Sau những diễn biến khá nhàm chán của thị trường trong phiên sáng, khi VN-Index chỉ đi ngang quanh tham chiếu với thanh khoản thấp, thị trường bước vào phiên chiều tiếp diễn xu hướng này.
Tuy nhiên, sau hơn 1 giờ giằng co nhẹ, thị trường đã khởi sắc hơn khi bảng điện tử đảo chiều với sắc xanh chiếm ưu thế, cũng như nhóm cổ phiếu khu công nghiệp với BCM là đầu tàu đã giúp VN-Index có nhịp bật tăng lên gần 1.180 điểm, nhưng đáng tiếc chưa thể chạm được mốc điểm này khi đóng cửa.
Chốt phiên, sàn HOSE có 266 mã tăng và 274 mã giảm, VN-Index tăng 3,96 điểm (+0,34%), lên 1.179,65 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 620,1 triệu đơn vị, giá trị 13.741,2 tỷ đồng, giảm 7% về khối lượng và 4% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 55,4 triệu đơn vị, giá trị 1.489 tỷ đồng.
Đóng góp lớn nhất cho chỉ số phiên này là cổ phiếu BCM với mức tăng 5,2% lên 65.300 đồng và BCM cũng là mã tăng tốt nhất trong rổ VN30.
Tiếp thêm sức cho VN-Index còn HDB +2,1% lên 21.850 đồng, GVR +2% lên 22.950 đồng, MWG +1,8% lên 45.400 đồng. Các cổ phiếu VIC, VHM, VIB, MSN, TPB cũng đã nhích lên, dù mức tăng còn khiêm tốn.
Ở chiều ngược lại, dù có 12 mã giảm trong rổ VN30, nhưng ngoài SAB mất hơn 1%, thì còn lại cũng chỉ mất điểm nhẹ, với VNM, VCB, GAS, VPB, MBB, BID mất từ 0,15% đến 0,5%.
Trong khi đó, hai cổ phiếu thanh khoản cao nhất nhóm là HPG và SHB với hơn 17 triệu đơn vị chỉ có giá tham chiếu 28.000 đồng và 12.300 đồng khi đóng cửa.
Nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ có thêm nhiều sắc tím, ngoài tân binh QNP giữ vững giá trần thì còn ở một số cổ phiếu khu công nghiệp, nhựa, nguyên vật liệu như DRC, CSM, DRC, CCI, VPG, LIX, HII, cùng hai cổ phiếu xây dựng HBC và TV2 đều cũng đã tăng kịch trần.
Một cổ phiếu xây dựng khác đáng chú ý là PC1, khi có thời điểm cũng đã chạm giá trần trước khi đóng cửa thu hẹp đôi chút, +6,77% lên 30.750 đồng, khớp lệnh cao nhất thị trường với hơn 20,1 triệu đơn vị, cũng là mức cao nhất từ trước đến nay của cổ phiếu này.
Các cổ phiếu khác trong những nhóm ngành kể trên cũng đã có mức tăng tốt về cuối phiên với thanh khoản khá, như TCD +5,3% lên 7.900 đồng, IJC +4,8% lên 15.200 đồng, KBC +4,8% lên 30.400 đồng, HHP +4,1% lên 10.000 đồng, LSS +4% lên 11.800 đồng, DC4 +3,9% lên 12.050 đồng, TDP +3,9% lên 27.000 đồng, VNE +3,8% lên 6.490 đồng. Các mã HCD, VCG, SZC, PHR, SRC, LHG, CTI tăng từ 3% đến 3,7%.
Ở những mã giảm, ngoài một vài cái tên giảm sâu như ST8 giảm sàn về 17.150 đồng, RDP -5,8%, HSL -3,7%, TCI -2,7%, thì còn lại cũng chỉ giảm nhẹ.
Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index sau nửa đầu phiên chiều bò ngang quanh tham chiếu cũng đã có nhịp bật tăng khá tích cực về cuối phiên.
Đóng cửa, sàn HNX có 90 mã tăng và 72 mã giảm, HNX-Index tăng 1,62 điểm (+0,71%), lên 230,66 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 58,2 triệu đơn vị, giá trị 1.217,7 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,91 triệu đơn vị, giá trị gần 35 tỷ đồng.
Một số cổ phiếu nổi sóng, với KSQ, TMB, HJS, VC7, MCO đã tăng kịch trần. Các mã khác nới đà đi lên đáng kể như DTD +7,3% lên 27.800 đồng, TNG và IDC nhích gần 5% lên 20.500 đồng và 53.700 đồng, khớp trên dưới 4,8 triệu đơn vị.
Sắc xanh khác còn tại SHS, PVS, HUT, MBS, TIG, VC3, dù mức tăng khiêm tốn, với SHS vẫn là mã thanh khoản cao nhất sàn khi có hơn 5,87 triệu đơn vị khớp lệnh.
Trên UpCoM, diễn biến tương tự, khi chỉ số UpCoM-Index được kéo lên vào những phút cuối và đóng cửa không xa mức cao nhất ngày.
Chốt phiên, UpCoM-Index tăng 0,25 điểm (+0,29%), lên 87,85 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 29,2 triệu đơn vị, giá trị 416,5 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 20,3 triệu đơn vị, giá trị 315,7 tỷ đồng.
Nhiều cổ phiếu đảo chiều tăng, với CC1, NAB DRI, VTP, C4G, OIL, SBS, VGT, ACV nhích trên dưới 1,5%. Khởi sắc hơn là VAB khi +5,7% lên 7.400 đồng, khớp 1,85 triệu đơn vị.
Cổ phiếu hút thanh khoản nhất là BSR với 3,44 triệu đơn vị, nhưng kết phiên chỉ có giá tham chiếu tại 19.100 đồng.
Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều tăng, với VN30F2402 tăng 2,4 điểm, tương đương +0,2% lên 1.186 điểm, khớp lệnh hơn 81.300 đơn vị, khối lượng mở hơn 50.300 đơn vị.
Trên thị trường chứng quyền, mức độ phân hóa cũng tương đối mạnh, nhưng ba mã khớp lệnh cao nhất đều tăng, trong đó, CHPG2326 tăng 1,5% lên 700 đồng/cq, CSTB2310 tăng 5,7% lên 370 đồng/cq và CVPB2309 tăng 3,5% lên 300 đồng/cq, khớp 1,48 triệu đến 2,22 triệu đơn vị.