Điều này cho thấy, với vai trò ngày càng quan trọng trong nền kinh tế, việc thúc đẩy khu vực tư nhân phát triển lớn mạnh và cất cánh không chỉ là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ Việt Nam mà đã trở thành mục tiêu chung của cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước hiện nay.
Động lực tăng trưởng then chốt của nền kinh tế
Chính phủ Việt Nam nhận thức rất rõ ràng tầm quan trọng và vai trò của kinh tế tư nhân, coi đây là động lực chính cho phát triển kinh tế hiện nay và trong giai đoạn tới.
Khẳng định nhất quán chủ trương này, tại Diễn đàn Kinh tế 2017 vừa diễn ra ngay trước thềm VBF 2016, TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, kỳ họp thứ hai Quốc hội Khóa XIV đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch tái cơ cấu kinh tế với sự thống nhất cao từ Quốc hội, Chính phủ trong việc thay đổi mô hình tăng trưởng kinh tế, trong đó xác định kinh tế tư nhân là quan trọng.
Theo Nghị quyết, kinh tế tư nhân là động lực, mục tiêu chính của quá trình tái cấu trúc nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020, Chính phủ cần tập trung phân bổ lại nguồn lực để phát triển một cách hiệu quả, đồng thời tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, nâng cao sức cạnh tranh, sức mạnh nội địa của Việt Nam.
"Chúng ta chấp nhận sự thay đổi của kinh tế thị trường chính là đã chấp nhận kinh tế tư nhân là động lực"
- TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI.
Cũng theo ông Lộc, phát triển kinh tế tư nhân là một trong những thành quả to lớn và tích cực mà Việt Nam đã đạt được trong quá trình chuyển nền kinh tế từ cơ chế kế hoạch tập trung sang cơ chế thị trường.
“Chúng ta chấp nhận sự thay đổi của kinh tế thị trường chính là đã chấp nhận kinh tế tư nhân là động lực”, ông Lộc nói.
Bên cạnh đó, vai trò và vị thế của kinh tế tư nhân đã được chính thức hóa trong hệ thống thể chế và luật pháp của Việt Nam. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Trung cho biết, việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống luật pháp về kinh tế, đặc biệt là Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư, đã khẳng định rõ vai trò và vị thế của kinh tế tư nhân. Đây là một bước tiến dài của Việt Nam về mặt chính sách, là cuộc cách mạng cho đội ngũ doanh nghiệp, tạo ra bước ngoặt lớn đối với nền kinh tế.
Từ chỗ chỉ có vài ngàn doanh nghiệp, giờ đây khu vực tư nhân đã có trên 500.000 doanh nghiệp; bộ mặt và quy mô khu vực tư nhân cũng đã có những biến chuyển tích cực. Với vai trò quan trọng trong việc phát triển sức sản xuất, khu vực này đã có đóng góp trực tiếp tăng kim ngạch xuất khẩu, tăng thu ngân sách, phát triển kinh tế - xã hội, tạo việc làm cho hơn 50% lực lượng lao động với trên 1,2 triệu việc làm mỗi năm.
Trụ cột kết nối chuỗi cung ứng toàn cầu và kinh tế nội địa
Nhận định chung của cộng đồng nhà đầu tư nước ngoài tại VBF 2016 cho thấy, khu vực kinh tế tư nhân trong nước lớn mạnh mang lại lợi ích không chỉ cho khu vực này, mà còn cho tất cả các bên tham gia vào nền kinh tế. Trong đó, Chính phủ được hưởng lợi từ một nền kinh tế tự chủ tự cường, độc lập, tăng trưởng bền vững, không bị phụ thuộc vào kinh tế bên ngoài.
Các doanh nghiệp FDI cũng có lợi khi họ được hỗ trợ và hậu thuẫn đắc lực bởi một hệ thống chuỗi cung ứng nội địa ổn định, bền vững, với chi phí hợp lý và hiệu quả cao, đồng thời có cơ hội được tiếp cận lượng khách hàng nội địa lớn và có tiềm năng nhờ kinh tế trong nước phát triển khi khu vực tư nhân lớn mạnh.
Đặc biệt, thành quả lớn nhất mà tất cả cộng đồng doanh nghiệp được hưởng chính là sự vận hành hiệu quả của nền kinh tế, tạo nên đà tăng trưởng vững chắc dựa trên nền tảng một khu vực kinh tế tư nhân khỏe mạnh; được hoạt động trong một môi trường kinh doanh thuận lợi, chuyên nghiệp khi có sự cải thiện tích cực về thể chế để hậu thuẫn cho các khu vực kinh tế phát triển lành mạnh.
Đây là lý do giải thích tại sao hơn bao giờ hết, các doanh nghiệp FDI lại nhận thức rất rõ tầm quan trọng đặc biệt của khu vực tư nhân trong chiến lược đầu tư và phát triển dài hạn của mình tại Việt Nam.
Thực trạng chưa đáp ứng kỳ vọng
Mặc dù có tầm quan trọng như vậy, song phải thẳng thắn thừa nhận, khu vực kinh tế tư nhân đến nay vẫn chưa phát triển xứng đáng với tầm vóc, sứ mệnh và vai trò to lớn này. Những số liệu khảo sát và nghiên cứu mới nhất về thực trạng kinh tế tư nhân vừa được VCCI công bố tại Diễn đàn Kinh tế 2017 cho thấy, bức tranh khu vực tư nhân của Việt Nam vẫn đáng ngại bởi quy mô doanh nghiệp đang ngày càng nhỏ đi, hoạt động kém hiệu quả.
Theo các số liệu điều tra của VCCI, xét về quy mô lao động, nếu như năm 2009, số lao động bình quân trong 1 doanh nghiệp tư nhân là hơn 40 người thì đến năm 2015 đã giảm xuống còn 26 người; 58% doanh nghiệp tư nhân không có thu nhập để nộp thuế.
"Dường như vẫn còn tồn tại tư duy phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp nhỏ và lớn theo hướng Nhà nước dành nhiều ưu đãi cho doanh nghiệp lớn, trong khi có tới hơn 95% doanh nghiệp tư nhân Việt Nam là các doanh nghiệp có quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa".
- Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI.
Bên cạnh đó, một vấn đề đáng được lưu tâm khác là dù tăng trưởng xuất khẩu nhanh, nhưng giá trị thực chất thu được lại giảm. Chẳng hạn, doanh nghiệp xuất khẩu được 10 đồng, thì 8 đồng thuộc khu vực có vốn nước ngoài, chỉ có 2 đồng thuộc doanh nghiệp nội địa.
Trong khi 4 năm trước, tỷ lệ này là 50 – 50. Điều này cho thấy, giá trị gia tăng và lợi nhuận thu được của các doanh nghiệp có xu hướng ngày càng giảm, khiến doanh nghiệp tư nhân vốn đã khó khăn lại càng hạn chế về nguồn lực để phát triển.
Đáng chú ý, điều tra của VCCI còn chỉ rõ một thực trạng đã và đang là rào cản lớn kìm hãm sự tăng trưởng của khu vực tư nhân, đó là sự bất cân bằng trong cơ hội tiếp cận các nguồn vốn và tài chính với chi phí hợp lý.
Cụ thể, tỷ lệ tiếp cận nguồn vốn ngân hàng của doanh nghiệp tư nhân chỉ chiếm 30%, trong khi của các doanh nghiệp khác lên tới 70%.
“Điều này cho thấy, dường như vẫn còn tồn tại tư duy phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp nhỏ và lớn theo hướng Nhà nước dành nhiều ưu đãi cho doanh nghiệp lớn, trong khi có tới hơn 95% doanh nghiệp tư nhân Việt Nam là các doanh nghiệp có quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa. Đây là rào cản lớn nhất cần phải được tháo gỡ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân tiếp cận các nguồn tín dụng chính thức, từ đó giúp họ có cơ hội kinh doanh và có lãi”, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế (VCCI) nhận xét.
