Kinh tế Việt Nam năm 2009: Thách thức và cơ hội

(ĐTCK) Cuộc hội thảo "Kịch bản cho kinh tế Việt Nam năm 2009: Các giải pháp ổn định và phát triển" tổ chức ngày 22/12 tại TP. HCM đã khái quát được hầu hết nội dung và giải pháp được các chuyên gia kinh tế đem ra thảo luận. Nếu bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2009 được nhìn nhận theo hướng thận trọng bao nhiêu thì hầu hết chuyên gia lại đề cao các biện pháp đối phó với khủng hoảng bấy nhiêu.
Xuất khẩu năm 2009 của Việt Nam sẽ gặp khó khăn

Bức tranh nào cho kinh tế Việt Nam năm 2009?

Năm 2008 là một năm khó khăn của hệ thống ngân hàng, sang năm 2009 hệ thống tài chính - ngân hàng tiếp tục gặp thử thách, ông Bùi Kiến Thành, chuyên gia tài chính độc lập nhận định. Nhiều ngân hàng đã huy động vốn với lãi suất 17 - 19%/năm, hiện nay khó có thể tìm được người cho vay với lãi suất 14 - 15%/năm. Năm 2009, lãi suất sẽ tiếp tục giảm, DN hướng tới nguồn vốn vay với chi phí thấp nên sẽ hủy những hợp đồng tín dụng với lãi suất cao. Các ngân hàng sẽ gặp khó khăn, nhiều ngân hàng khó tránh khỏi thua lỗ. Chưa hết, theo ông Thành, sự ổn định của hệ thống ngân hàng còn gặp mối nguy khác từ lĩnh vực bất động sản. Thị trường bất động sản đang bị đóng băng, kèm theo các khoản nợ khó đòi trong hệ thống ngân hàng tăng lên…

Ông Thành nhận định, hoạt động xuất khẩu đã bị co lại trong thời gian qua, sang năm 2009 nếu Nhà nước không có biện pháp cắt giảm nhập khẩu thì cán cân thanh toán quốc tế của Việt Nam sẽ vô cùng khó khăn: lượng vốn đầu tư trực tiếp năm 2008 tuy đăng ký rất cao, nhưng mức độ thực hiện vẫn phụ thuộc khả năng dàn xếp vốn của nhà đầu tư; lượng vốn đầu tư gián tiếp khó có thể hy vọng tăng trong năm tới vì các tổ chức đầu tư và quỹ nước ngoài có nhu cầu thu hồi vốn về nguyên xứ để giải quyết nhu cầu tài chính cấp bách; lượng kiều hối có thể giảm do nhiều nền kinh tế lớn gặp khó khăn…

Trong nhiều năm qua, Việt Nam phát triển dựa vào xuất khẩu và đầu tư. Về lĩnh vực xuất khẩu, ông Trương Đình Tuyển, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia đánh giá, xuất khẩu có ý nghĩa quan trọng với tăng trưởng, khi giá trị xuất khẩu chiếm xấp xỉ 80% GDP. Ba nền kinh tế lớn trên thế giới là Mỹ, EU, Nhật Bản đã chiếm trên 50% giá trị xuất khẩu của Việt Nam, 40% là châu Á và châu Đại Dương, các nước Trung Đông và châu Phi chiếm tỷ trọng không đáng kể. Như vậy, sự suy giảm của nhiều nền kinh tế do chịu tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu khiến xuất khẩu năm 2009 của Việt Nam sẽ gặp khó khăn. Năm 2009, cạnh tranh thương mại sẽ hết sức khốc liệt, trong đó cạnh tranh về giá diễn ra gay gắt nhất. Cuộc cạnh tranh này diễn ra không chỉ trên thị trường quốc tế, mà còn với cả thị trường nội địa khi một lượng hàng hóa rất lớn, giá rẻ chờ đổ bộ từ Trung Quốc…

Ông Lê Đức Thúy, Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia đề ra một số kịch bản cho nền kinh tế. Theo đó, kịch bản lạc quan nhất, năm 2009 GDP tăng trưởng quanh mức 6%, lạm phát dưới 10% và nền kinh tế khởi sắc trở lại từ năm 2010. Ở kịnh bản thực tế nhất, theo ông Thúy, tăng trưởng GDP trên dưới 5%, lạm phát từ 6 - 8%. Kinh tế cũng thực sự trở lại quỹ đạo tăng trưởng từ năm 2010 và có sự đột phá vào năm 2011… Ông Thúy cho biết, gói kích cầu của Chính phủ có thể lên tới 6 tỷ USD, gồm 1 tỷ USD từ quỹ dự trữ ngoại hối, 20.000 tỷ đồng từ nguồn chi ngân sách các năm trước chưa dùng, phần còn lại từ việc phát hành trái phiếu và cắt giảm thuế cho DN…

Các giải pháp ổn định và phát triển

Nhìn nhận tác động của cuộc khủng hoảng tài chính thế giới tới kinh tế Việt Nam năm 2009 trở nên rõ nét hơn, nên hầu hết chuyên gia đề cao các biện pháp ứng phó. Về giải pháp cho hoạt động của hệ thống ngân hàng, theo ông Thành, một trong những phương án khả thi là Ngân hàng Nhà nước cung cấp vốn cho ngân hàng thương mại với lãi suất thấp, khoảng 1 - 2%/năm để có thể cho DN vay với lãi suất khoảng 5 - 7%/năm. Bên cạnh đó, ông Thành cũng kiến nghị các ngân hàng đẩy mạnh cho vay tiêu dùng. Mức tăng trưởng của Việt Nam năm 2009 được Quỹ Tiền tệ quốc tế dự báo là 5%, nhưng theo ông Thành, Việt Nam hoàn toàn có thể đạt được mức tăng trưởng 6,5% như Ngân hàng Thế giới dự báo, nếu thực hiện một số biện pháp: mạnh tay thực thi chính sách tín dụng - tiền tệ thích hợp với nhu cầu phát triển, không để các dự án khả thi thiếu vốn; nghiên cứu và thực thi các biện pháp chuyển đổi cơ cấu kinh doanh dựa trên hiệu quả kinh tế, thay vì chạy theo mục đích thành tích phi kinh tế…

Về hướng ra cho DN, trong đó có DN xuất khẩu, theo ông Tuyển, với tình hình hiện nay, DN cần có chiến lược chủ động đón đầu như phát triển nhiều thị trường mới, trong đó có thị trường Trung Đông và châu Phi vốn ít chịu tác động của cuộc khủng hoảng; DN cần coi trọng việc chiếm lĩnh thị trường trong nước, phân lớp thị trường cho đúng đối tượng tiêu dùng…

Một trong những nội dung được nhiều chuyên gia đề cập là gói kích cầu của Chính phủ có thể lên tới 6 tỷ USD. Theo ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, việc sử dụng gói kích cầu nhằm duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định và bền vững. Vì vậy, gói kích cầu kinh tế nên hướng tới mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô và việc làm, tạo lòng tin và sự ổn định xã hội… Theo ông Thiên, trọng tâm là tháo gỡ nhanh các nút thắt hạ tầng, gây ách tắc lâu nay như cầu, đường, cảng biển; ưu tiên các dự án thu hút nhiều việc làm, dự án hướng tới việc gỡ khó cho DN xuất khẩu, đặc biệt là DN sử dụng nhiều lao động như giầy da, dệt may… Đồng quan điểm, ông Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc nghiên cứu Chương trình giảng dạy Fulbright đề xuất gói kích cầu của Chính phủ tránh tập trung vào các dự án có khả năng thâm dụng vốn, hay tập trung ở một địa phương ít có sức lan tỏa.

Đánh giá triển vọng của kinh tế Việt Nam trong năm 2009, các chuyên gia đều bày tỏ thái độ hết sức thận trọng. Tuy nhiên, hầu hết chuyên gia đều nhìn nhận tác động của cuộc khủng hoảng theo chiều hướng tích cực: đây là thách thức nhưng cũng là cơ hội để sửa chữa khiếm khuyết của hệ thống, nếu vượt qua được, kinh tế Việt Nam phát triển mạnh mẽ và ổn định hơn.

Ngọc Giang
Ngọc Giang

Tin cùng chuyên mục