Ký kết CPTPP: Việt Nam đã sẵn sàng bước vào sân chơi lớn

Với việc ký kết Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), theo ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương), tất cả các nước thành viên đều được hưởng lợi, thậm chí hưởng lợi rất lớn nếu biết nắm bắt và tận dụng cơ hội.
Ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương). Ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương).

Thưa ông, với sự rút lui của Mỹ, nội dung Hiệp định CPTPP sẽ có nhiều khác biệt với TPP?

CPTPP là hiệp định kế thừa những nội dung của TPP. Tuy nhiên, nội dung của CPTPP đã được điều chỉnh theo hướng thuận lợi hơn cho các nước tham gia trong bối cảnh Mỹ không tham gia.

Cụ thể, Việt Nam sẽ có lộ trình dài hơn để thực thi một số nghĩa vụ khó, thậm chí một số nghĩa vụ khó còn tạm hoãn chưa phải thực thi cho đến khi có sự quay trở lại của Mỹ.

Về cơ bản, đó là những nghĩa vụ mà trước đây Mỹ đã đề nghị trong quá trình đàm phán, như những cam kết về sở hữu trí tuệ, lao động, công đoàn, cam kết về đầu tư...

Hiệp định CPTPP cũng có một số điều chỉnh mang tính linh hoạt hơn, cho phù hợp với điều kiện cụ thể của các nước đang phát triển. Về cơ bản, lộ trình này có lợi hơn cho các nước tham gia.

Nhưng vắng Mỹ, liệu sân chơi này có kém phần hấp dẫn, thưa ông?

CPTPP được coi là một trong những hiệp định thương mại tự do lớn nhất được ký kết trên thế giới trong thời gian gần đây, với những tiêu chuẩn cao nhất. Mặc dù đã có điều chỉnh, nhưng tiêu chuẩn vẫn rất cao. Đặc biệt, những cam kết về mở cửa thị trường được giữ nguyên như Hiệp định TPP.

Tất nhiên, không còn thị trường Mỹ thì dung lượng thị trường sẽ giảm bớt, nhưng cơ hội dành cho doanh nghiệp tiếp cận các thị trường khác vẫn tương tự.

Với những thị trường chúng ta đã ký hiệp định thương mại tự do như Nhật Bản thì nay sẽ có cơ hội mở cửa thị trường tốt hơn. Trong khi một số thị trường mới như Canada, Mexico hay Peru cũng đều là thị trường quan trọng, nhiều tiềm năng để có thể khai thác.

Một nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB) chỉ ra rằng, CPTPP vẫn đem lại lợi ích đáng kể cho các quốc gia thành viên. Cụ thể, đối với Việt Nam, nếu tính đến lợi ích trực tiếp và gián tiếp, CPTPP có thể giúp GDP tăng 3,6% so với mức trên 6% của TPP.

Có một số thông tin cho rằng, những hiệp định thương mại chỉ có lợi cho các nước phát triển, các tập đoàn đa quốc gia. Ông nghĩ thế nào về quan điểm này?

Cùng một nội dung hiệp định như nhau thì sẽ có nước tận dụng được, có nước không tận dụng được. Các hiệp định thương mại tự do chỉ tạo ra một sân chơi, còn việc có tận dụng được cơ hội hay không lại phụ thuộc vào khả năng của từng nước.

Nếu nhìn rộng ra bình diện toàn cầu, chúng ta sẽ thấy một diễn biến khá thú vị.

Trước đây, trong những thập niên 70, 80, 90 của thế kỷ trước, thậm chí đầu những năm 2000, phần lớn ý kiến cho rằng, khi một nước mở cửa hội nhập, lợi ích thường thuộc về các nước phát triển cao nhiều hơn các nước đang phát triển.

Trong đó, các tập đoàn đa quốc gia ở các nước phát triển được hưởng lợi nhiều nhất.

Nhưng trong những năm gần đây, quan điểm trên dường như đã thay đổi. Làn sóng chống lại thỏa thuận thương mại tự do mạnh nhất lại diễn ra ở các nước phát triển. Đó là lý do tại sao Mỹ rút khỏi TPP vì coi hiệp định này không có lợi.

CPTPP là hiệp định mang tính bổ sung giữa các nền kinh tế tương đối cao, chứ không thuần túy là cạnh tranh trực tiếp. Vì vậy, tôi tin rằng, tham gia hiệp định này, tất cả các quốc gia thành viên sẽ đều được hưởng lợi.

Hiệp định đã được ký kết, theo ông các bước cần hành động tiếp theo là gì?

Trước hết, trong khi trình chờ Quốc hội phê chuẩn hiệp định thì cũng cần một chương trình hành động hết sức cụ thể, rõ ràng, để làm sao giúp cho nền kinh tế điều chỉnh cơ cấu phù hợp với điều kiện mới, giúp các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa và người dân trong một số lĩnh vực dễ bị ảnh hưởng nâng cao khả năng cạnh tranh trong tình hình mới, vươn lên tận dụng được các cơ hội mà hiệp định này đem lại.

Ngoài ra, cũng cần có bước chuẩn bị để tạo điều kiện vĩ mô cho phù hợp. Với nền kinh tế mở hơn, thì ảnh hưởng của những cú sốc từ bên ngoài chắc chắn sẽ lớn hơn, nên cần chuẩn bị về tài chính, ngân hàng, dự trữ ngoái hối, những cân đối lớn của nền kinh tế…

Trong khi đó, các doanh nghiệp cần chuẩn bị tâm thế mới, tâm thế cạnh tranh trong quy mô lớn hơn nhiều so với trước đây.

Trước đây, chúng ta đã từng bước hội nhập với khu vực ASEAN, với các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand…, nay với CPTPP, góc độ cạnh tranh sẽ còn mở rộng hơn, nhưng cơ hội dành cho doanh nghiệp cũng lớn hơn.

Hy vọng, với sự “tập dượt” trong khuôn khổ các hiệp định thương mại tự do đã ký kết và thực hiện trong thời gian qua, với sự chuẩn bị, hỗ trợ nhất định của Nhà nước, doanh nghiệp sẽ chủ động đón đầu cơ hội và đối phó với thách thức cạnh tranh từ hiệp định này.

Ông đánh giá thế nào về tốc độ hội nhập của doanh nghiệp, người dân, cơ quan chức năng?

Tự đánh giá thì sẽ không khách quan. Nhưng theo một nghiên cứu xếp hạng về mở cửa thương mại và đầu tư của McKenzie, trong khối ASEAN, Việt Nam đứng thứ 2 (sau Singapore) về việc chủ động tích cực mở cửa cho thương mại và đầu tư.

Có thể thấy, Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế trong khu vực cũng như bình diện toàn cầu. Tất nhiên, do là nước có trình độ phát triển kinh tế thấp hơn, nên cũng cần có lộ trình dài hơn. Nhưng định hướng của chúng ta rất rõ ràng.

Chúng ta đã có những chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ để chủ động, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế và xu hướng này đã được thể hiện thông qua nhiều hiệp định khác nhau, trong đó, CPTPP là một trong những hiệp định thể hiện rất rõ nét định hướng này.

Anh Trung
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục