Trình bày tại Diễn đàn Chiến lược phát triển Kinh tế tư nhân Việt Nam 2024 tại TP. Hạ Long (Quảng Ninh), TS. Đàm Nhân Đức, Kinh tế trưởng MB chia sẻ những góc nhìn và giải pháp thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân phát triển mạnh và chắc chắn, tương xứng với tiềm năng, xứng đáng là trụ cột kinh tế quan trọng trong tăng trưởng kinh tế Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết 10 và Nghị quyết 45 về phát triển kinh tế tư nhân của Chính phủ.
Dẫn số liệu từ Tổng cục Thống kê, TS. Đức cho biết, kinh tế tư nhân có vai trò quan trọng trong sự phát triển của kinh tế Việt Nam. Theo đó, khu vực kinh tế tư nhân đóng góp 52% vào tăng trưởng GDP Việt Nam trong năm 2022, xấp xỉ mục tiêu mà Chính phủ nêu tại Nghị quyết 45/NQ-CP năm 2023 là khoảng 55% vào năm 2025.
Tuy nhiên, khi so sánh với khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), khối doanh nghiệp tư nhân còn nhiều việc phải làm để tương xứng với tiềm năng của mình. Cụ thể, vào năm 2011, với 51% khối lượng vốn, khối doanh nghiệp tư nhân tạo ra 25% khối lượng lợi nhuận và 10 năm sau, khối lượng vốn tăng lên 60% nhưng cũng chỉ tạo ra được 39% tổng lợi nhuận. Trong khi đó, chỉ với 16% khối lượng vốn vào năm 2011, khối doanh nghiệp FDI tạo ra 32% tổng lợi nhuận và 10 năm sau, với 19% lượng vốn, khối FDI đã tạo ra gần 41% lợi nhuận của tất cả loại hình doanh nghiệp trên lãnh thổ Việt Nam.
Do đó, TS. Đàm Nhân Đức cho rằng, cần tạo động lực, một cú huých cho khu vực kinh tế tư nhân, để khu vực này lớn nhanh, lớn mạnh, vững chắc vươn ra thế giới, xứng đáng là một động lực tăng trưởng kinh tế quan trọng của Việt Nam. Muốn thế, phải có các giải pháp đồng bộ và việc triển khai không chỉ ở phía Chính phủ hay doanh nghiệp, mà cần sự đồng hành của cả 2 phía.
Thứ nhất, để hướng tới mục tiêu đạt 2 triệu doanh nghiệp vào năm 2030, Chính phủ cần tạo mọi điều kiện thuận lợi để khuyến khích người dân thành lập doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp thành lập, cần tạo môi trường, điều kiện để doanh nghiệp mới, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể “sống được, sống khỏe và bền vững”.
Theo đó, cần xây dựng môi trường kinh doanh, chính sách thuận lợi như tăng cường tính minh bạch và tiếp cận thông tin; đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng đảm bảo tính kết nối cao, đơn giản hóa thủ tục để tiết giảm chi phí logistics, bởi quy mô của lĩnh vực logistics hiện nay khá lớn, chiếm khoảng 21% GDP...
Cùng với đó, hỗ trợ các doanh nghiệp tiết giảm chi phí vốn và tiếp cận các nguồn vốn bằng cách điều hành lãi suất ổn định ở vùng thấp, xây dựng các chương trình hỗ trợ cho khối doanh nghiệp vừa và nhỏ, nâng cao hiệu quả hoạt động của các quỹ bảo lãnh...
Ngoài ra, Chính phủ cũng cần hỗ trợ mở rộng thị trường qua các chính sách, chương trình hỗ trợ kết nối, xúc tiến thương mại có tính liên kết vùng, quốc gia, quốc tế tạo ra sân chơi, chỗ đứng cho các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Bên cạnh đó, hỗ trợ các doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia sâu vào chuỗi giá trị; phát triển các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, có giá trị xuất khẩu lớn; sử dụng công nghệ cao và tự động hóa, để dần thay thế các ngành nghề sử dụng lao động giản đơn và nhiều nguồn lực...
Thứ hai, bên cạnh về số lượng, Việt Nam cần nhiều doanh nghiệp có sức mạnh, đủ sức cạnh tranh, vươn ra quốc tế. Để làm được việc này, theo TS. Đàm Nhân Đức, bên cạnh việc học tập từ các các mô hình thành công trên thế giới, thì Nhà nước hay doanh nghiệp không thể làm một mình, mà phải thực sự song hành để lợi ích hài hoà, chia sẻ rủi ro, thực thi hiệu quả và tập trung vào những việc mình làm tốt theo đúng chức năng.
Thứ ba, Chính phủ cần công khai và thể hiện quan điểm rõ về những lĩnh vực ưu tiên, danh sách doanh nghiệp trong White List (doanh nghiệp trong danh sách trắng) để xã hội, người dân, các cơ quan quản lý giám sát, hỗ trợ và bảo vệ những đóng góp chính đáng. Đồng thời, phải đảm bảo một môi trường pháp lý bảo vệ chắc chắn quyền tự do kinh doanh hợp pháp của doanh nghiệp. Có như vậy mới thúc đẩy mạnh mẽ được tinh thần khởi nghiệp, tinh thần doanh nhân, tinh thần dám dấn thân vào việc mới, việc khó có tầm quan trọng chiến lược tầm quốc gia của các doanh nhân Việt.
Thứ tư, để thúc đẩy một khu vực kinh tế hoặc phát triển doanh nghiệp, theo TS. Đức cần phải có môi trường kinh doanh thuận lợi, nguồn vốn, quản trị và chính sách hỗ trợ của Nhà nước, đặc biệt với thị trường đầu ra.
Trong đó, về phần vốn, TS. Đức nhấn mạnh việc phát huy vai trò của các kênh dẫn vốn cho doanh nghiệp. Bên cạnh các chương trình tín dụng ưu đãi cho các nhóm khách hàng trọng tâm ưu tiên theo định hướng của Chính phủ, cần khơi thông thêm kênh trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán. Muốn thế, Chính phủ cần sớm triển khai các giải pháp để nâng hạng thị trường chứng khoán, tăng số lượng và chất lượng hàng hóa để thu hút được nhiều nhà đầu tư tham gia, nhất là dòng vốn từ nhà đầu tư nước ngoài.
“Làm thế nào để thúc đẩy các doanh nghiệp niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán và khi niêm yết rồi thì doanh nghiệp làm gì để khai thác lợi thế? Đó là câu hỏi cần suy nghĩ và cần giải pháp từ cả hai phía Chính phủ và doanh nghiệp”, Kinh tế trưởng MB nhấn mạnh và gợi ý một số giải pháp đơn giản, dễ thực hiện có thể tính tới là chính sách quyền chọn cổ tức, cổ phiếu không có quyền biểu quyết, hay chính sách tái đầu tư cổ tức để các doanh nghiệp có thể hài hòa lợi ích cho cổ đông và phù hợp với chiến lược vốn của doanh nghiệp.
“Hoặc là doanh nghiệp cần chủ động đề xuất, hoặc là các cơ quan chức năng cần đi trước bằng cách xây dựng chính sách hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện”, ông Đức nêu quan điểm.
Diễn đàn Chiến lược phát triển Kinh tế tư nhân Việt Nam 2024 do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, phối hợp với UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức ngày 14/4/2024, thu hút sự tham gia đông đảo từ các nhà hoạch định chính sách, các nhà khoa học, các doanh nhân. Hội nghị đã thẳng thắn trao đổi các giải pháp nâng cao năng lực xây dựng chính sách nói chung và chia sẻ các bài học phát triển vai trò vị thế của doanh nhân Việt Nam.