Chưa kể, sự thiếu công bằng trong tư duy ứng xử giữa doanh nghiệp nhỏ và lớn, giữa doanh nghiệp tư nhân và thành phần kinh tế khác cũng là những tồn tại gây cản trở lớn tới sự lớn mạnh của khu vực kinh tế quan trọng này.
Theo ông Tuấn, hiện nay, chính sách ban hành ra có xu hướng chỉ dành cho các ông lớn, không đảm bảo quyền kinh doanh công bằng cho doanh nghiệp tư nhân chủ yếu có quy mô nhỏ và vừa.
Đẩy mạnh cải cách tạo động lực
Thực trạng khó khăn của khu vực kinh tế tư nhân không chỉ là mối quan tâm và ưu tiên hàng đầu trong các vấn đề cần giải quyết của Chính phủ, mà còn là vấn đề lớn được cộng đồng các nhà tài trợ, cũng như các doanh nghiệp FDI đặc biệt quan tâm, nhất là trong bối cảnh mối liên kết và sự phụ thuộc đan xen lẫn nhau giữa các khu vực kinh tế ngày càng trở nên chặt chẽ.
Bởi vậy, việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp tư nhân trở thành vấn đề trọng tâm hàng đầu được cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước tập trung bàn thảo tại VBF 2016, với kỳ vọng sẽ đưa ra được những khuyến nghị chính sách cụ thể để thúc đẩy khu vực này phát triển.
Nhấn mạnh vai trò của kinh tế tư nhân trong mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội dài hạn của Việt Nam, bà Victoria Kwakwa, Phó chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) phụ trách khu vực Đông Á - Thái Bình Dương cho biết, khu vực tư nhân phải phát triển mạnh mẽ, dẫn đầu trong nền kinh tế Việt Nam. Đây là ưu tiên cải cách hàng đầu cần đạt được trong quá trình chuyển đổi kinh tế của Việt Nam giai đoạn từ nay tới năm 2035.
Theo bà Kwakwa, để thực hiện được mục tiêu trên cần đẩy mạnh cải cách thế chế, xóa bỏ các rào cản để giảm bớt gánh nặng cho khu vực này.
Bà Victoria Kwakwa, Phó chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) phụ trách khu vực Đông Á - Thái Bình Dương
Kinh tế tư nhân đóng vai trò quan trọng nhưng thách thức hiện hữu là nhiều doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ đang rất mong manh trong bối cảnh hội nhập và cần phải được hỗ trợ. Điều này đòi hỏi Chính phủ phải phát huy vai trò của mình, tạo điều kiện cho khu vực tư nhân dẫn dắt nền kinh tế thị trường, phân định rõ giới hạn Nhà nước và thị trường.
Đặc biệt, Nhà nước cần phải thay đổi để hướng đến kinh tế thị trường, tạo ra mô hình nhà nước mới thông qua việc tăng tính minh bạch, nâng cao trách nhiệm giải trình, cũng như vai trò kiến tạo, hỗ trợ. Các mục tiêu cần được triển khai bằng chương trình hành động cụ thể, qua đó xóa bỏ những rào cản, vướng mắc và gánh nặng cho doanh nghiệp tư nhân trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Ông Colin BlackWell, Trưởng tiểu ban Nhóm Công tác nguồn nhân lực của Diễn đàn VBF
Bộ phận lớn nhất của nền kinh tế Việt Nam là khối doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đẩy mạnh phát triển khối doanh nghiệp này sẽ cải thiện đáng kể toàn bộ nền kinh tế.
Khi doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt được những kết quả như doanh nghiệp FDI hàng đầu, Việt Nam sẽ trở thành một trong những quốc gia thành công nhất trên thế giới. Tôi tin rằng, chúng ta có tiềm năng để trở thành một trong những quốc gia có GDP trên đầu người cao nhất thế giới nếu những nguồn nội lực của doanh nghiệp và tiềm năng của người Việt Nam được tận dụng tối đa.
Để đạt được mục tiêu này, cần có những cơ chế tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân phát triển mạnh với sự phối hợp chặt chẽ giữa 3 bên gồm Chính phủ, khu vực tư nhân trong nước và doanh nghiệp FDI.