Knight Capital có thể tiêu tan cơ nghiệp vì sự cố kỹ thuật

(ĐTCK) Sự cố này khiến Công ty bị thiệt hại tới 440 triệu USD, cao gần gấp 4 lần mức lợi nhuận thuần của cả năm 2011).

Knight Capital Group, một trong những công ty cung cấp các dịch vụ giao dịch chứng khoán lớn nhất tại thị trường chứng khoán Mỹ, vừa chính thức thông báo, do sự cố kỹ thuật xảy ra trong phiên giao dịch ngày 1/8  tại Sở GDCK NYSE (New -York), Công ty này đã bị thiệt hại tới 440 triệu USD, cao gần gấp 4 lần mức lợi nhuận thuần của cả năm 2011 (115,2 triệu USD).

Chỉ trong 2 ngày 1 và 2/8, giá cổ phiếu của Knight Capital đã giảm tới 75%, riêng trong ngày 2/8, giảm 63% xuống chỉ còn 2,58 USD/cổ phiếu. Với đà này, nếu không có phép lạ, nguy cơ sập tiệm của Knight Capital là hoàn toàn có thể. 

Đây là sự cố kỹ thuật tại sàn chứng khoán Mỹ có hậu quả tai hại nhất kể từ tháng 5/2010, khi cũng tại NYSE, do sự cố kỹ thuật được gọi là “flash crash” (tạm dịch là sự đổ vỡ chớp nhoáng), khi trong vòng 5 phút, chỉ số Dow Jones giảm tới 600 điểm. Còn sự cố kỹ thuật của Knight Capital diễn ra trong vòng 45 phút tại phiên giao dịch ngày 1/8, khi Công ty này áp dụng phần mềm mới phục vụ giao dịch.  Knight Capital đã để xảy ra lỗi kỹ thuật trong giao dịch, làm ảnh hưởng đến 148 mã cổ phiếu chứng khoán, trong đó có cổ phiếu của nhiều đại gia, như Ford Motor, American Airlines...

Báo chí và các phương tiện truyền thông Mỹ đã liên tục đưa tin về sự cố này. Trong đó, hay nhất, độc đáo nhất phải kể đến Kênh truyền hình CNN khi đưa lên màn hình một cái tít rất ấn tượng kèm hình ảnh là Knight - mare at Wall Street. Nhìn là vậy, song đọc tít này, phát âm trùng khít với cụm từ Nightmare at Wall Street (tạm dịch là cơn ác mộng ở phố Wall). Đây là sự chơi chữ khá đắt.

Vậy cụ thể sự cố ở Knight Capital diễn ra như thế nào?

Theo thông báo từ Knight Capital, sự cố này có liên quan đến phần mềm mới được áp dụng, kéo theo rất nhiều lệnh đặt mua, bán không chính xác. Chẳng hạn, chỉ trong vòng vài phút, giá giao dịch của cổ phiếu Abercrombie & Fitch tăng 9%, hay ngược lại, giá cổ phiếu của Harley-Davidson lại giảm tới 12%...

Sau khi phát hiện sự cố, Ban lãnh đạo sàn NYSE đã quyết định xem xét lại 148 mã cổ phiếu bị ảnh hưởng.

Những giao dịch được thực hiện có liên quan đến 6 mã chứng khoán với mức biến động mạnh (giảm giá ít nhất 30%) đã bị hủy bỏ.

Con số thiệt hại 440 triệu USD cũng lớn hơn rất nhiều so với những dự đoán trước đó. Theo thông tin được đăng tải trên website của Knight Capital, trong tháng 6/2012, Hãng này thực hiện các giao dịch, với khối lượng lên đến 3,1 tỷ cổ phiếu, với tổng giá trị 19,5 tỷ USD. Theo TABB Group, trong 6 tháng đầu năm nay, Knight Capital thực hiện tới 11% tổng khối lượng giao dịch chứng khoán tại Mỹ.

Các cổ đông, các đối tượng bị thiệt hại trực tiếp đang đòi “lấy đầu” ông Thomas M. Joyce, 57 tuổi, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành (CEO) Knight Capital. Chính ông này đã quyết định triển khai áp dụng phần mềm mới phục vụ giao dịch, nên mọi sự cố đều quy về trách nhiệm của ông.

Theo ông Thomas M. Joyce, muốn giữ chân khách hàng cũ và bổ sung khách hàng mới, thì không còn con đường nào khác là Knight Capital phải liên tục nâng cấp công nghệ xử lý, vừa nhanh, vừa chính xác, vừa tiện lợi cho cả khách hàng lẫn bộ phận điều hành trực tiếp.

Được biết, sau sự cố trên, nhiều khách hàng sộp như Citigroup, Fidelity Investments, Vanguard... đã chấm dứt hợp tác với Knight Capital.

Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC) cũng đã vào cuộc tiến hành điều tra. Sự cố trên xảy ra, tất có người bị thiệt hại và cũng có người hưởng lợi. Vậy ai là đối tượng hưởng lợi?

Ông Scott Freeze, Chủ tịch Công ty Street One Financial cho biết, đối tượng hưởng lợi chủ yếu là những nhà kinh doanh cá nhân, tổ chức sử dụng các thuật toán máy tính chuyên sâu sớm phát hiện ra những biểu hiện bất thường, lập tức nhảy vào, nhanh chóng đặt mua hoặc bán và lập tức có lời trông thấy. Tập đoàn DRW Trading Group là một ví dụ cụ thể đã vớ bẫm từ sự cố này. Nhiều nhà quản lý quỹ bám trụ vào thời điểm đó cũng khai thác được cơ hội làm giàu.

Trong khi đó, nhiều nhà đầu tư cá nhân không theo dõi diễn biến liên tục vào thời điểm xảy ra sự cố chắc chắn bị thiệt thòi.

Theo các nhà phân tích, xét cho cùng, người bị thiệt hại nhiều nhất từ sự cố này chính là ông Thomas M. Joyce. Ông này bị thiệt đơn, thiệt kép, thậm chí đứng trước nguy cơ mất cả chì lẫn chài nếu Knight Capital sập tiệm.

Thứ nhất, ông đang hưởng lương cứng 750.000 USD/năm, nhưng thu nhập năm 2011 của ông (gồm tiền lương, thưởng...) tổng cộng lên tới 8,4 triệu USD. Do sự cố kỹ thuật vừa qua, năm nay thu nhập của ông chắc chắn sẽ đuối hơn rất nhiều.

Thứ hai, ông sở hữu hơn 1,2 triệu cổ phiếu Knight Capital mà giá cổ phiếu giảm mạnh như vừa qua, thì tài sản của ông bị sụt giảm đáng kể là cái chắc.

Không chỉ có vậy, ngày 31/8, ông lại vừa trải qua cuộc phẫu thuật đầu gối. Thế thì đúng là hoạ vô đơn chí với ông rồi!


Trung Hiếu (báo chí nước ngoài)

Tin cùng chuyên mục