Hai cổ đông đứng đơn khởi kiện là quỹ Red River Holdings và quỹ Temasia. Tổng số cổ phần hai cổ đông này nắm giữ là gần 14%.
Theo đơn khởi kiện ngày 10/11/2015, Red River Holdings nhận thấy giai đoạn 2012 – 2014, EVE hoạt động kém hiệu quả, chi phí bán hàng tăng 22%, lương thưởng cho HĐQT và Ban điều hành tăng 54%, nhưng doanh thu lại giảm 2% và lợi nhuận sau thuế giảm 54%. Từ bất thường này, Red River Holdings đã tìm hiểu và nhận thấy ông Lee Jea Eun có một số vi phạm quy định pháp luật trong việc điều hành, quản lý doanh nghiệp.
Red River Holdings và Temasia đã nêu ra 6 vấn đề cho rằng ông Lee Jae Eun có vi phạm. Theo đó, ông Lee đã ký quyết định tăng lương cho bản thân mà không có quyết định của HĐQT EVE, trong khi Điều 158.2.c Luật Doanh nghiệp đã quy định rõ, tiền lương của giám đốc do HĐQT quyết định.
Khi Red River Holdings có văn bản yêu cầu ông Lee Jea Eun cung cấp danh sách cổ đông chốt ngày 19/6/2015 thì ông Lee từ chối. Điều này là vi phạm quy định tại Điều 114.1.đ Luật Doanh nghiệp, cổ đông có quyền xem xét, tra cứu, trích lục các thông tin trong doanh sách cổ đông có quyền biểu quyết.
Đáng chú ý, đơn khởi kiện đã nêu việc mua villa cho mục đích giải trí của thành viên Ban Điều hành. Vào tháng 9/2013, HĐQT EVE thông qua nghị quyết thành lập chi nhánh tại Hòa Bình để kinh doanh sản phẩm dệt may, đồng thời là kho trung chuyển các sản phẩm ở khu vực Tây Bắc. Nhưng sau đó, EVE đã đầu tư và sửa chữa chi nhánh thành một villa nhằm phục vụ hoạt động giải trí, nghỉ dưỡng của thành viên Ban điều hành, đối tác, khách hàng. Việc này không đúng với Nghị quyết HĐQT.
Theo quy định tại Điều 23.4 Thông tư 121/2012/TT-BTC về quản trị doanh nghiệp của các công ty đại chúng thì EVE không được cung cấp các khoản vay hoặc bảo lãnh cho thành viên HĐQT, thành viên Ban kiểm soát, Tổng giám đốc… trừ khi được Đại hội cổ đông thông qua. Tuy nhiên, Báo cáo kiểm toán năm 2014 ghi nhận EVE đã cho ông Cho Yong Hwan, Thành viên HĐQT vay 615 triệu đồng mà không có quyết định của Đại hội cổ đông…
Từ những vấn đề trên, các nguyên đơn đề nghị Tòa án buộc ông Lee Jea Eun cung cấp danh sách cổ đông EVE tại thời điểm 19/6/2015 và giải trình chi tiết các vấn đề đã nêu trong đơn khởi kiện.
Nguyên đơn cũng yêu cầu ông Lee Jea Eun bồi hoàn chi phí quản lý quá thẩm quyền là 392 triệu đồng tính đến thời điểm nộp đơn khởi kiện. Trường hợp phát hiện và có chứng cứ về các thiệt hại về tiền khác, cổ đông sẽ tiếp tục yêu cầu ông Lee bồi thường theo quy định của pháp luật.
Được biết, Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội đã có thông báo thụ lý vụ án vào ngày 18/12/2015 và yêu cầu đương sự trong thời hạn 15 ngày kể từ khi nhận được thông báo phải có văn bản ghi ý kiến về các yêu cầu khởi kiện và các tài liệu chứng cứ kèm theo gửi về Tòa án.
Theo Luật sư Hồ Anh Khoa (Công ty Luật Basico), theo quy định tố tụng dân sự, sau khi nguyên đơn nộp đơn khởi kiện, Tòa án sẽ xem xét có thuộc thẩm quyền của Tòa hay không, nếu có, Tòa án sẽ yêu cầu nguyên đơn nộp tạm ứng án phí (trừ trường hợp được miễn hoặc không phải nộp), Toà án sẽ thụ lý vụ án khi người khởi kiện nộp cho Toà án biên lai nộp tiền tạm ứng án phí.. Sau khi thụ lý, Tòa án sẽ ra thông báo và yêu cầu các bên đương sự, đặc biệt là bị đơn có ý kiến, cung cấp thông tin về các yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
Ở giai đoạn này, bị đơn có thể sao chụp tài liệu và nộp bản tự khai, cung cấp các tài liệu chứng cứ. Sau đó, trừ một số trường hợp đặc biệt, Tòa án tiến hành hòa giải, nếu hòa giải không thành, đến thời hạn, Tòa án sẽ đưa vụ kiện ra xét xử. Trong quá trình giải quyết vụ kiện, Tòa án cũng có thể có văn bản tham khảo ý kiến các cơ quan quản lý chuyên ngành về vấn đề đang tranh chấp hoặc trưng cầu giám định nếu cần xác định làm rõ hơn tài liệu, chứng cứ.
“Theo quy định của pháp luật hiện hành về tố tụng dân sự, thời hạn chuẩn bị xét xử chưa được gia hạn (thêm 1 tháng) đối với tranh chấp thành viên công ty được Tòa án xác định là tranh chấp kinh doanh, thương mại là 2 tháng và trong thời hạn 1 tháng (trường hợp có lý do chính đáng thì thời hạn là 2 tháng) kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử thì Tòa án phải mở phiên tòa. Như vậy, nếu không được gia hạn thì không quá 3 tháng kể từ khi thụ lý vụ án kinh doanh thương mại, Tòa án phải mở phiên tòa”, Luật sư Hồ Anh Khoa cho biết.
Tuy nhiên, trong giai đoạn chuẩn bị xét xử và xét xử đều có nhiều trường hợp cho phép kéo dài thời hạn tố tụng, chẳng hạn như việc hòa giải có thể kéo dài nếu đương sự bận và xin thay đổi ngày hòa giải, phiên tòa có thể bị hoãn nhiều lần…