Vai trò lớn
Theo số liệu nghiên cứu của Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), trong giai đoạn 2006 - 2015, khu vực kinh tế tư nhân đã đóng góp hơn 40% GDP cả nước, khoảng 30% giá trị tổng sản lượng công nghiệp, gần 80% tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ và 64% tổng lượng hàng hóa. Từ năm 2015 trở lại đây, quy mô và sức mạnh, vai trò, tầm ảnh hưởng của khu vực kinh tế tư nhân, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân lớn đang ngày càng lớn mạnh và có những tác động lớn tới sự tăng trưởng của nền kinh tế cả về lượng và chất.
Dẫn số liệu nghiên cứu của CIEM, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM cho biết các doanh nghiệp tư nhân lớn hoạt động trải rộng trên nhiều lĩnh vực then chốt trong nền kinh tế, đóng vai trò dẫn dắt trong nhiều lĩnh vực, như Vingroup, Novaland và Contecon trong lĩnh vực xây dựng và bất động sản; Vinamilk, TH Truemilk trong lĩnh vực sữa và sản phẩm từ sữa; Hòa Phát, Hoa Sen trong lĩnh vực vật liệu xây dựng...
Khả năng mất thị phần trong lĩnh vực phân phối, bán lẻ vào tay các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang ngày càng trở nên rõ ràng
- PGS. TS. Nguyễn Hồng Sơn, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội
Sự phát triển của những tập đoàn như Trường Hải đã kéo theo sự hình thành và phát triển của 23 công ty, nhà máy phụ trợ, bao gồm 4 nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô, 1 công ty xe chuyên dụng SMT của Hàn Quốc, 8 nhà máy sản xuất linh kiện phụ tùng, trong đó có nhà máy gia công cơ khí và mỗi năm phát triển thêm 2 - 3 nhà máy sản xuất linh kiện nội địa hóa. Năm 2016, Trường Hải đóng góp tới 15.000 tỷ đồng vào ngân sách nhà nước.
Bên cạnh đó, theo ông Cung, sự lớn mạnh của doanh nghiệp tư nhân lớn cũng tạo đối trọng với khu vực doanh nghiệp nhà nước hay doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), làm gia tăng cạnh tranh lành mạnh trong các ngành nghề. Ví dụ như sự có mặt của Vietjet Air đã giúp thị trường hàng không Việt Nam trở nên năng động và cạnh tranh hơn, qua đó quyền lợi người tiêu dùng được đáp ứng tốt hơn.
“Đánh giá một cách tổng thể, có thể thấy 3 đóng góp chính của doanh nghiệp tư nhân lớn đối với nền kinh tế hiện nay. Đó là khu vực này đã lớn mạnh trở thành động lực tăng trưởng chính của khu vực doanh nghiệp, thậm chí là đầu tầu trong một số ngành sản xuất quan trọng của nền kinh tế. Khu vực này hoạt động có hiệu quả kinh tế cao hơn so với doanh nghiệp có cùng quy mô, nhờ đó đem lại sự cải thiện về mặt chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế”, ông Cung nhận định.
... nhưng quy mô đang nhỏ đi
Xét về số lượng, số liệu công bố của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh cho thấy các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ, từ con số gần 63.000 doanh nghiệp hoạt động năm 2002 tăng lên khoảng 550.000 doanh nghiệp hoạt động tính đến cuối năm 2016.
Số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập tính đến 31/12/2016 là trên 110.000 doanh nghiệp. Đó là chưa kể số lượng rất đông đảo hộ kinh doanh cá thể đang có những đóng góp không nhỏ cho nền kinh tế. Về hình thức sở hữu, các doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước ngày càng tăng về số lượng và tỷ trọng.
Tuy nhiên, theo TS. Phạm Thị Thu Hằng, Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), điều đáng chú ý là tỷ lệ các doanh nghiệp quy mô nhỏ và siêu nhỏ có xu hướng tăng với trên 2/3 các doanh nghiệp Việt Nam là các doanh nghiệp siêu nhỏ, dưới 10 lao động.
Bên cạnh đó, mức độ đa dạng hóa về sản phẩm của các doanh nghiệp Việt Nam rất thấp. Đặc biệt, hầu hết các chỉ số về khả năng sinh lời của các doanh nghiệp Việt Nam (hiệu suất sinh lợi trên tài sản, hiệu suất sinh lợi trên vốn chủ sở hữu, hiệu suất sinh lợi trên doanh thu) đều rất yếu.
“Điều này cho thấy mặc dù có vai trò ngày càng lớn và quan trọng trong nền kinh tế, song khu vực kinh tế tư nhân vẫn tồn tại nhiều rủi ro thách thức. Bên cạnh đó, với nhiều rào cản còn đang hiện hữu thì khu vực này vẫn đang gặp nhiều khó khăn để có thể phát triển lớn mạnh, vượt lên xứng tầm với vai trò đang ngày càng lớn trong nền kinh tế”, bà Hằng nhận xét.
Đồng tình với quan điểm của bà Hằng, PGS. TS. Nguyễn Hồng Sơn, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, quy mô của đại bộ phận doanh nghiệp tư nhân đang rất nhỏ với hiệu quả hoạt động thấp, manh mún, trong khi đó với nhiều rào cản tồn tại thì khu vực này khó có thể lớn lên được, thậm chí là đang có xu hướng nhỏ đi.
“Đa phần doanh nghiệp tư nhân tập trung vào lĩnh vực kinh doanh dịch vụ. Cũng bởi năng lực hạn chế, thiếu tầm nhìn và chiến lược kinh doanh dài hạn, tính liên kết, khả năng hội nhập và tính đổi mới, sáng tạo còn thấp, các doanh nghiệp trong khu vực này có xu hướng thoái lui khỏi lĩnh vực công nghiệp. Và khả năng mất thị phần trong lĩnh vực phân phối, bán lẻ vào tay các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang ngày càng trở nên rõ ràng”, ông Sơn nhìn nhận.
Gỡ rào cản để doanh nghiệp tư nhân phát triển
Dẫn kết quả nghiên cứu của nhóm nghiên cứu Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội cho thấy, khi phân tích hồi quy, nếu đạt quy mô tương đương, các doanh nghiệp ngoài nhà nước có tỷ suất lợi nhuận trên tài sản cao hơn các doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp FDI là 5,4% và 4,5% và hiệu quả tạo việc làm cao hơn doanh nghiệp Nhà nước là 1,6% và doanh nghiệp FDI là 6%, TS. Sơn khẳng định: “Vấn đề là phải thực sự xoá bỏ các rào cản về mặt lý luận và nhận thức để tạo điều kiện cho khu vực kinh tế tư nhân có môi trường thuận lợi để phát triển lớn mạnh, trong đó phân định rõ hơn chức năng, vai trò của khu vực kinh tế nhà nước và kinh tế tư nhân, đồng thời đẩy mạnh việc xóa bỏ cơ chế xin cho, minh bạch hoá thủ tục hành chính, tăng cường cải thiện môi trường kinh doanh”.
Tổng thư ký VCCI Phạm Thị Thu Hằng thì cho rằng, Chính phủ nên hướng tới phát triển một khu vực tư nhân khỏe mạnh thông qua việc định hướng theo khu vực tư nhân trong việc nhận diện ngành và sản phẩm cần hỗ trợ, hợp tác chặt chẽ với khu vực tư nhân để tìm ra những rào cản nội tại nghiêm trọng nhất ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của ngành và sản phẩm đã được nhận diện, rồi thiết kế chính sách để dỡ bỏ những trở ngại đó.
Một số chính sách bà Hằng đề xuất cần xem xét sửa đổi điều chỉnh bao gồm sửa đổi Luật Cạnh tranh năm 2004, thiết lập cơ chế, tạo cơ hội cho doanh nghiệp tư nhân tham gia đầu tư các dự án lớn của Nhà nước; đa dạng hóa sở hữu các doanh nghiệp nhà nước, đẩy mạnh cổ phần hóa các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, ưu tiên nhà đầu tư chiến lược là khu vực tư nhân trong nước; tạo điều kiện để các doanh nghiệp khu vực tư nhân tiếp cận nguồn lực, đặc biệt nguồn vốn ODA.
Ngoài ra, theo bà Hằng, Chính phủ cần nhanh chóng hoàn thiện và ban hành các khung khổ pháp lý, chính sách hỗ trợ phát triển khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa. Cụ thể là ban hành Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa với mục tiêu không chỉ tăng nhanh số lượng, quy mô, mà tập trung hơn vào cơ cấu hợp lý, chất lượng tăng trưởng bền vững, năng lực cạnh tranh thực chất của toàn bộ khu vực doanh nghiệp, tạo sự đột phát về năng suất của doanh nghiệp và năng suất lao động quốc gia. Đồng thời có chính sách tạo lập thị trường cho doanh nghiệp, kích thích cầu đối với các sản phẩm của các doanh nghiệp khu vực này.
Bên cạnh đó, đại diện VCCI cũng khuyến nghị phát triển có tập trung các đầu tàu lớn mạnh để tạo lực đẩy cho cả khu vực doanh nghiệp tư nhân cùng lớn.
“Đặc biệt, chính sách công nghiệp cần phải tạo đội ngũ doanh nghiệp vừa và lớn, đủ sức thâm nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu trong một số ngành nhất định. Tức là phải lựa chọn một số ngành có lợi thế cạnh tranh để ưu tiên phát triển, tập trung phát triển một số doanh nghiệp có hiệu quả kinh doanh, có quy mô từ cỡ trung bình trở lên”, bà Hằng đề xuất.