Kỳ vọng Luật mới tạo đột phá về quản trị doanh nghiệp

(ĐTCK) Mỗi lần sửa đổi Luật Doanh nghiệp là một lần diễn ra cuộc cải cách mạnh mẽ về quyền kinh doanh, thể hiện sự thay đổi về tư duy kinh tế. Và mỗi lần đó, xã hội lại chứng kiến bước phát triển mới về doanh nghiệp…
Kỳ vọng Luật mới tạo đột phá về quản trị doanh nghiệp

Luật Doanh nghiệp sang thế hệ thứ 4

Luật Công ty và Luật Doanh nghiệp tư nhân được ban hành năm 1990 đánh dấu thời điểm chính thức thừa nhận về mặt pháp lý đối với khu vực kinh tế tư nhân.

Kể từ đó, cho đến nay, Luật Công ty và Luật Doanh nghiệp tư nhân đã qua 3 lần sửa đổi, bổ sung vào các năm 1999, 2005 và năm 2014 và hiện nay Luật Doanh nghiệp đang được sửa đổi lần thứ 4.

Điều thú vị là mỗi lần sửa đổi Luật Doanh nghiệp là mỗi lần đều có cải cách mạnh mẽ về quyền kinh doanh, thể hiện sự thay đổi về tư duy kinh tế.

Và mỗi lần đó, xã hội lại chứng kiến bước phát triển mới về doanh nghiệp và phát triển kinh tế.

Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu, quản lý kinh tế Trung ương.

Nội dung cải cách đột phá và tác động tích cực của Luật Doanh nghiệp 1999 là thay đổi tư duy quản lý và cải cách gia nhập thị trường, đặt nền tảng cho những cải cách thể chế trong các quy định về kinh doanh đến ngày nay.

Đổi mới tư duy về quyền kinh doanh là người dân được quyền tự do kinh doanh những gì mà pháp luật không cấm; trái ngược với nguyên tắc trước đó là người dân chỉ được làm những gì mà pháp luật cho phép.

Gia nhập thị trường đã được giải phóng: tự do thành lập doanh nghiệp với thủ tục đơn giản, ít tốn kém; bãi bỏ yêu cầu vốn tối thiểu, tự do lựa chọn, thay đổi và bổ sung ngành nghề kinh doanh; tự do lựa chọn địa bàn kinh doanh, mở rộng địa bàn kinh doanh…

Luật Doanh nghiệp 2005 và 2014 tiếp tục mở rộng quyền tự do kinh doanh và rút ngắn thời gian thành lập doanh nghiệp.

Ngoài các cải cách nêu trên, Luật doanh nghiệp 2014 bắt đầu đánh dấu một bước mới về chất, đó là thiết lập khung pháp lý về quản trị doanh nghiệp tương thích với thông lệ quốc tế tốt, nhằm bảo vệ lợi ích nhà đầu tư, đặc biệt là cổ đông thiểu số.

Quy định bảo vệ cổ đông theo Luật Doanh nghiệp 2014 được Ngân hàng thế giới ghi nhận ở vị trí xếp hạng 87/190 quốc gia, tăng 90 hạng so với trước khi Luật Doanh nghiệp 2014 có hiệu lực thi hành (xếp hạng 169/190 năm 2013).

Kể từ thời điểm này, mức xếp hạng chỉ số bảo vệ nhà đầu tư, cổ đông của Việt Nam dần dần tụt thứ hạng do nhiều nước khác tiếp tục quá trình cải cách. Hiện thứ hạng của Việt Nam là 97/190.

Quản trị công ty đã đến mức đáng báo động, cần bước thay đổi đột phá

Quản trị công ty không chỉ là vấn đề thể chế mà là yếu tố quan trọng trong kinh doanh và phát triển bền vững của chính doanh nghiệp. Một môi trường thể chế tốt được đo lường dựa trên 8 yếu tố quan trọng, trong đó có yếu tố là thể chế về “quản trị công ty”.

Kỳ vọng Luật mới tạo đột phá về quản trị doanh nghiệp ảnh 2

Quản trị công ty tốt và hiệu quả hoạt động kinh doanh. Nguồn: Báo cáo đánh giá quản trị công ty các công ty niêm yết năm 2019.

Nhìn từ góc độ doanh nghiệp, quản trị công ty tốt không chỉ giúp doanh nghiệp năng lực cạnh tranh, nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh mà giúp doanh nghiệp phát triển bền vững và lâu dài; giảm thiểu xung đột, tranh chấp nội bộ.

Báo cáo đánh giá quản trị công ty niêm yết năm 2019 đã cho thấy rõ lợi ích của quản trị tốt. Cụ thể, quản trị tốt giúp ngăn ngừa rủi ro, hệ thống vận hành ổn định, có thể kiểm soát tốt hơn chi phí, nhờ vậy doanh nghiệp tập trung nhiều hơn cho tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận.

Thực tiễn hoạt động của các công ty niêm yết cho thấy mức trung bình lợi nhuận của các doanh nghiệp thuộc nhóm quản trị tốt cao hơn mức trung bình lợi luận của các doanh nghiệp thuộc nhóm quản trị kém (xem bảng).

Ở nước ta, vấn đề quản trị công ty hiện nay đã đến mức đáng báo động cả về nhận thức, thực tiễn và hậu quả mà nó đang diễn ra.

Những vụ việc tranh chấp nội bộ gần đây trong các doanh nghiệp thuộc ngành sản xuất như cafe, ngành tài chính, ngân hàng… đều có nguyên nhân rất lớn từ quản trị doanh nghiệp yếu kém.

Thiếu một khung khổ quản trị tốt trong doanh nghiệp đã làm cho mâu thuẫn trong gia đình trở thành tranh chấp trong doanh nghiệp, tranh chấp giữa các doanh nghiệp và làm suy yếu hoạt động của doanh nghiệp.

Quản trị công ty yếu kém sẽ dẫn đến không kiểm soát được xung đột lợi ích, một cổ đông lớn chi phối toàn bộ hoạt động của công ty và bộ máy quản trị, quản lý bị vô hiệu; cổ đông nhỏ bị lạm dụng và chiếm đoạt lợi ích, có thể dẫn đến sụp đổ của doanh nghiệp.

Các cuộc khủng khoảng về tài chính ở khu vực và trên thế giới đều có nguyên nhân từ quản trị doanh nghiệp yếu kém.

Một trong những thay đổi lớn nhất sau khủng khoảng chính là chất lượng quản trị doanh nghiệp.

Theo khảo sát của OECD năm 2019, kể từ năm 2015 khi mà OECD ban hành Bộ nguyên tắc tốt về quản trị doanh nghiệp, có 84% trong số 49 nước được khảo sát đã tiến hành sửa đổi Luật Công ty và Luật Chứng khoán để nâng cấp khung khổ pháp lý về quản trị doanh nghiệp theo nguyên tắc tốt nhất về quản trị công ty.

Trong xu thế nêu trên, Luật Doanh nghiệp 2014 của Việt Nam đang được tiến hành sửa đổi, bổ sung. Bảo vệ cổ đông là một nội dung quan trọng nhất của khung pháp luật về quản trị công ty.

Quy định về bảo vệ cổ đông tốt sẽ đóng góp quan trọng làm cho doanh nghiệp trở thành một công cụ kinh doanh an toàn và thông qua đó sẽ thúc đẩy và huy vốn động đầu tư.

Nguyên tắc quan trọng của cơ chế bảo vệ cổ đông là đảm bảo đối xử công bằng giữa các cổ đông; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp không bị chiếm đoạt bởi cổ đông lớn hoặc người quản lý công ty; xung đột lợi ích trong công ty phải được kiểm soát; tạo điều kiện dễ dàng cho cổ đông kiện người quản lý công ty khi vi phạm trách nhiệm trong điều hành công ty.

So với Luật Doanh nghiệp năm 2005, Luật Doanh nghiệp năm 2014 đã tạo ra cải cách mạnh mẽ về nội dung này.

Mặc dù vậy, nếu so sánh thực trạng hiện nay với các quốc gia xung quanh thì mức độ bảo vệ nhà đầu tư theo pháp luật nước ta còn thấp xa so với Indonesia - quốc gia tương đồng nhất (xếp thứ hạng 51); thấp hơn nhiều so với Thái Lan (xếp thứ hạng 15), Singapore (xếp thứ hạng 7) và Malaysia (xếp thứ hạng 2).

Nội dung được đánh giá yếu nhất trong số các nội dung cấu thành cơ chế bảo vệ nhà đầu tư ở nước ta là các quy định về: (i) trách nhiệm đền bù thiệt hại của người quản lý công ty trong ký kết các giao dịch với người có liên quan (đạt 4/10 điểm), (ii) mức độ dễ dàng cho cổ đông kiện người quản lý công ty (đạt 2/10 điểm).

Rà soát một số quy định của Luật Doanh nghiệp về quản trị doanh nghiệp cho thấy, nhiều quy định chưa thực sự tạo thuận lợi cho cổ đông, nhà đầu tư thực hiện quyền của mình, thậm chí tạo thêm rào cản hoặc bị cổ đông lớn hoặc công ty lạm dụng gây tổn hại đến lợi ích của cổ đông.

Luật còn quy định một số yêu cầu, điều kiện gây khó khăn cho cổ đông, nhóm cổ đông nhỏ tham gia vào các quyết định quan trọng của công ty, như đề cử người vào Hội đồng quản trị và tiếp cận thông tin về hoạt động của công ty; các cổ đông thường gặp nhiều trở ngại trong tiếp cận thông tin cần thiết để khởi kiện người quản lý công ty trong trường hợp họ lạm dụng địa vị, quyền hạn gây thiệt hại cho công ty, cổ đông.

Những bất cập nêu trên đều đã được phát hiện và được xác định rõ sẽ là một nội dung quan trọng của Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) lần này.

Theo Tờ trình Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), mục tiêu tổng quát là chủ động xây dựng khung khổ pháp lý về tổ chức quản trị doanh nghiệp đạt chuẩn mực của thông lệ tốt và phổ biến ở khu vực và quốc tế (Tờ trình số 442/TTr-CP ngày 4/10/2019).

Nhiều giải pháp sửa đổi, bổ sung đã được ghi trong nội dung dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), bao gồm mở rộng mức độ và phạm vi quyền của cổ đông công ty nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho họ bảo vệ lợi ích của mình và khởi kiện người quản lý công ty nhằm hạn chế cổ đông lớn lạm dụng địa vị, quyền hạn gây thiệt hại cho công ty và cổ đông.

Nội dung sửa đổi, bổ sung cơ bản như: bãi bỏ, giảm bớt điều kiện không hợp lý (như "phải sở hữu cổ phần liên tục tục trong 6 tháng” hoặc "sở hữu ít nhất 10% tổng số cổ phần”) đối với cổ đông để có thể thực hiện một số quyền về đề cử, tiếp cận thông tin về hoạt động kinh doanh; bổ sung quyền yêu cầu Tòa án buộc công ty cung cấp thông tin cần thiết để thực hiện quyền khởi kiện người quản lý...

Như vậy, Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) lần thứ 4 không chỉ tiếp tục kế thừa, phát huy kết quả và tác động tốt của các cải cách trong các Luật Doanh nghiệp 2000, 2005 và 2014 mà sẽ tiến thêm một bước, hướng tới nâng cấp chất lượng doanh nghiệp bằng việc nâng cấp mạnh mẽ khung khổ pháp lý về quản trị doanh nghiệp theo chuẩn mực quốc tế tốt nhất.

Tuy nhiên, để đạt được quản trị tốt đòi hỏi cả khung khổ pháp lý và nhận thức và thay đổi của chính doanh nhân, doanh nghiệp về lợi ích của quản trị tốt.

Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu, quản lý kinh tế Trung ương

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục