Yahoo muốn mua lại Chrome nếu Google buộc phải bán

0:00 / 0:00
0:00
Trước áp lực từ vụ kiện chống độc quyền, Google có thể phải chia tách trình duyệt Chrome - tài sản chiến lược nhất trong hệ sinh thái tìm kiếm. Yahoo tuyên bố sẵn sàng mua lại nếu cơ hội xuất hiện.
Ảnh: Reuters Ảnh: Reuters

Thông tin được tiết lộ trong ngày thứ tư của phiên điều trần do Bộ Tư pháp Mỹ (DOJ) tổ chức hôm 23/4. Tại đây, các bên liên quan tiếp tục thảo luận về biện pháp khắc phục cho cáo buộc Google "lạm dụng vị thế độc quyền" trong thị trường tìm kiếm và quảng cáo.

Một trong những đề xuất nổi bật là buộc Google phải tách Chrome - trình duyệt phổ biến nhất thế giới - ra khỏi công ty mẹ. DOJ cho rằng đây là kênh phân phối then chốt giúp củng cố quyền lực thị trường tìm kiếm của Google, khiến các đối thủ khó cạnh tranh.

Trong bối cảnh đó, Yahoo bất ngờ lên tiếng thể hiện sự quan tâm. "Chrome là tay chơi chiến lược quan trọng nhất trên web hiện nay", ông Brian Provost - Tổng giám đốc bộ phận tìm kiếm của Yahoo - phát biểu tại phiên điều trần. Ông tin rằng nếu sở hữu Chrome, thị phần tìm kiếm của Yahoo có thể tăng từ mức 3% hiện tại lên hai chữ số.

Yahoo từng là biểu tượng Internet đầu những năm 2000 nhưng dần tụt lại sau khi bị Google vượt mặt. Sau nhiều lần đổi chủ, công ty hiện thuộc sở hữu của Apollo Global Management và đang cố gắng phục hồi bằng cách phát triển nguyên mẫu trình duyệt mới.

Provost tiết lộ Yahoo đã bắt tay phát triển trình duyệt riêng từ mùa hè năm ngoái, với thời gian hoàn thiện dự kiến từ 6 đến 9 tháng. Tuy nhiên, việc mua lại Chrome có thể rút ngắn đáng kể quá trình này.

"Khoảng 60% truy vấn tìm kiếm hiện nay được thực hiện qua trình duyệt. Việc kiểm soát trình duyệt chính là cánh cổng chiến lược để trở lại sân chơi tìm kiếm", ông nói.

Dù thừa nhận thương vụ này có thể tốn hàng chục tỷ USD, Provost tin rằng với sự hậu thuẫn tài chính từ Apollo, Yahoo hoàn toàn có thể thực hiện.

Apollo hiện cũng sở hữu Netscape - trình duyệt từng là biểu tượng của thời kỳ đầu Internet và là tâm điểm trong vụ kiện chống độc quyền giữa Microsoft và chính phủ Mỹ cuối những năm 1990. Tuy nhiên, Netscape hiện không còn hoạt động tích cực.

Không chỉ Yahoo, một số công ty công nghệ khác cũng bày tỏ sự quan tâm đến Chrome trong phiên điều trần.

Perplexity - công ty AI mới nổi - cho biết họ sẵn sàng đảm nhận việc vận hành trình duyệt nếu Google bị buộc phải bán. "Chúng tôi nghĩ mình có thể làm được", ông Dmitry Shevelenko - Giám đốc Kinh doanh của Perplexity - nói.

Trái ngược với sự tự tin của Perplexity và Yahoo, DuckDuckGo thừa nhận họ không đủ năng lực tài chính để tham gia thương vụ.

Google cảnh báo rằng việc buộc họ bán Chrome là "chơi với lửa", bởi chủ sở hữu mới có thể không đủ năng lực duy trì chất lượng hoặc tính phí người dùng, ảnh hưởng đến cả ngành công nghiệp trình duyệt.

Tuy nhiên, nếu phán quyết của tòa án đồng thuận với DOJ, Chrome - cùng với nền tảng mã nguồn mở Chromium - có thể phải chia tách, mở ra bước ngoặt lịch sử trong ngành công nghệ toàn cầu.

Linh Dương
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục