Kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn trong triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia

0:00 / 0:00
0:00
Phó thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các cơ quan, đơn vị trong thực tiễn triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; phấn đấu hoàn thành 100% mục tiêu, chỉ tiêu được Quốc hội giao và giải ngân 100% kế hoạch vốn được giao.
Kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn trong triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia

Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 155/TB-VPCP ngày 4/4/2025 kết luận của Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 trực tuyến với các địa phương về tình hình triển khai thực hiện và chuẩn bị công tác tổng kết các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025.

Thông báo nêu: Ban Chỉ đạo Trung ương ghi nhận những nỗ lực, cố gắng và biểu dương những kết quả tích cực, hành động quyết liệt của các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương, cấp ủy, chính quyền các cấp và Nhân dân các địa phương trong giải ngân vốn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia và hoàn thành trước hạn nhiều nhóm mục tiêu, chỉ tiêu được giao.

Tuy nhiên, trong thực tiễn triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia vẫn còn một số hạn chế, vướng mắc và thách thức như: Tỷ lệ giải ngân tuy có chuyển biến tích cực nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, đặc biệt là giải ngân vốn sự nghiệp còn thấp; còn những nhóm mục tiêu khó hoàn thành; một số nơi còn rủi ro tái nghèo; khó huy động nguồn lực xã hội hóa và vốn đối ứng của địa phương để thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.

Một số dự án, nội dung thành phần, đối tượng thụ hưởng, định mức hỗ trợ chưa phù hợp tình hình thực tiễn hoặc đã hết đối tượng; tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới của một số vùng vẫn còn khoảng cách chênh lệch lớn, vẫn còn huyện nghèo thuộc 04 tỉnh (Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Điện Biên) "trắng xã nông thôn mới" và 4 tỉnh (Cao Bằng, Điện Biên, Quảng Bình, Kon Tum) chưa có đơn vị cấp huyện được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; năng lực và tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ thực thi nhiệm vụ ở một số địa phương còn hạn chế; các bộ, ngành, địa phương đang tập trung chủ yếu cho công tác kiện toàn, sắp xếp bộ máy tổ chức, đơn vị hành chính, phần nào ảnh hưởng đến tiến độ tổ chức triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; đâu đó có tình trạng không muốn đạt chuẩn nông thôn mới và không muốn thoát nghèo vì không còn là đối tượng thụ hưởng những chính sách an sinh xã hội về giáo dục, y tế, bảo hiểm, trợ cấp …

Để hoàn thành các mục tiêu đặt ra đối với 3 chương trình (phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới) có ý nghĩa hết sức quan trọng này, trong thời gian từ nay đến cuối năm 2025, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục phấn đấu để cơ bản hoàn thành các mục tiêu mang tính tổng hợp, rất có ý nghĩa, đã được Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ giao trong công tác giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Hoàn thiện các thủ tục phân bổ, giao số vốn còn lại chưa phân bổ

Ban Chỉ đạo Trung ương yêu cầu các Bộ, cơ quan Trung ương và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo thẩm quyền, chức năng và nhiệm vụ được giao tiếp tục rà soát để sửa đổi, bổ sung hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các văn bản về quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.

Khẩn trương hoàn thiện các thủ tục phân bổ, giao số vốn còn lại chưa phân bổ trước 5/4/2025; kịp thời phân bổ, giao kinh phí thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia cho cơ quan, đơn vị trực thuộc ngay sau khi được Thủ tướng Chính phủ giao bổ sung; đặc biệt cần tính đến những vấn đề có thể phát sinh khi thực hiện sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp theo chủ trương mới để thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia bảo đảm liên tục, không xảy ra khoảng trống, vướng mắc.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các cơ quan, đơn vị trong thực tiễn triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; phấn đấu hoàn thành 100% mục tiêu, chỉ tiêu được Quốc hội giao và giải ngân 100% kế hoạch vốn được giao.

Các Bộ: Nông nghiệp và Môi trường, Dân tộc và Tôn giáo theo chức năng, nhiệm vụ được giao khẩn trương chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan tổng hợp phương án đề xuất phân bổ vốn, kinh phí còn lại của các chương trình mục tiêu quốc gia, gửi Bộ Tài chính để tổng hợp báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trước ngày 5/4/2025.

Hoàn thành tổng kết việc thực hiện 03 Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 – 2025 trong Quý II năm 2025; trên cơ sở đó xây dựng hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư các Chương trình giai đoạn 2026 - 2030 theo quy định bảo đảm thiết thực, hiệu quả, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, không chồng chéo và phù hợp với tình hình thực tiễn, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 20/7/2025.

Bộ Tài chính khẩn trương chủ trì, phối hợp với các Bộ: Nông nghiệp và Môi trường, Dân tộc và Tôn giáo và các Bộ, cơ quan liên quan rà soát các Nghị quyết của Quốc hội, Nghị định của Chính phủ và văn bản quy phạm pháp luật khác về quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia để đề xuất cấp có thẩm quyền kịp thời sửa đổi, bổ sung bảo đảm phù hợp tình hình thực tiễn và không gián đoạn công tác triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia khi thực hiện sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp.

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan báo cáo cấp có thẩm quyền về phương án xử lý nguồn thu hồi nợ của các chương trình tín dụng chính sách tại Ngân hàng Chính sách xã hội và vốn tín dụng cho Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo đúng ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc tại Văn bản số 1291/VPCP-KTTH ngày 18/2/2025 của Văn phòng Chính phủ.

Điều chỉnh Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030

Bộ Dân tộc và Tôn giáo khẩn trương chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan và Hội đồng thẩm định nhà nước hoàn thiện hồ sơ Quyết định điều chỉnh Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 theo đúng quy định và ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Chính phủ Mai Văn Chính tại Văn bản số 2251/VPCP-QHĐP ngày 18/3/2025; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 8/4/2025.

Báo cáo Thủ tướng Chính phủ về đề xuất xây dựng Nghị định về việc tiếp tục thực hiện các chính sách an sinh xã hội, giáo dục, tiền lương, phụ cấp và các chính sách khác (nếu có) trên địa bàn các xã khu vực III, khu vực II, thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 được cấp có thẩm quyền công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới; hoàn thành trước ngày 10 tháng 4 năm 2025.

Văn phòng Chính phủ báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo bổ sung nhiệm vụ về kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia cho các Tổ công tác về kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công hằng năm tại các bộ, cơ quan trung ương và địa phương được thành lập theo Quyết định số 523/QĐ-TTg ngày 6/3/2025 của Thủ tướng Chính phủ; phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ và các cơ quan liên quan hoàn thiện hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, kiện toàn Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025; phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan đôn đốc việc thực hiện các nhiệm vụ nêu trên, tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ và các Phó Thủ tướng Chính phủ: Trần Hồng Hà, Mai Văn Chính theo quy định.

Thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, hiện cả nước có khoảng 78% xã đạt chuẩn nông thôn mới, có 6/15 huyện đã ra khỏi danh sách huyện “trắng xã nông thôn mới”; 47,6% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới; có 6 tỉnh đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều hết năm 2024 là 1,93%, tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo là 24,86%, tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số còn 12,55% (giảm 3,95%), đạt chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao.

Tổng dự toán, kế hoạch vốn Ngân sách Trung ương năm 2025 của 3 Chương trình mục tiêu quốc gia đã được Quốc hội thông qua là 53.528,871 tỷ đồng (25.405 tỷ đồng vốn đầu tư công, 28.123, 871 tỷ đồng kinh phí thường xuyên). Tính đến tháng 3/2025, Thủ tướng Chính phủ đã giao 30.375, 247 tỷ đồng đạt 57% dự toán Quốc hội giao cho các cơ quan Trung ương và địa phương.

T.T
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục