doanh.

TS. Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư). 

Về cơ bản, Việt Nam đã đáp ứng được các đòi hỏi đó của các nhà đầu tư nước ngoài.

Chúng ta có nhiều lợi thế như là quốc gia có sự ổn định về an ninh, chính trị, hệ thống luật pháp, chính sách liên quan đến đầu tư, kinh doanh, doanh nghiệp… đã tương đối rõ ràng, phù hợp với thông lệ đầu tư, kinh doanh quốc tế.

Hiện nay, việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách liên quan đến đầu tư, kinh doanh, doanh nghiệp vẫn đang tiếp tục được hoàn thiện, đáp ứng ngày càng tốt hơn các tiêu chuẩn của hội nhập kinh tế quốc tế, mà hiện Việt Nam là một thành viên tham gia tích cực trong rất nhiều tổ chức kinh tế quốc tế, trong các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương…

Với các yếu tố đó, Việt Nam đã trở thành một điểm đến đầu tư, kinh doanh tốt của các nhà đầu tư nước ngoài.

Xét về thực tiễn, hiện bức tranh thực tế đầu tư tại Việt Nam, cả về trực tiếp và gián tiếp đều tăng trưởng. Về FDI, nếu như năm 2016, vốn đăng ký đạt 22,38 tỷ USD, vốn thực hiện đạt 15,8 tỷ USD thì năm 2017, vốn đăng ký đạt trên 30,78 tỷ USD, tăng 13,7% so với năm 2016; vốn thực hiện đạt 17,5 tỷ USD, tăng 11% so với năm 2016.

Về đầu tư gián tiếp, hoạt động mua bán, sáp nhập (M&A) tại Việt Nam liên tục lập kỷ lục mới. Năm 2015, tổng giá trị các thương vụ M&A của nhà đầu tư ngoại đạt 3,2 tỷ USD, tăng 23,8% so với năm 2014, bằng tổng giá trị các thương vụ 10 năm trước đó cộng lại. Năm 2016, hoạt động M&A của khối ngoại đạt 4,51 tỷ USD và tới năm 2017 đạt mức 6,32 tỷ USD.

Các con số này cho thấy nhà đầu tư nước ngoài đánh giá cao tiềm năng sinh lời khi đầu tư tại Việt Nam, từ đó sẽ tiếp tục rót vốn vào Việt Nam.

Cả hai dòng vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp theo đó dự báo sẽ tăng mạnh đến năm 2020 và sẽ được duy trì các năm tiếp theo nếu các điểm yếu của nền kinh tế nói chung được khắc phục, cũng như năng lực cạnh tranh của môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam tiếp tục nâng cao. 

Gần đây, thị trường chứng kiến nhiều thương vụ M&A có yếu tố nước ngoài. Xu hướng chuyển động của dòng vốn gián tiếp nước ngoài thế nào, theo ông?

Hoạt động mua bán, sáp nhập doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài ngày càng rõ nét hơn. Chính vì vậy, các cơ quan quản lý về đầu tư ở các bộ, ngành, địa phương liên quan đã dành sự quan tâm đặc biệt đến hoạt động đầu tư theo phương thức này của các nhà đầu tư nước ngoài.

Có thể thấy điều này qua việc Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong 2 năm vừa qua, hàng tháng đều có công bố cả các con số về góp vốn, mua cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài trong báo cáo về FDI trước đó của Cục.

Các quy định về luật pháp cho M&A cũng từng bước được hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu của hoạt động M&A và công tác quản lý của Nhà nước.

So sánh số liệu dòng vốn đầu tư gián tiếp với kết quả đầu tư trực tiếp nêu trên có thể thấy, đầu tư gián tiếp tuy tăng trưởng nhanh trong các năm gần đây, nhưng vẫn còn ở mức độ khiêm tốn (trong năm 2017, giá trị đầu tư gián tiếp đăng ký chỉ bằng khoảng  20% so với  giá trị đầu tư trực tiếp đăng ký).

Dòng vốn nước ngoài vào Việt Nam thông qua M&A sẽ tiếp tục tăng lên, nhưng vốn FDI vẫn giữ vị trí chủ đạo với giá trị và đóng góp thực tế lớn hơn nhiều. 

Vậy nên nhìn nhận dòng vốn đầu tư qua M&A của khối ngoại như thế nào để có cách thức quản lý phù hợp?

Trong đầu tư quốc tế, không có giới hạn hay có hạn chế gì giữa các phương thức đầu tư.

Đầu tư theo phương thức nào, trực tiếp hay gián tiếp là do chính nhà đầu tư nước ngoài tự lựa chọn và quyết định khi đã tìm hiểu, đánh giá được mức độ rủi ro, thuận lợi của thị trường đến đầu tư.

Họ chỉ quyết định phương thức trực tiếp hay gián tiếp một cách cụ thể khi so sánh giữa hai phương thức này, phương thức nào sẽ mang lại lợi nhuận lớn hơn và bảo toàn được vốn của họ bỏ ra.

Năm 2017, lãnh đạo một quỹ đầu tư nước ngoài đã chia sẻ với Hiệp hội Bất động sản Việt Nam rằng, họ buộc phải đầu tư theo phương thức M&A vào một dự án bất động sản tại Việt Nam.

Dù số vốn phải bỏ ra cao hơn so với đầu tư trực tiếp một dự án, nhưng họ sẽ hoàn thành thủ tục nhanh hơn, không làm mất cơ hội, lại vừa không phải giải trình (mà khó có thể giải trình được đối với các cổ đông) về các chi phí, chênh lệch về giá đất rất cao so với quy định như khi đầu tư trực tiếp.

Nêu ra những điều này, tôi muốn nhấn mạnh đến tính khách quan của phương thức đầu tư và yếu tố chủ quan của môi trường đầu tư nước sở tại.

Tính khách quan của phương thức đầu tư thì dù tiếp nhận đầu tư theo phương thức nào, nước tiếp nhận vẫn có lợi. Vấn đề là nước tiếp nhận, như Việt Nam chúng ta, không nên hạn chế phương thức này hay phương thức kia.

Dù có ý định hạn chế cũng không được, vì quy luật đồng tiền chỉ chảy vào các kênh đầu tư mang lại hiệu quả và do người có tiền quyết định.

Vấn đề đặt ra là, nước tiếp nhận phải xây dựng được một môi trường đầu tư, kinh doanh hấp dẫn, có tính cạnh tranh cao so với các nước khác, để nhà đầu tư nước ngoài thấy rằng, phải đến Việt Nam đầu tư. Đầu tư theo phương án nào cũng tốt với nước chủ nhà.

Để thúc đẩy dòng vốn vào Việt Nam qua M&A, cần tiếp tục cải thiện nền kinh tế cũng như tính minh bạch của các doanh nghiệp Việt nhằm tạo dựng lòng tin với nhà đầu tư.

Việc cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước là một ví dụ. Dù kế hoạch cổ phần hóa đã được đặt ra từ lâu, nhưng tiến độ thực hiện chậm do thông tin liên quan chưa đủ minh bạch, rõ ràng, chưa lấy được lòng tin của các nhà đầu tư.

Thành công của thương vụ bán vốn nhà nước tại Sabeco trong năm 2017 cho thấy sự vào cuộc tích cực, cụ thể của Nhà nước đã mang lại hiệu quả lớn.

Giá trị doanh nghiệp nhà nước có thể lên tới hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ USD khi được chào bán công khai, minh bạch.

Quản lý minh bạch, công khai quá trình hoạt động mua bán, sáp nhập doanh nghiệp Việt và tự thân các doanh nghiệp Việt muốn tham gia vào hoạt động này phải xây dựng được lòng tin về doanh nghiệp.

Nhà nước có chế tài và quản lý việc xác định giá trị doanh nghiệp và công bố thông tin của doanh nghiệp. Sự minh bạch, công khai sẽ thúc đẩy dòng vốn nước ngoài vào Việt Nam. 

Có quan điểm cho rằng, cần kiểm soát dòng vốn ngoại để chọn lọc các nhà đầu tư chất lượng. Ông có cùng quan điểm này hay không? Nếu có, chúng ta có thể tạo bộ lọc như thế nào?

Trong thu hút đầu tư, cả trực tiếp và gián tiếp, đều cần có sự kiểm soát dòng vốn ngoại để chọn lọc ra được các nhà đầu tư có chất lượng cao.

Danh mục lĩnh vực ưu đãi đầu tư ban hành kèm theo các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư trong đầu tư trực tiếp, hay quy định về các nhà đầu tư chiến lược trong dự thảo Luật Đặc khu hiện nay... cũng là một cách sàng lọc.

Còn đối với đầu tư gián tiếp, do nhà đầu tư nước ngoài có thể thực hiện thông qua các hình thức như mua cổ phần, cổ phiếu, các giấy tờ có giá trị khác; thông qua quỹ đầu tư chứng khoán; thông qua các định chế tài chính trung gian khác, nên bộ lọc để có các nhà đầu tư chất lượng cao cũng cần được làm rõ hơn để giúp cho việc lựa chọn đối tác của các doanh nghiệp Việt được tốt, lại phù hợp với định hướng thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam.

Nhưng ngược lại, chúng ta cũng phải thấy rõ, nhà đầu tư nước ngoài cũng có quyền lựa chọn nơi đầu tư.

Bên cạnh yếu tố môi trường đầu tư thuận lợi nói chung, dòng vốn đầu tư gián tiếp cũng có xu hướng chọn lọc hơn địa chỉ bỏ vốn, bởi họ thấy rõ không phải tất cả các doanh nghiệp Việt đều minh bạch, rõ ràng và không phải tất cả đều tăng trưởng tốt.

Trước thực tế như vậy, Việt Nam cần tạo ra bộ lọc để lựa chọn được nhà đầu tư nước ngoài phù hợp như nhà đầu tư nước ngoài phải công khai, minh bạch các thông tin về lịch sử hình thành và phát triển; công khai các kết quả kinh doanh khi tham gia thị trường Việt Nam và đòi hỏi một số điều kiện nhất định khác về nhân thân, về chủ thể đầu tư được chỉ định tham gia M&A tại Việt Nam.

Các thông tin về chủ thể đầu tư - công ty  ngoại tham gia trực tiếp vào M&A là căn cứ để chính các doanh nghiệp Việt xác định, lựa chọn đối tác của mình, từ đó sẽ giúp có được nhiều hơn các nhà đầu tư chất lượng cao vào Việt Nam.

(Bài viết đã được đăng tải trên Đặc san 30 năm đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, do Báo Đầu tư xuất bản tháng 7/2018)

Mai Phương

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục