Chủ tài sản thiệt hại là bà Lê Thị Cẩm (SN 1932). Năm 2013, bà Cẩm gửi tiết kiệm số tiền 666 triệu đồng vào Ngân hàng. Do không biết chữ và già yếu, mỗi lần đi rút tiền, bà Cẩm lại nhờ Nguyễn Thị Nhất (SN 1986, ở xã Thạch Hòa, huyện Thạch Thất, TP. Hà Nội) là cháu ngoại đưa đi. Lợi dụng sự tin tưởng của bà ngoại, Nhất kê khai số tiền rút vào chứng từ cao gấp nhiều lần so với số tiền bà Cẩm yêu cầu nhằm chiếm đoạt số tiền chênh.
Trong khoảng thời gian nửa năm, bị cáo Nhất đã đưa bà Cẩm đi rút tiền 13 lần, tổng số tiền gốc là 416 triệu đồng. Trong số đó, Nguyễn Thị Nhất chỉ đưa cho bà Cẩm số tiền yêu cầu rút là 91 triệu đồng, chiếm đoạt số tiền còn lại là 325 triệu đồng.
Theo quy trình rút tiền thông thường tại ngân hàng, khi khách hàng muốn rút tiền trong sổ tiết kiệm phải trực tiếp đi rút, mang theo Chứng minh nhân dân và sổ tiết kiệm. Đối với sổ tiết kiệm có kỳ hạn, khách hàng muốn rút bớt tiền trong sổ tiết kiệm thì phải rút toàn bộ số tiền đã gửi, sau đó lập một sổ tiết kiệm mới. Giao dịch viên sẽ làm một chứng từ giao dịch bằng máy tính để đóng tài khoản mới, sau đó đưa cho khách hàng một “giấy gửi tiền” và thẻ lưu để kê khai và lập sổ tiết kiệm mới.
Các giao dịch viên có một “hạn mức” giao dịch tiền mặt nhất định theo từng thời điểm do ngân hàng quy định. Nếu số tiền rút vượt quá “hạn mức giao dịch tiền mặt”, giao dịch viên sẽ chuyển chứng từ sang cho thủ quỹ chính và thủ quỹ chính sẽ trực tiếp xuất tiền giao cho khách hàng.
Đối với sổ tiết kiệm linh hoạt, khách hàng muốn rút bớt tiền trong sổ tiết kiệm có thể rút bất cứ lúc nào mà chỉ cần kê khai vào “giấy rút tiền” số tiền muốn rút. Thủ tục xuất tiền và giao tiền cho khách hàng tương tự sổ tiết kiệm có kỳ hạn.
Nếu người sử dụng tài khoản không thể viết dưới bất kỳ hình thức nào, nhân viên ngân hàng sẽ hướng dẫn khách hàng đăng ký mã số, ký hiệu đặc biệt hoặc điểm chỉ thay cho chữ ký mẫu.
Một chuyên gia ngân hàng cho rằng, chính khách hàng quản lý tài khoản thông qua lệnh rút hoặc gửi tiền. Khi nhập lệnh, khách hàng phải tự biết mình rút bao nhiêu tiền và còn bao nhiêu. Nhân viên ngân hàng có nghĩa vụ giao hoặc nhận đúng số để khớp mã. Khách hàng đã lập lệnh, ký hoặc điểm chỉ sẽ phải tự chịu trách nhiệm. Do vậy, khi nhận được lệnh có chữ ký/điểm chỉ đúng mẫu đăng ký là nhân viên ngân hàng phải thực hiện, không được thắc mắc. Việc này hoàn toàn do khách hàng lập lệnh và máy tính tự tính.
Tuy nhiên, vị chuyên gia này cũng cảnh báo, cán bộ ngân hàng cần thiết phải cẩn trọng đối với những khách hàng đặc biệt, như những người già yếu, không biết chữ.
Nhận định về vụ án Nguyễn Thị Nhất lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cơ quan tố tụng cho rằng, vấn đề là nhân viên ngân hàng đã không thông báo số tiền rút cho chủ tài sản. Song hiện tại, các văn bản pháp chế của ngân hàng hiện nay không có quy định cụ thể, rõ ràng về việc nhân viên ngân hàng có trách nhiệm thông báo lại số tiền rút cho chủ tài khoản.
“Đây là sơ hở, thiếu sót của các quy định về lĩnh vực ngân hàng nói chung và của nhà băng này nói riêng. Điều này đã tạo điều kiện cho tội phạm dễ dàng thực hiện hành vi phạm tội, thậm chí còn để xảy ra nhiều lần”, bản án sơ thẩm nhận xét.
Cơ quan điều tra cũng xét thấy các thiếu sót trên là vô ý, không có dấu hiệu vụ lợi, bàn bạc nên không xem xét xử lý.
Tuy không giống như những vụ án cán bộ ngân hàng cố ý làm giả phôi thẻ tiết kiệm nhằm “qua mặt” chủ tài khoản để rút tiền, vụ án hy hữu trên đây vẫn là bài học cảnh tỉnh đối với nhiều người đang sở hữu sổ tiết kiệm. Nhìn nhận từ thực tế các vụ án, có thể thấy đối tượng tội phạm sử dụng đủ các thủ đoạn, chiêu trò nhằm chiếm đoạt tài sản phi pháp. Chủ tài khoản cần cẩn thận với những giao dịch rút/gửi tiền để tránh nhầm lẫn, sai sót, rủi ro đáng tiếc.