Kỳ vọng chứng khoán “bay” cùng “Rồng”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Bước sang năm 2024, năm con Rồng trong Âm lịch, chúng ta hy vọng thị trường chứng khoán sẽ bay lên như linh vật được chọn làm biểu tượng cho năm.

Triển vọng “uốn lượn đi lên”

Dự báo về thị trường chứng khoán là một công việc thách thức, nhưng cũng khá thú vị. Cá nhân người viết dự cảm biến động của chỉ số VN-Index trong năm 2024 tựa hình dáng của rồng bay, khúc quanh uốn lượn theo chiều đi lên.

So với các kênh đầu tư khác, thị trường chứng khoán vẫn có rất nhiều cơ hội. Tất nhiên, thị trường nào có cơ hội mà chẳng tiềm ẩn rủi ro. Đặt trong bối cảnh mặt bằng lãi suất thấp tiếp tục được duy trì, cùng với việc các chính sách của Chính phủ tập trung vào mục tiêu hỗ trợ tăng trưởng, bất chấp việc kinh tế toàn cầu được dự báo sẽ còn nhiều khó khăn và chậm lại trong năm thứ ba liên tiếp, dòng tiền vào thị trường chứng khoán khó có thể bùng nổ, thị trường có thể trải qua một số nhịp điều chỉnh để tăng trưởng bền vững.

Ông Trần Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Phân tích Công ty Chứng khoán Dầu khí (PSI)

Ông Trần Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Phân tích Công ty Chứng khoán Dầu khí (PSI)

Nền tảng cho thị trường chứng khoán, đó là nền kinh tế Việt Nam kỳ vọng sẽ tăng tốc trong năm 2024, dù bối cảnh kinh tế thế giới và cả trong nước dự báo còn đối mặt với nhiều rủi ro, thách thức. Theo Báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB), nền kinh tế toàn cầu vào cuối năm 2024 sẽ ghi nhận “kỷ lục nghiệt ngã” - tốc độ tăng trưởng GDP nửa thập kỷ chậm nhất trong 30 năm. Tuy nhiên, với đà phục hồi trong thời gian qua và những nỗ lực, quyết tâm cao hơn trong năm 2024, Việt Nam có thể đạt được tốc độ tăng trưởng GDP 6%, lạm phát kiểm soát trong mức 3,5 - 4%.

Động lực tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ đến từ các yếu tố: tiêu dùng, đầu tư công, sản xuất. Trong đó, tăng trưởng tiêu dùng là yếu tố dẫn dắt, khó có thể kỳ vọng ngành sản xuất phục hồi mạnh trong năm 2024 khi nền kinh tế toàn cầu còn khó khăn. Việc Chính phủ đẩy mạnh giải ngân đầu tư công sẽ giúp kích thích khu vực tư nhân và hỗ trợ nhiều ngành nghề liên quan có được mức tăng trưởng tốt.

Năm mới mang tới nhiều kỳ vọng mới cho mỗi người, mỗi nhà

Năm mới mang tới nhiều kỳ vọng mới cho mỗi người, mỗi nhà

Bước sang năm 2024, áp lực lạm phát và tỷ giá không quá nặng nề (khi lạm phát đã hạ nhiệt trên quy mô toàn cầu và nhiều ngân hàng trung ương lớn trên thế giới đã phát đi tín hiệu sẽ hạ lãi suất điều hành trong năm nay), Ngân hàng Nhà nước có điều kiện để duy trì ổn định mặt bằng lãi suất hiện tại, thậm chí có điều kiện giảm nhẹ thêm. Trong bối cảnh lãi suất huy động được duy trì ở mức thấp, tỷ suất sinh lời của VN-Index (E/P) đang duy trì mức cao hơn đáng kể so với tỷ suất sinh lời tiền gửi tiết kiệm 12 tháng. Do vậy, sức hấp dẫn của việc đầu tư cổ phiếu vẫn được duy trì và phục hồi trong giai đoạn 2023 - 2024.

PSI dự báo, trong năm 2024, VN-Index sẽ tăng trưởng ở mức vừa phải, có nhiều con sóng nhỏ trong quá trình tăng trưởng. Chỉ số sẽ biến động trong vùng 1.066 - 1.287 điểm, dựa trên các giả định về tăng trưởng thu nhập (EPS) của toàn thị trường và mức định giá phù hợp với tình hình của nền kinh tế. Mức tăng trưởng EPS năm 2024 khoảng 15% được chúng tôi tổng hợp dựa trên nhiều dự báo của các tổ chức uy tín của thế giới và Việt Nam. Mức P/E trung bình 14 lần cũng là mức trung bình của thị trường chứng khoán Việt Nam trong nhiều năm qua.

Linh hoạt nương theo thị trường

Dự báo, VN-Index sẽ tăng trưởng theo mô hình “rồng bay” trong năm nay, điều quan trọng với giới đầu tư là tìm được đúng khúc lượn của thị trường để mua vào, bán ra, tối ưu hóa lợi nhuận. Nhà đầu tư có thể tham khảo các nhóm ngành được đánh giá hưởng lợi từ chính sách vĩ mô, đầu tư công cũng như phục hồi nhu cầu tiêu dùng trong nước và thế giới .

Trước tiên là cổ phiếu ngành ngân hàng. Mặc dù đã ghi nhận những chuyển động tích cực từ đầu năm 2024 nhưng đây vẫn là nhóm kỳ vọng dẫn dắt thị trường, dẫn dắt dòng tiền. Yếu tố hỗ trợ là tín dụng tăng trưởng và mặt bằng lãi suất dự báo ổn định trong năm nay. Điểm nhấn là cổ phiếu của ngân hàng có chất lượng tài sản vượt trội như VCB, ACB, MBB…

Bên cạnh đó, một số ngành khác có những lợi thế riêng, đơn cử ngành dầu khí. Sự phục hồi của các nền kinh tế lớn trên thế giới được dự báo sẽ tác động tích cực đến nhu cầu tiêu thụ dầu và ổn định giá dầu ở mức cao trong năm 2024 là động lực cho nhóm cổ phiếu ngành này. Các mã cổ phiếu triển vọng như BSR, GAS, PVD, PVS, với các yếu tố hỗ trợ là chênh lệch giữa giá dầu thô và sản phẩm DO cải thiện, thị trường LNG thế giới có xu hướng ổn định, chuỗi dự án Lô B - Ô Môn có nhiều bước tiến, nhu cầu và giá thuê giàn khoan dự kiến vẫn ở mức cao…

Với ngành bất động sản, cơ hội đầu tư tiềm năng sẽ đến từ các công ty có dự án đầy đủ điều kiện pháp lý, khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng tốt, trong bối cảnh nguồn cung còn hạn chế, có thể kể đến như NLG, VHM.

Cơ hội còn đến từ nhóm doanh nghiệp xây lắp và vật liệu xây dựng nhờ kỳ vọng Chính phủ tăng tốc giải ngân đầu tư công và nhiều dự án bất động sản nhà ở được triển khai, tập trung ở các doanh nghiệp có giá trị hợp đồng còn lại lớn. Sản lượng tiêu thụ và giá thép đã cải thiện đáng kể từ cuối năm 2023 là một chỉ báo tích cực về đà hồi phục của doanh nghiệp ngành thép trong năm 2024. Xuất khẩu vẫn là một điểm nhấn đáng chú ý của nhóm cổ phiếu thép trong thời gian tới. Các mã cổ phiếu thép tiềm năng bao gồm HPG, HSG, NKG.

Nhà đầu tư cũng có thể tìm cơ hội ở cổ phiếu thủy sản, đến từ kỳ vọng xuất khẩu cá tra và các mặt hàng thủy sản sang hai thị trường chủ lực là Mỹ và Trung Quốc sẽ phục hồi trong năm 2024, với các đại diện tiêu biểu là VHC, ANV.

Dù vậy, trong đầu tư, việc bảo toàn thành quả quan trọng hơn là tần suất đầu tư. Trong quá trình đầu tư chứng khoán, nhiều nhà đầu tư cá nhân có xu hướng giao dịch ngắn hạn với tần suất dày đặc. Nếu không tỉnh táo, nhà đầu tư có thể vướng vào vòng xoáy thua lỗ. Do đó, các nhà đầu tư cá nhân cần giữ nguyên tắc đầu tư ban đầu và thận trọng khi quyết định “xuống tiền” là điều kiện tiên quyết để đảm bảo an toàn và hiệu quả cho khoản đầu tư.

Chúng ta cần có một kế hoạch đầu tư từ đầu năm và sự linh hoạt, thích ứng với bối cảnh liên tục thay đổi của thị trường. Tỷ lệ đòn bẩy tài chính cũng cần thay đổi linh hoạt, khi thị trường thuận lợi có thể gia tăng tỷ lệ đòn bẩy, nhưng nếu thị trường biến động mạnh thì nên hạ bớt. Việc xây dựng, tuân thủ kế hoạch đầu tư và thực hiện quản trị rủi ro tốt sẽ giúp các nhà đầu tư gia tăng lợi nhuận một cách ổn định.

Xin chúc các nhà đầu tư một năm mới Giáp Thìn nhiều thành công!

Trần Anh Tuấn
Giám đốc Trung tâm Phân tích Công ty Chứng khoán Dầu khí (PSI)

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục