Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (HOSE: SAB) đã chứng kiến sự sụt giảm mạnh về cả doanh thu và lợi nhuận trong quý 1 khi chỉ đạt 52,8% doanh thu và 57,7% lợi nhuận so với cùng kỳ quý 1 năm 2019.
Tuy nhiên sau đó đã có sự phục hồi đáng kể về kết quả kinh doanh trong quý 2 khi doanh thu đạt 78,2% và lợi nhuận đạt 81% so với cùng kỳ.
Đặc biệt hơn trong báo cáo tài chính quý 3 mới ra của SAB, mặc dù doanh thu vẫn giảm 17% so với cùng kỳ nhưng về mặt lợi nhuận gộp và lợi nhuận ròng lại vượt lần lượt 3% và 1% so với cùng kỳ năm 2019.
Đây là một điểm sáng cho thấy sự hồi rõ rệt của ngành bia nói chung và SAB nói riêng khi mặc dù gặp những khó khăn kép, SAB vẫn đã cho ra mắt dòng bia mới “Lạc Việt” kỷ niệm 145 năm thành lập vào cuối tháng 6 năm 2020.
Bên cạnh đó còn phải kể đến Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (HOSE:BHN) cũng vừa báo lãi quý 3 năm 2020 đạt mức kỷ lục 340 tỷ VNĐ, tăng gấp đôi so với cùng kỳ và cao nhất trong vòng 4 năm trở lại đây.
Nguyên nhân cho sự phục hồi và tăng trưởng trở lại ấn tượng của BHN đến từ việc cắt giảm chi phí bán hàng và chi phí quảng cáo, khuyến mãi.
Với kết quả tích cực trong quý 3, lợi nhuận lũy kế 9 tháng đầu năm của BHN đạt 488 tỷ đồng, tăng nhẹ 3,3% so với cùng kỳ năm trước dù doanh thu giảm gần 16%. Thu nhập trên mỗi cổ phần (EPS) 9 tháng đạt 1.965 đồng.
Song song với việc cắt giảm các chi phí bán hàng hay quảng cáo, BHN cho ra mắt các dòng sản phẩm mới Hanoi Bold và Hanoi Light phiên bản đóng lon, bia hơi Hà Nội 500ml (đóng lon) và bia hơi Hà Nội 1 lit (đóng chai PET) và đã có những phản hồi tích cực.
Về công tác thị trường, trong năm 2020 Habeco sẽ giao thêm khu vực thị trường miền Trung cho Công ty TNHH MTV thương mại bia Hà Nội Thanh Hóa với mục tiêu củng cố thị trường và lấy lại thị phần và đặc biệt công ty đã ký kết với Công ty Cổ phần Đầu tư Sao Thăng Long (HNX: DST) hợp đồng hợp tác mua bán và phân phối sản phẩm bia hơi Hà Nội tại địa bàn 4 quận Thành phố Hồ Chí Minh là quận 1, quận 3, quận Phú Nhuận, quận Bình Thạnh.
Địa bàn khu vực miền Nam vốn là “sân nhà” của Sabeco. Tấn công vào sân nhà của đối thủ cũng là cách để giữ lại thị phần trên sân nhà của mình.
Chiến thuật này chúng ta đã từng chứng kiến trong lĩnh vực thép tại Việt Nam khi Công ty TNHH Thép Vina Kyoei đã có bước tiến ra địa bàn khu vực miền bắc bằng cách mua lại CTCP Thép Việt Ý (HOSE: VIS) cạnh tranh trực tiếp với Hòa Phát tại “bản doanh” miền bắc, đe đọa đến vị trí số một trong ngành thép của Hòa Phát tại đây trong khi đó HPG cũng tiến vào thị trường miền Nam nơi vốn là sự thống trị của POM và Vina Kyoei.