Cổ phiếu thép không còn rẻ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Việc đang ở mức định giá quá cao gây khó khăn khi đầu tư vào nhóm cổ phiếu thép ở thời điểm hiện tại.

Thị giá tăng cao, bất chấp kinh doanh chưa khởi sắc

Trong năm 2023, thị giá cổ phiếu thép tăng trung bình 58%, cao hơn 46% so với chỉ số VN-Index. Đáng chú ý, giá cổ phiếu tăng mạnh trong bối cảnh kết quả kinh doanh của nhóm doanh nghiệp thép không những chưa phục hồi, mà còn giảm sâu hơn so với năm 2022 và theo Công ty Chứng khoán SSI, nguyên nhân do lợi nhuận theo quý của hầu hết các công ty thép đã chạm đáy từ nửa cuối năm 2022, sớm hơn so với các ngành khác; cổ phiếu thép thường có hệ số beta cao và diễn biến tích cực hơn khi thị trường chung tăng điểm và cuối cùng, mức nền giá thấp hơn so với năm trước đã giúp nhóm cổ phiếu này hồi phục.

Hiện tại, sau nhịp tăng mạnh, nhóm cổ phiếu thép đang giao dịch tại vùng định giá cao, phần lớn phản ảnh triển vọng 1 năm với P/E dự phóng từ 15-17 lần, cao hơn trung bình lịch sử khoảng 10 lần. Trong đó, theo dữ liệu iBoard của SSI tính tới ngày 24/1/2024, định giá P/E cổ phiếu HSG của Tập đoàn Hoa Sen là 578,2 lần; cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hoà Phát là 88,1 lần; một số doanh nghiệp đang có lỗ luỹ kế 4 quý gần nhất nên định giá theo P/E ra số âm, do đó ước tính theo P/E không được thực hiện.

Trong năm 2023, thị giá cổ phiếu thép đã tăng trung bình 58%, cao hơn 46% so với chỉ số VN-Index.

Còn theo dự phóng của SSI Research, định giá P/E năm 2023 của 3 cổ phiếu đầu ngành gồm HPG, HSG và NKG (Thép Nam Kim) lần lượt là 26 lần, 452 lần, 36 lần và bước sang năm 2024, dự phóng P/E lần lượt là 14 lần, 18 lần và 16 lần, mức này tiếp tục duy trì cao hơn khoảng 10 lần so với trung bình lịch sử nhóm cổ phiếu thép đã thiết lập từ nhiều năm trước.

Ông Lâm Văn Vân, đại diện Quỹ đầu tư ECI Capital cho biết, trong một khoảng thời gian ngắn giá thép có thể sẽ tăng đến từ việc thị trường kỳ vọng vào sự phục hồi của nền kinh tế, cũng như các chính sách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của Chính phủ đối với ngành bất động sản, xây dựng và vật liệu xây dựng, bên cạnh dự báo khả quan về khả năng phục hồi của các nền kinh tế lớn trên thế giới. Đặc biệt, thị trường chứng khoán thường phản ứng sớm trước các thông tin tích cực cũng như sự kỳ vọng của nhà đầu tư nên sẽ khiến giá cổ phiếu thép có sự tích cực nhất định trong thời gian ngắn.

“Tuy nhiên, đó cũng chỉ là sự phục hồi ngắn, còn diễn biến chung ngành thép trong 2024 vẫn sẽ theo chiều hướng đi ngang, mà chưa thể có sự đột biến. Bởi sau sự suy thoái kinh tế toàn cầu cùng những bất ổn địa chính trị đang diễn ra ở nhiều khu vực trên thế giới, cần thêm nhiều thời gian để nền kinh tế các nước có thể tái cấu trúc, đồng thời tích lũy đủ điều kiện phục hồi. Mặt khác, các chính sách gỡ vướng cho thị trường bất động sản của Chính phủ cũng mới chỉ có tác động về mặt định hướng, mà chưa thể có hiệu quả thực tiễn ngay tức thì, lý do bởi nhiều doanh nghiệp vẫn còn khó khăn, trong khi các chính sách hỗ trợ luôn có độ trễ nhất định để phát huy tác dụng trong thực tiễn”, ông Vân phân tích.

Lợi nhuận năm 2024 dự báo cải thiện

Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), tiêu thụ thép xây dựng trong 2 tháng cuối năm 2023 đều tăng so với các tháng trước đó và đạt mức cao trong 20 tháng qua, với mức tăng trưởng từ 20% đến 40% tùy mặt hàng.

VSA dự báo về triển vọng sản xuất thép của Việt Nam có thể tăng khoảng 10% trong năm 2024 và 8% vào năm 2025 khi nhu cầu sử dụng thép của các ngành kinh tế trong tăng do hoạt động giải ngân vốn đầu tư công cho các dự án hạ tầng giao thông lớn tăng mạnh…

Tương tự, SSI Research cũng kỳ vọng lợi nhuận của các công ty thép sẽ tăng trưởng cao trong năm 2024 đến từ mức nền thấp trong năm 2023 nhờ sản lượng tiêu thụ cải thiện, đặc biệt tại những doanh nghiệp đầu ngành, biên lợi nhuận gộp cũng tăng trở lại từ mức thấp trong nhiều năm do giá thép nhiều khả năng đã kết thúc xu hướng giảm của những năm trước.

Ở góc nhìn thận trọng hơn, ông Trần Nhật Trung - chuyên gia phân tích của Chứng khoán ACB (ACBS) nhận định, do độ trễ chính sách, khả năng giá quặng và giá thép sẽ không biến động mạnh trong năm nay, cho nên kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp thép sẽ chỉ cải thiện nhẹ, mà chưa thể quay lại mức đỉnh như giai đoạn trước.

Có thể thấy, dù kịch bản nào diễn ra, giai đoạn 2024-2025 vẫn được dự báo là thời điểm hồi phục của nhóm doanh nghiệp thép sau khi đã “chạm đáy” trong năm 2023. Tuy vậy, một số lưu ý được đưa ra, phần lớn công ty bất động sản, công ty xây dựng vẫn đang gặp khó khăn, đặc biệt là về dòng tiền và chưa thể giải quyết ngay, dẫn tới nguy cơ phát sinh nợ xấu và phải tăng trích lập dự phòng, từ đó ảnh hưởng tới lợi nhuận.

Chẳng hạn, tại Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại SMC (mã SMC), trong năm 2023, doanh nghiệp này công bố nợ xấu lên tới 1.304,6 tỷ đồng và mới trích lập được 272,8 tỷ đồng, do đó có thể phải tăng trích lập dự phòng nợ xấu trong thời gian tới.

Duy Bắc

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục