VN-Index: Lực bán dần cạn kiệt
Tuần qua, thị trường ghi nhận nỗ lực tìm kiếm điểm cân bằng sau gần 1 tháng VN-Index có diễn biến điều chỉnh từ trên 1.240 điểm. Áp lực bán đạt đỉnh trong phiên đầu tuần. Phiên giữa tuần và cuối tuần, áp lực bán dần suy giảm, trong khi lực cầu gia tăng tại nhiều mã vốn hóa lớn vốn bị giảm giá quá đà đã giúp thị trường chung ghi nhận sắc xanh trên diện rộng. Nhờ đó, kết thúc tuần giao dịch, VN-Index đóng cửa tại 1.128,54 điểm, chỉ còn giảm 2,2% so với cuối tuần trước đó.
Giá trị giao dịch bình quân sụt giảm, còn 15.000 tỷ đồng/phiên, chủ yếu là do lực bán dần cạn kiệt. Với dấu hiệu hồi phục hiện tại, VN-Index có thể hướng đến ngưỡng 1.170 điểm trong tuần giao dịch mới. Dự báo, dòng tiền sẽ có sự phân hóa, tập trung vào nhóm ngành ngân hàng, bán lẻ, dịch vụ tài chính, xuất nhập khẩu.
Diễn biến chỉ số VN-Index. |
Kinh tế quý III: Tiếp tục hồi phục
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, GDP quý III/2023 tăng 5,33%, tính chung 9 tháng đầu năm tăng 4,24% so với cùng kỳ. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,72%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 5,19%; khu vực dịch vụ tăng 6,44%.
Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 9 tháng đạt 259,67 tỷ USD, giảm 8,2%; kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt 237,99 tỷ USD, giảm 13,8% so với cùng kỳ. Điểm sáng là xuất khẩu tháng 9 tăng 4,6% so với cùng kỳ, sau khi giảm 6 tháng liên tiếp.
Thu hút FDI 9 tháng đạt 20,21 tỷ USD, tăng 7,7% so với cùng kỳ. Lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt 8,9 triệu lượt, gấp 4,7 lần cùng kỳ. CPI bình quân 9 tháng tăng 3,16% so với cùng kỳ, vẫn trong tầm kiểm soát.
Nhìn chung, kinh tế Việt Nam 9 tháng đầu năm 2023 đạt được nhiều kết quả khả quan, nhưng mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm là 6,5% vẫn đang gặp thách thức khi kinh tế thế giới dự kiến tiếp tục có diễn biến phức tạp, khó lường, giá nguyên vật liệu đầu vào, chi phí sản xuất - kinh doanh gia tăng...
Xuất nhập khẩu: Kỳ vọng cuối năm
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa trong tháng 9/2023 đạt 60,53 tỷ USD, giảm 2,5% so với tháng 8 và tăng 3,6% so với cùng kỳ.
Kim ngạch xuất khẩu tháng 9 giảm so với tháng 8 là do giá trị xuất khẩu một số mặt hàng chủ lực như điện thoại và linh kiện giảm khi giá nguyên liệu đầu vào tăng cao; các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam như Mỹ, EU, Trung Quốc tăng trưởng chậm lại; lạm phát tăng và lãi suất cao ở các nước nhập khẩu ảnh hưởng đến nhu cầu nhập khẩu hàng hóa.
Số liệu cụ thể từng mặt hàng chưa được Tổng cục Hải quan công bố, nhưng nhìn lại kim ngạch xuất khẩu trong tháng 8, một số mặt hàng xuất khẩu liên quan đến các doanh nghiệp niêm yết gồm dệt may, gỗ, thủy sản, gạo có mức tăng tích cực so với tháng 7, lần lượt là 5,5%, 15,1%, 10,2%, 50,7%, kỳ vọng sẽ tiếp tục có diễn biến khả quan.
Bởi lẽ, mỗi nhóm hàng đó đều có động lực tăng trưởng như với gạo là việc hạn chế xuất khẩu của Ấn Độ và một số quốc gia Nam Á, cũng như nhu cầu gia tăng từ phía Trung Quốc và Phillipines; với gỗ là sự phục hồi đơn hàng từ thị trường Mỹ trong các tháng trước sẽ được phản ánh vào hoạt động xuất khẩu trong giai đoạn cuối năm.
Kafi cho rằng, nhóm hàng gỗ sẽ tiếp tục ghi nhận nhiều đơn hàng trong giai đoạn cuối năm nhờ vào sự phục hồi của hoạt động xây dựng nhà ở mới tại thị trường Mỹ.
Đối với gạo, nhu cầu tăng từ Trung Quốc, Phillipines sẽ thúc đẩy hoạt động xuất khẩu và duy trì giá gạo ở mức cao.
Với thủy sản, lượng hàng tồn kho tại Mỹ trong giai đoạn trước đang được hấp thụ dần, có thể tạo cơ hội cho xuất khẩu thủy sản tăng trưởng tốt trở lại.
Còn với ngành dệt may, mặc dù các doanh nghiệp trong nước mới chỉ có đủ đơn hàng để duy trì hoạt động, nhưng các đơn hàng mùa Noel và năm mới có thể giúp phục hồi sản xuất, xoay chuyển tình hình kinh doanh so với giai đoạn đầu năm.