Sau khi chia cổ tức, thậm chí chia thưởng cổ phiếu theo tỷ lệ 1:1, nhưng thị giá chứng khoán vẫn trên 5x, nhờ Công ty hoạt động hiệu quả.
Tại buổi gặp gỡ nhà đầu tư của KSB vừa qua, nghe lãnh đạo KSB chia sẻ về kết quả kinh doanh 8 tháng đầu năm, định hướng phát triển trong tương lai, nhà đầu tư này quyết định sẽ đầu tư thêm cổ phiếu KSB.
Triển vọng vượt kế hoạch kinh doanh
Tám tháng đầu năm 2017, KSB đạt doanh thu hơn 687 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 227 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế gần 181 tỷ đồng. Trong 4 tháng cuối năm, KSB ước tính có thể đạt 397,7 tỷ đồng doanh thu, 90 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.
Theo đó, cả năm 2017, Công ty có thể đạt 1.085 tỷ đồng doanh thu và 270 tỷ đồng lợi nhuận, ghi nhận thêm một năm đạt và vượt kế hoạch đề ra. Kế hoạch này chưa bao gồm phần chuyển nhượng Dự án Khu dân cư Bình Đức Tiến. Dự kiến, KSB sẽ nhận được quyết định chấp thuận chuyển nhượng dự án của UBND tỉnh Bình Dương vào cuối tháng 9 và hạch toán doanh thu, lợi nhuận ngay.
Từ đầu năm đến nay, KSB đã hoàn thành thủ tục và được UBND tỉnh Bình Dương cấp phép khai thác đá xây dựng tại mỏ đá Phước Vĩnh, diện tích 29,62 ha, độ sâu khai thác cote -20 m, trữ lượng gần 14,5 triệu m3 nguyên khối, công suất khai thác khoảng 12 triệu m3/năm. Ngoài ra, KSB đưa mỏ sét Bố Lá vào khai thác, cung cấp sét nguyên liệu cho nhà máy gạch Bình Phú của Công ty và các nhà máy gạch khác trong khu vực.
Thông tin được các nhà đầu tư quan tâm là giấy phép khai thác mỏ Tân Đông Hiệp, vì đây là mỏ đá được đánh giá có trữ lượng lớn, chất lượng tốt và vị trí thuận lợi - yếu tố quan trọng trong việc tạo lợi thế cạnh tranh về giá thành của các doanh nghiệp khai thác đá. Hiện KSB và các đơn vị trong cụm mỏ đang chờ chủ trương của UBND tỉnh Bình Dương về việc cho phép khai thác xuống cote -150 m.
Ông Hoàng Văn Lộc, Phó tổng giám đốc KSB cho biết, Công ty hiện khai thác 3 mỏ đá xây dựng gồm Tân Đông Hiệp, Tân Mỹ và Phước Vĩnh. Trong đó, mỏ Tân Đông Hiệp khai thác độ sâu cote -120 m, sản lượng đến nay là 1,5 triệu m3 và mục tiêu 2,1 triệu m3 trong năm 2017. Mỏ Phước Vĩnh có kế hoạch sản lượng là 1,1 triệu m3, nhiều khả năng sẽ đạt từ 1,2 triệu m3 trở lên. Mỏ Tân Mỹ hiện đạt 49% kế hoạch là 1,1 triệu m3, nhưng dự kiến sẽ hoàn thành 100% mục tiêu cả năm.
Ngoài ra, KSB đang xin chủ trương của UBND tỉnh Bình Dương về việc cho phép thăm dò, khai thác mỏ đá Tam Lập, diện tích 16,3 ha, trữ lượng hơn 7,6 triệu m3 đá nguyên khối (Công ty đã đền bù và mua quyền sử dụng đất).
Với kết quả đạt được ở trên, ông Đạt cho biết, tỷ lệ cổ tức năm 2017 dự kiến là 25%. Sau khi chia thưởng 1:1, vốn điều lệ của KSB đã tăng lên gấp đôi, 468 tỷ đồng, việc duy trì trả cổ tức cao cho thấy sự nỗ lực của Ban điều hành trong việc quản lý, kinh doanh có hiệu quả.
Củng cố vị thế, thực hiện mở rộng và mua mới nhiều mỏ đá
KSB hiện có 13 giấy phép khai thác và 3 mỏ đá có trữ lượng lớn. Là doanh nghiệp lâu năm trong ngành, đội ngũ khai thác và chế biến khoáng sản của KSB được đánh giá là “có nghề”, đều có kinh nghiệm từ 10 - 40 năm, trong đó nhiều nhân sự đã “chinh chiến” thành công ở những khu vực có địa hình khai thác rất khó khăn.
Trong 5 năm tới, mục tiêu của KSB là doanh nghiệp đứng đầu về lĩnh vực khai thác, chế biến khoáng sản làm vật liệu xây dựng. Theo đó, Công ty sẽ mở rộng quy mô, không chỉ sản phẩm đá xây dựng, mà còn cả cát, cao lanh, đồng thời phát triển đa dạng các sản phẩm, đẩy mạnh các sản phẩm có biên lợi nhuận cao như cát nhân tạo và đá li tâm.
Theo thống kê, nhu cầu đá xây dựng cả nước hiện vẫn chưa vượt lượng cung, nhưng riêng khu vực Đông Nam Bộ đã xuất hiện trình trạng cầu vượt cung.
Ông Đạt ước tính, mỏ đá Tân Đông Hiệp sau năm 2020 ngưng khai thác sẽ khiến nguồn cung khu vực này giảm khoảng 3 triệu m3/năm. Do vậy, các mỏ đá tiềm năng xung quanh khu vực Bình Dương, Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu… được đội ngũ KSB sớm lên kế hoạch thăm dò và mua thêm các mỏ để dự trữ.
Lãnh đạo KSB cho biết, KSB đang tìm kiếm, san nhượng ít nhất một mỏ đá quy mô từ 20 - 40 ha, công suất khai thác từ 1,5 - 2 triệu m3/năm ở khu vực Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu. Hiện Công ty đã có danh mục 4 - 5 mỏ đá để lựa chọn và cân nhắc nên mua mỏ đá nào trước để phát huy hiệu quả.
Đặc biệt, KSB đang đàm phán để nhận chuyển nhượng mỏ đá núi Nứa, thị xã Long Khánh, tỉnh Đồng Nai, quy mô thăm dò 100 ha, đã cấp phép 5 ha, công suất khai thác được cấp là 300.000 m3/năm nguyên khối (nở rời khoảng 450.000 m3), trong đó có khoảng 130.000 m3 là nguyên liệu cho xi măng. Mỏ có thời gian khai thác 30 năm, kể từ tháng 9/2010.
Theo ông Lộc, mỏ núi Nứa có vị trí rất thuận lợi, nhu cầu thị trường lớn và khả năng mở rộng tốt nên đã đề xuất Hội đồng quản trị đầu tư mỏ này.
“Tuy nhiên, do thủ tục sang nhượng mỏ đá khá phức tạp nên thời gian kéo dài. Ngay khi có điều kiện, Công ty sẽ thực hiện sang nhượng ngay”, ông Lộc nói.
Ngoài khu vực Đông Nam Bộ, KSB cũng tính tới kế hoạch dài hạn khi khu vực này cạn nguồn cung, buộc phải khai thác ở các khu vực xa hơn như Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hòa. Ưu điểm ở các khu vực này là nhiều mỏ có chất lượng tốt, nhưng nhược điểm là vị trí kém thuận lợi.
Không lo trữ lượng khai thác đá đến năm 2030
“Khai thác mãi cũng hết”, nhiều nhà đầu tư bày tỏ quan ngại về sự phát triển dài hạn của doanh nghiệp khi các mỏ đá ngày càng cạn kiệt. Tuy nhiên, theo ông Đạt, các tài nguyên có sẵn, trữ lượng lớn, nhưng công suất khai thác chưa hết.
Các mỏ đá của KSB, ngoại trừ mỏ Tân Đông Hiệp đang chờ giấy phép mới để khai thác sâu cote 150 m, đều có thời gian khai thác dài. Mỏ Tân Mỹ được khai thác đến năm 2029, được cấp phép khai thác độ sâu 30 m, nhưng riêng KSB được 70 m. Dự kiến, trong những tháng cuối năm 2017, KSB sẽ xin chủ trương của tỉnh để khai thác ở độ sâu 100 m.
Đối với mỏ Phước Vĩnh, thời hạn khai thác đến năm 2023, hiện đang khai thác ở độ sâu 20 m, nhưng trong quy hoạch cho phép khai thác đến độ sâu 70 m.
Do vậy, ông Lộc đánh giá, trữ lượng khai thác còn rất lớn, dồi dào cho đến ít nhất năm 2030.
Ngoài các mỏ đá, KSB đang tiến hành mở rộng cát đồi nhằm thay thế cho cát sông ngày càng cạn kiệt. Ước tính, trữ lượng cát sông tại Việt Nam khoảng 2 tỷ m3, nhưng so với nhu cầu hiện hữu thì chỉ trong vòng 3 năm nữa sẽ tiêu thụ hết trữ lượng này. Do vậy, doanh nghiệp cần tính toán ngay từ bây giờ bài toán cát thay thế bằng cát đồi và cát nhân tạo.
Tiềm năng cát nhân tạo
Ông Lộc cho biết, KSB đang có 2 nguồn nguyên liệu chính từ đá và đá chính phẩm, cát nhân tạo là sản phẩm kèm theo. Cát nhân tạo (đá mi bụi) có ở hai mỏ của KSB là mỏ Tân Hiệp và mỏ Phước Vĩnh. Trong đó, mỏ Phước Vĩnh có sản lượng đá mi bụi khoảng 250.000 - 350.000 m3.
Dự kiến, năm 2018, KSB có ít nhất 50.000 m3 cát nhân tạo được bán ra thị trường, sau đó sẽ tăng thêm. Tương lai, hai mỏ đá trên có thể cung cấp ra thị trường khoảng 1 triệu m3 cát nhân tạo.
KSB đang khảo sát một mỏ khác ở khu vực Vĩnh Hòa, mỏ này có đá xây dựng và sản phẩm đá để làm cát xây dựng gần giống với cát tự nhiên. Hiện KSB bán giá cát nhân tạo 150.000 đồng/m3, biên lợi nhuận dự kiến khoảng 10 - 15%.
Theo KSB, đây là hướng đi mới của doanh nghiệp trong ngành khi mà cát tự nhiên ngày càng khan hiếm. Lợi thế của cát nhân tạo chính là chủ động được chất lượng của cát, nhất là độ sạch và tách được cát thô cho bê tông, cát mịn cho tô trát. Do vậy, doanh nghiệp có thể chủ động cung cấp sản phẩm phù hợp với nhu cầu của thị trường.