Ký giấy bán nhà để vay tiền, bút sa gà chết!

(ĐTCK) Không ít người đã chấp nhận ký vào bản hợp đồng chuyển nhượng nhà đất như một điều kiện đảm bảo cho khoản vay vốn cá nhân. Chỉ đến khi ngân hàng “gõ cửa” đòi nhà, họ mới tá hỏa vì nhà đất của mình đã bị chủ nợ đem thế chấp ngân hàng tự bao giờ.
Chủ tài sản khẳng định không biết chuyện ông Nguyễn Hữu Điềm đem nhà đất thế chấp vay tiền tỷ tại ngân hàng
Chủ tài sản khẳng định không biết chuyện ông Nguyễn Hữu Điềm đem nhà đất thế chấp vay tiền tỷ tại ngân hàng

Hồi năm 2014, khi TAND quận Long Biên (Hà Nội) giải quyết vụ việc tranh chấp hợp đồng tín dụng giữa nguyên đơn là Ngân hàng TNHH một thành viên Standard Chartered (SC) và bị đơn là ông Nguyễn Hữu Điềm, bị đơn đã không có mặt ở nơi cư trú. Ngân hàng đã nhiều lần liên lạc với khách hàng, thậm chí tìm đến những nơi ông Điềm đăng ký tạm trú, địa chỉ nhà thế chấp, nhưng đều không gặp. Cơ quan công an cũng có xác nhận ông Nguyễn Hữu Điềm đã đi khỏi nơi cư trú.

Năm 2014, TAND quận Long Biên ban hành quyết định tìm kiếm người vắng mặt. Ngân hàng liên tục đăng tin tìm kiếm ông Điềm trên các phương tiện thông tin đại chúng. Do đó, suốt 2 phiên tòa cấp sơ thẩm và phúc thẩm (ngày 11/8/2016) đều không có lời khai của bị đơn.

Theo trình bày của Ngân hàng Standard Chartered, ngày 7/6/2013, giữa ông Điềm và Ngân hàng ký hợp đồng tín dụng vay số tiền 2 tỷ đồng, mục đích mua nhà để ở, lãi suất 9,5%/năm. Tài sản đảm bảo cho hợp đồng này là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất địa chỉ ở xã Mai Liên, huyện Đông Anh, TP. Hà Nội đứng tên ông Nguyễn Hữu Điềm. Sau đó, hai bên ký tiếp hợp đồng tín dụng thứ hai, số tiền vay là 745 triệu đồng, mục đích vẫn là mua nhà để ở, thời hạn vay 25 năm, lãi suất 9,5%/tháng. Bảo lãnh cho khoản vay này là quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền trên đất ở thôn Mai Liên, xã Mai Lâm, huyện Đông Anh, Hà Nội đứng tên ông Nguyễn Hữu Điềm.

Nhận tiền vay xong, ông Điềm mới trả được một phần nợ gốc và lãi đến tháng 11/2013. Khi khách hàng vi phạm nghĩa vụ thanh toán, Ngân hàng đã chuyển toàn bộ khoản nợ sang nợ đáo hạn phải thanh toán. Nhưng sau đó, khách hàng bỗng nhiên “biến mất”. Tính đến năm 2015, ông Điềm còn nợ ngân hàng đối với 2 hợp đồng trên tổng cộng hơn 4 tỷ đồng gồm nợ gốc, nợ lãi và phí phạt.

Tại phiên tòa sơ thẩm năm 2015, TAND quận Long Biên đã tuyên buộc ông Nguyễn Hữu Điềm phải có nghĩa vụ thanh toán toàn bộ khoản vay đối với 2 hợp đồng trên. Trường hợp ông Điềm không thanh toán đầy đủ khoản vay, Ngân hàng có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án phát mại 2 tài sản đảm bảo.

Liên quan đến hợp đồng thế chấp, những người có quyền lợi liên quan, đại diện là bà Nguyễn Thị Ngọc Lan đã kháng cáo bản án sơ thẩm. Bà Lan cho biết, chủ tài sản 2 thửa đất trên thực chất là vợ chồng ông Nguyễn Ngọc Thắng và ông Tạ Văn Soát.

Trong các biên bản hòa giải có lời khai thể hiện, năm 2013, vợ chồng ông Nguyễn Ngọc Thắng cho bà Lan mượn sổ đỏ để vay vốn, nhưng vì vay vốn ngân hàng gặp khó khăn, bà Lan gợi ý nhờ công ty khác vay tiền. Giữa các bên ký hợp đồng chuyển nhượng nhà đất. Vợ chồng ông Thắng không biết ông Nguyễn Hữu Điềm là ai.

Tương tự là trường hợp ông Tạ Văn Soát. Do có nhu cầu cần tiền để đáo nợ ngân hàng, ông Soát đến Công ty TNHH Phú Hưng (sau này biết được đây là công ty của ông Điềm) để vay tiền. Hai bên cũng ký hợp đồng chuyển nhượng nhà đất. Chủ tài sản khẳng định không biết chuyện ông Nguyễn Hữu Điềm đem nhà đất thế chấp vay vốn Ngân hàng Standard Chartered.

Các chủ tài sản đều không đồng ý cho Ngân hàng phát mại tài sản. Họ cho rằng, việc ký hợp đồng chuyển nhượng cho ông Điềm chỉ mang tính chất hình thức để được vay tiền. Mặt khác, khi ký, họ chỉ chuyển nhượng quyền sử dụng đất, không có quyền sở hữu nhà và tài sản trên đất.

Bà Lan cho rằng, Ngân hàng không thẩm định kỹ tài sản. Đối chất tại tòa, Ngân hàng cho biết đã thuê công ty định giá. Ngân hàng cho rằng, theo quy định pháp luật, tài sản thế chấp gồm cả tài sản đã hình thành và sẽ hình thành nên gồm quyền sở hữu nhà, tài sản gắn liền trên đất.

Trước tòa, bà Lan khai nhận giữa gia đình ông Soát và ông Điềm có văn bản viết tay với nội dung cho mượn tài sản, nhưng văn bản này nộp cho cơ quan công an nên không cung cấp được cho tòa án.

Các tài liệu thể hiện, 2 hợp đồng chuyển nhượng có đầy đủ chữ ký, con dấu. Điều này cũng lý giải được vì sao ông Nguyễn Hữu Điềm có thể sang tên nhà đất và dễ dàng đem thế chấp sổ đỏ vào ngân hàng vay tiền.

Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm nhận định, do không có chứng cứ mới, nên giữ nguyên bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân quận Long Biên.               

Hà Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục