Kỷ nguyên của các nhà đầu tư chủ động

(ĐTCK) Thực hiện các chiến dịch buộc doanh nghiệp hay nói chính xác hơn là ban lãnh đạo doanh nghiệp thay đổi và thúc đẩy nhiều thay đổi mạnh mẽ, là chân dung thế hệ các nhà đầu tư chủ động mới.
Kỷ nguyên của các nhà đầu tư chủ động

Tuần qua, hai cổ đông tổ chức là Red River Holdings và Temasia Capital Limited đã hoàn tất thoái toàn bộ vốn tại CTCP Everpia (EVE). Động thái này được dự báo sẽ khép lại những mâu thuẫn gay gắt đã nảy sinh nhiều năm nay giữa hai cổ đông trên và ông Lee Jae Eun, Chủ tịch kiêm tổng giám đốc EVE. Nhìn ở nhiều góc độ, Red River Holdings có thể được coi là một nhà đầu tư chủ động.

Chân dung nhà đầu tư

Thực hiện các chiến dịch buộc doanh nghiệp hay nói chính xác hơn là ban lãnh đạo doanh nghiệp thay đổi và thúc đẩy nhiều thay đổi mạnh mẽ, là chân dung thế hệ các nhà đầu tư chủ động mới. Một số nhà đầu tư có thể thắng, có người sẽ thua, nhưng thị trường tài chính và cộng đồng doanh nghiệp sẽ phải tiếp tục điều chỉnh để thích nghi với sự có mặt ngày càng đông đảo của họ. Đó là nhận định của Activist Insight trong báo cáo thường niên năm 2016.

Red River Holdings là một quỹ đầu tư của Pháp, có tổng tài sản quản lý gần 300 triệu USD, đã rót vốn vào khoảng 20 công ty Việt Nam như CTCP Sữa Việt Nam, CTCP FPT, Tập đoàn Hòa Phát, CTCP Thủy sản Minh Phú, CTCP Ánh Dương Việt Nam, Tập đoàn Hoa Sen, Tổng công ty Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí... Trong số các quỹ đầu tư vào Việt Nam, RRH gây chú ý khi ở mỗi doanh nghiệp họ đều thể hiện và mong muốn được tham gia sâu vào việc quản trị, đưa ra nhiều ý kiến về chiến lược tài chính, tái cơ cấu, hoạt động mua bán sáp nhập, lương thưởng của thành viên Ban điều hành và HĐQT...

Là nhà đầu tư tổ chức có tiềm lực, nắm vững các quy định của pháp luật chứng khoán và có điều kiện tiến hành những cuộc khảo sát riêng, Red River Holding đã thu thập được nhiều tài liệu về những nghi vấn liên quan đến sai phạm trong quản trị doanh nghiệp của ông Lee Jae Eun, trong đó đặc biệt là những vấn đề liên quan đến tính minh bạch.

Thanh tra UBCK sau đó đã vào cuộc, ra kết luận và xử phạt một số sai phạm của ông Lee Jae Eun. Vụ việc sau đó còn ồn ào hơn khi RRH đưa đơn kiện ông Lee Jae Eun ra tòa án và tòa đã thông báo thụ lý vụ kiện này.

Vào phiên giao dịch ngày 29/3/2016, RRH và Temasia Capital Limited đã bán toàn bộ gần 4 triệu cổ phiếu EVE, hoàn tất thoái vốn tại DN. Tuy không hoàn toàn đúng với định nghĩa về những nhà đầu tư chủ động thế hệ mới, những người tích cực và công khai thực hiện các chiến dịch tạo ra sự thay đổi mạnh mẽ ở các doanh nghiệp họ bỏ vốn vào, song ở nhiều góc độ, có thể coi RRH là một nhà đầu tư như vậy. Trên thế giới, đang xuất hiện ngày càng nhiều các nhà đầu tư dạng này. 

Sự trỗi dậy mạnh mẽ

Theo báo cáo mới nhất của Activist Investing, các nhà đầu tư chủ động và những chiến dịch họ khởi xướng đang tăng lên nhanh chóng. Vào năm 2015, có tới 551 công ty lớn trên thế giới chịu tác động từ các chiến dịch này, không chỉ ở Bắc Mỹ, châu Âu mà còn xuất hiện ngày càng nhiều ở châu Á.

Quỹ Trian, cổ đông lớn của Tập đoàn hóa chất hàng đầu Mỹ, DuPont, vào năm 2015 đã phát động một chiến dịch nhằm tạo ra nhiều thay đổi tại Dupont. Tập đoàn này đã có nhiều động thái nhằm thích ứng với những đề xuất mà Trian đưa ra, trước khi cuộc họp ĐHCĐ thường niên diễn ra, song cũng có nhiều đề xuất không được chấp nhận. Vào tháng 10/2015, khi cục diện trên thị trường cho thấy CEO của DuPont là Ellen Kullman chiến thắng trong cuộc chiến với cổ đông lớn, giá cổ phiếu của DuPont đã giảm hơn 30%.

Kullman sau đó đã phải rời công ty vào tháng 12. Trian tiếp tục tiến thêm một bước khi là nhân tố chính tạo ra thương vụ sáp nhập lịch sử giữa DuPont và Dow Chemical, một tập đoàn hóa chất hàng đầu khác của Mỹ. Câu chuyện này cho thấy một bài học rất lớn là ban điều hành sẽ mắc sai lầm khi coi thường các nhà đầu tư chủ động, những người có thể mất phiếu trong một cuộc đấu nhỏ nhưng sẽ chiến thắng trong một trận chiến dài.

Năm 2015, thị trường tài chính toàn cầu cũng chứng kiến nhiều chiến dịch thành công của các nhà đầu tư chủ động. eBay đã phải tiến hành việc tách và tái cấu trúc lại PayPal sau khi chịu áp lực từ cổ đông, quỹ Carl Icahn. Tương tự, The Manitowoc cũng phải đồng ý tách mảng dịch vụ thực phẩm khỏi công ty; Gannett hoàn tất việc tách mảng xuất bản... đều dưới áp lực của cổ đông lớn Icahn. Chưa hết, Yahoo đã phải từ bỏ kế hoạch tách khoản đầu tư vào Alibaba dưới áp lực của các cổ đông. Starboard Value, tương tự Yahoo, cũng phải bán mảng dịch vụ Internet.

“Thật khó có thương vụ sáp nhập giữa DuPont và Dow Chemical nếu không có các nhà đầu tư chủ động”, giới phân tích tài chính Mỹ nhận xét. Sự đổi mới trong các bộ luật chứng khoán, trong đó đề cao quyền của các nhà đầu tư đã khuyến khích các cổ đông mạnh dạn nói lên ý kiến của mình, nếu chưa thể tạo ra được sự thay đổi, ít nhất cũng buộc ban lãnh đạo doanh nghiệp phải tăng cường trách nhiệm giải trình. Điều này góp phần làm gia tăng tính minh bạch tại doanh nghiệp. 

Xu hướng phải thích nghi

Mỹ là thị trường rất coi trọng các nhà đầu tư chủ động, còn ở châu Âu và châu Á, ngày càng có nhiều chiến dịch do các nhà đầu tư chủ động khởi xướng. Đặc biệt, tại châu Âu, các nhà đầu tư truyền thống đang có xu hướng thay đổi trạng thái từ nhà đầu tư thụ động sang chủ động.

Bản thân các tập đoàn lớn cũng đã cởi mở, rộng cửa hơn với các quỹ đầu tư dạng này, bởi thế, dòng vốn đầu tư chảy vào châu Âu cũng đã khởi sắc hơn. Năm 2015, tập đoàn truyền thông nổi tiếng của Pháp Vivendi đã đồng ý chấp nhận khoản đầu tư hơn 1 tỷ USD từ P. Schoenfeld

Asset Management, sau một thời gian dài đóng cửa và có thái độ chống lại nhà đầu tư này. ValueAct Capital Partners, một nhà đầu tư chủ động nổi tiếng, cũng đã trở thành cổ đông lớn nhất của Rolls-Royce Holdings, nhà sản xuất xe hơi vốn rất thủ cựu và truyền thống.

Trên thế giới, nhiều quỹ đầu tư chủ động đã công khai các chiến dịch nhằm hướng đến việc cải tổ toàn diện các doanh nghiệp mà họ bỏ vốn vào. Đơn cử, Elliott Management (Mỹ) đang bỏ ra rất nhiều công sức để tạo ra sự thay đổi mạnh mẽ tại Tập đoàn xây dựng Samsung C&T (Hàn Quốc).

“Kỷ nguyên của các nhà đầu tư chủ động chưa hề có dấu hiệu chấm dứt. Năm 2016, xu hướng này ngày càng mạnh mẽ trên thị trường tài chính bởi các cổ đông đều mong được đóng vai trò tốt hơn trong việc tham gia hoạch định chiến lược phát triển và giám sát hoạt động doanh nghiệp. Các nhà đầu tư chủ động sẽ tiếp tục có vai trò lớn hơn dù có thể nảy sinh nhiều vấn đề trong mối quan hệ giữa họ và các nhà lãnh đạo, điều hành doanh nghiệp. Năm 2015, các quỹ đầu tư chủ động đã phát huy thành công đồng vốn của họ với rất nhiều chiến dịch trên toàn thế giới”, các chuyên gia phân tích của Activist Insight kết luận.

Trần Lệ Hằng – Thủy Nguyễn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục