Đó là vài năm trước, khi nền kinh tế thế giới và Việt Nam còn chìm trong khó khăn chưa có lối thoát thì ở trong nước vẫn xuất hiện rất nhiều nhận định lạc quan. Còn hiện tại, khi sự bi quan từ trong nước có vẻ hơi quá đà thì hầu hết các chuyên gia quốc tế lại nhìn thấy “tương lai” khi đánh giá về kinh tế Việt Nam…
Ông Sumit Dutta cho biết, khi lần đầu tiên ông đến Việt Nam, trong khi môi trường kinh tế thế giới những năm đó rất ảm đạm thì người Việt Nam lại khá lạc quan với diễn biến trong nước. Tuy nhiên, hiện nay, những gì ông chứng kiến cho thấy tâm lý ngược lại, người Việt Nam nhìn tình hình kinh tế rất bi quan, trong khi các quan điểm nước ngoài đánh giá về môi trường kinh tế Việt Nam lại khá tốt.
Có một số lý do để lạc quan được ông Sumit Dutta nêu ra. Đó là Việt Nam có một nền tảng kinh tế chắc chắn với thời kỳ dân số vàng. Đồng Việt Nam ổn định tương quan với USD và cũng là đồng tiền ổn định thứ ba trong khu vực châu Á.
Lạm phát được kỳ vọng tiếp tục duy trì ở trong vòng an toàn. Mức độ rủi ro tín dụng quốc gia cũng được cải thiện, tỷ lệ rủi ro hoán đổi tín dụng (CDS) từ mức 350 điểm vào cuối năm 2011 đã giảm đáng kể, hiện ở mức trên dưới 50 điểm - mức thấp kỷ lục từ trước đến nay.
“GDP năm 2013 chỉ tăng 5,2% nhưng sang năm 2014 sẽ đạt 5,4% và 5,8% năm 2015. Lạm phát có tăng chút ít từ nay tới năm 2015, nhưng vẫn ở mức một con số trong các mức 6,7%, 8,3%, 8,6%. Lãi suất cơ bản ở mức 6% năm 2013, tăng nhẹ lên mức 7% năm 2014 và giữ mức đó trong cả năm 2015. Dự trữ ngoại hối tăng từ 30, 35, 40 tỷ USD từ năm 2013 đến 2015.
Đồng Việt Nam vẫn ổn định ở mức 21.250 đồng/USD cuối năm 2013 và 21.500 đồng/USD năm 2014 và cả 2015. GDP đầu người đạt 1.923 USD năm 2013, nhưng đến năm 2014 và 2015 sẽ đạt 2.164 USD và 2.458 USD…”, ông Sumit Dutta dự báo.
“‘Người ngoài’ trước đây có vẻ bi quan về chúng ta quá, nhưng nay họ đã thay đổi cách nhìn, trong khi chúng ta vẫn chưa thể lạc quan”
Nhận định về thái độ bi quan của các chuyên gia trong nước, theo TS. Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển kinh doanh (BDI), nó bắt nguồn từ thực tế Việt Nam rơi vào chu kỳ không chỉ giảm sản lượng thực tế mà còn giảm cả sản lượng tiềm năng.
Tuy nhiên, ông Nghĩa cho rằng, bắt đầu từ tháng 9/2013, kinh tế Việt Nam đã có dấu hiệu dò đáy đi lên. Cụ thể, chỉ số phát triển công nghiệp của riêng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng mạnh so với năm 2012. Xuất khẩu giảm liên tục từ đầu năm, nhưng đến tháng 9 tăng trưởng trở lại 9% và tháng 10 duy trì khoảng 5%. Chỉ số PMI sau một thời gian dài dưới 50 điểm đến tháng 9 đã tăng trên 51%, duy trì mức tương tự trong tháng 10, dự kiến vẫn trên 50 điểm trong những tháng cuối năm.
Đầu tư nước ngoài tăng mạnh vào quý III, có thể đạt gần 200% cho 10 tháng năm 2013…
Tại Hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng, để hỗ trợ đà phục hồi, Chính phủ nên tăng quy mô đầu tư, nới lỏng chính sách tài khóa và tiền tệ. Tuy nhiên, TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế cho rằng, kinh tế Việt Nam sẽ không đi xuống nữa nhưng cũng không đi lên, mà rơi vào giai đoạn trì trệ. Theo ông Ánh, không nên tăng quy mô đầu tư mà dừng lại ở mức hiện nay để đảm bảo duy trì mục tiêu cân đối ngân sách và kiềm chế lạm phát…
“Nếu tư duy tăng đầu tư trong khi tốc độ tăng trưởng không đạt như mong muốn thì hậu quả sẽ đi về đâu? Năm 2014 - 2015, trách nhiệm tăng trưởng sẽ rơi vào chính sách tài khóa. Có ý kiến cho rằng, từ năm 2011, chính sách tài khóa của Việt Nam bắt đầu thắt chặt, nhưng từ ngày tôi biết chính sách tài khóa của Việt Nam đến giờ, chưa bao giờ tôi thấy thắt chặt.
Dự báo sắp tới chính sách tài khóa còn nới lỏng nữa, nên nếu chính sách tiền tệ tiếp tục nới lỏng thì sẽ còn bất ổn. Do đó, chính sách tiền tệ nên tiếp tục giữ như hiện nay”, TS. Vũ Đình Ánh nhấn mạnh.
Bình luận về cái nhìn khác nhau đối với nền kinh tế Việt Nam, TS. Trương Văn Phước, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia cho rằng, chưa thể khẳng định nền kinh tế Việt Nam đã xuống đến đáy chưa. Còn về quy mô đầu tư, nhiều hay ít cũng quan trọng, nhưng quan trọng hơn là hiệu quả đầu tư.
“Cùng một cốc sữa, nhưng mỗi đứa bé lại có thể hấp thụ chất bổ theo những cách khác nhau”, ông Phước nói, nhưng cũng thừa nhận rằng, có vẻ như chúng ta quá bi quan về tình hình kinh tế trong nước. “Người ngoài” trước đây có vẻ bi quan về chúng ta quá, nhưng nay đã thay đổi cách nhìn, trong khi chúng ta vẫn chưa thể lạc quan. Và đó có thể cũng là một trở ngại đối với đà hồi phục của nền kinh tế.
“Chỉ số CDS giảm kỷ lục cho thấy lòng tin thực tế của các nhà đầu tư quốc tế với Việt Nam đang tăng lên. Nó thể hiện kết quả của những nỗ lực bình ổn kinh tế Việt Nam trong giai đoạn vừa qua”, ông Phước nhận định.