Kinh tế trở lại quỹ đạo tăng trưởng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Triển vọng trở lại quỹ đạo tăng trưởng kinh tế nhanh và mạnh năm 2021 đang trở nên ngày càng rõ nét trên nền kết quả khả quan của năm 2020.
Niềm tin đã có vắc-xin phòng ngừa Covid-19, kinh tế phục hồi sẽ tiếp sức cho thị trường chứng khoán. Niềm tin đã có vắc-xin phòng ngừa Covid-19, kinh tế phục hồi sẽ tiếp sức cho thị trường chứng khoán.

Năm 2020 hồi phục nhanh hơn dự báo

Trong muôn vàn khó khăn bởi đại dịch Covid-19 và sự suy thoái nghiêm trọng của kinh tế thế giới kể từ Đại suy thoái 1929 - 1932, kinh tế Việt Nam năm 2020 vẫn duy trì mức tăng trưởng dương, cao hàng đầu thế giới, đạt 2,91%.

Theo đánh giá của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, kết quả vượt trên sự mong đợi này đã đưa năm 2020 “trở thành năm thành công hơn năm 2019 và là năm thành công nhất trong 5 năm...”.

Với một năm mà theo lời Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương là liên tục phải điều chỉnh các dự báo, đánh giá tác động nghịch chiều của đại dịch, điều chỉnh các kịch bản tăng trưởng để công tác điều hành của Chính phủ và chính sách sát với tình hình biến động, thì sự phục hồi của kinh tế Việt Nam được thế giới đánh giá là nhanh hơn dự báo.

Khát vọng cao hơn áp lực

Trên nền kết quả khả quan năm 2020, hai kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2021 đã được Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đưa ra là 5,98% và xấp xỉ 6,5%, thể hiện rõ quyết tâm của Chính phủ cho một năm mở đầu giai đoạn kế hoạch 5 năm mới, với sự phục hồi trở lại quỹ đạo tăng trưởng đầy nội lực.

Về mục tiêu này, ông Nguyễn Xuân Thành, giảng viên Đại học Fullbright Việt Nam, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng chia sẻ cảm nhận, đây vừa là khát vọng nhưng cũng vừa là áp lực của Việt Nam trong bối cảnh vẫn phải ứng phó với những bất ổn toàn cầu.

Niềm tin thế giới đặt vào điểm sáng Việt Nam không ngừng gia tăng là một điểm cộng rất đáng ghi nhận. Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2021 là 6,5%, nhưng Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Ngân hàng Thế giới dự báo tăng 6,7%; các ngân hàng quốc tế còn dự báo cao hơn, từ 6,8 - 7%. Kỳ vọng này dựa trên yếu tố ổn định vĩ mô của Việt Nam được duy trì.

“Đây là lần đầu tiên Việt Nam chịu tác động bất ổn toàn cầu nhưng vẫn giữ được ổn định vĩ mô trong vòng 30 năm qua. Năm 2020, mặc dù chúng ta duy trì được nền ổn định vĩ mô, nhưng đầu tư của doanh nghiệp cả khu vực tư nhân và FDI đều suy giảm, sức mua trên thị trường giảm. Liệu sức mua có hồi phục trong năm 2021 hay không? Xuất khẩu là "cứu cánh" của nền kinh tế Việt Nam năm 2020, liệu chúng ta có đa dạng được thị trường trong năm 2021 hay không?”, ông Thành đặt vấn đề.

Tuy nhiên, vị chuyên gia kinh tế cấp cao tin tưởng rằng, khát vọng từ niềm tin và sự quyết tâm kế thừa từ thành quả năm 2020 cao hơn áp lực, trở thành động lực để nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục tiến về phía trước.

Có không ít điểm sáng để tin tưởng vào kịch bản kinh tế lạc quan, trong đó lớn nhất là ổn định vĩ mô và hỗ trợ kinh tế. Bên cạnh đó là sự phục hồi đầu tư doanh nghiệp tư nhân và đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng. Mặt bằng lãi suất thấp sẽ là động lực thúc đẩy đầu tư của khối doanh nghiệp tư nhân năm 2021 và những năm sau. Trong khi đó, tăng đầu tư cơ sở hạ tầng sẽ tạo nền tảng cho kinh tế phục hồi.

Giá trị của những thành quả đạt được năm 2020 là giá trị của sự nỗ lực, niềm tin và lòng quyết tâm vượt qua mọi giới hạn thách thức.

Ngoài ra, dòng vốn FDI vào Việt Nam vẫn lớn trong năm 2020 cho thấy, Việt Nam hấp thụ ổn định dòng vốn nước ngoài.

Đồng thời, sự phục hồi sức mua trong nước cùng xu hướng chuyển đổi số là động lực để doanh nghiệp chuyển đổi, thích ứng với các hành vi tiêu dùng mới.

Động lực tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2021 còn đến từ xuất khẩu, với sự đa dạng hóa và rộng mở của các thị trường, đặc biệt là EU và ASEAN, khi các hiệp định thương mại đã đi vào thực thi.

“Niềm tin đã có vắc-xin, kinh tế phục hồi sẽ tiếp sức cho thị trường chứng khoán tăng trưởng. Hệ thống tài chính vững mạnh, lãi suất ổn định và có cơ sở tiếp tục giảm giúp dòng tiền thêm sung sức sẽ là những trợ lực tích cực cho thị trường tài chính - chứng khoán trong năm 2021”, ông Thành dự báo. Tuy nhiên, vị chuyên gia này lưu ý: “Chúng ta đang bơm tiền mà tạm quên đi những rủi ro. Vì vậy, trong 5 năm tới cần tập trung hút về số tiền đã bơm ra trong giai đoạn vừa qua để tiếp tục làm lực đẩy cho nền kinh tế”.

Đón đầu các cơ hội phục hồi

Dòng vốn trực tiếp và gián tiếp nước ngoài dịch chuyển vào Việt Nam dự báo sẽ gia tăng mạnh mẽ trong năm 2021 cùng với xu hướng các nhà đầu tư trong và ngoài nước đẩy mạnh chiến lược tiếp cận thị trường đang là trợ lực tích cực cho sự sôi động của các kế hoạch thu hút vốn đầu tư tại các địa phương.

Ông Lê Duy Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, tỉnh đã chuẩn bị 500 ha đất sạch dành cho công nghiệp, sẵn sàng giao cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

“Không chỉ quan tâm thu hút đầu tư vào công nghiệp, mà Vĩnh Phúc còn muốn xây dựng hệ sinh thái về công nghiệp, bao gồm cả cơ sở hạ tầng khu công nghiệp, đô thị công nghiệp và văn hóa công nghiệp để sẵn sàng đón các cơ hội từ sự chuyển dịch dòng vốn đầu tư vào Việt Nam”, lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc chia sẻ.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình Vũ Đại Thắng cho hay, tỉnh sẽ đẩy mạnh phát triển và hiện đại hóa kết cấu hạ tầng để mời gọi các nhà đầu tư chiến lược. Bên cạnh đó, tỉnh tập trung phát triển các khu kinh tế ven biển, khu kinh tế cửa khẩu và các khu công nghiệp để chào đón các nhà đầu tư quốc tế trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, năng lượng tái tạo.

Trong khi đó, ông Nguyễn Xuân Phú, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Sunhouse cho rằng, năm 2021 sẽ là năm rất tốt cho đầu tư tài chính - chứng khoán và đầu tư vào các doanh nghiệp sản xuất những ngành hàng đang vào chu kỳ tăng trưởng.

Doanh nhân này nhìn nhận, cơ hội cho doanh nghiệp là tích cực bởi trong 3 năm tới, giá các hàng hóa cơ bản dự báo sẽ tăng từ 50 - 300% so với giá đáy của nguyên vật liệu thời điểm giữa năm 2020. Bên cạnh đó, lãi suất cho vay của ngân hàng đang giảm. Đây là lúc các doanh nghiệp có thể tính toán mua dự trữ nguyên liệu để chuẩn bị cho kế hoạch tăng trưởng trong năm nay và chiến lược bứt phá trong vòng 3 năm tới.

Chứng khoán vẫn hấp dẫn

Ông Andy Ho, Giám đốc điều hành kiêm Trưởng bộ phận Đầu tư, VinaCapital.
Ông Andy Ho, Giám đốc điều hành kiêm Trưởng bộ phận Đầu tư, VinaCapital.

Lãi suất có khả năng tiếp tục giảm trong năm 2021 sẽ tác động tích cực tới xu hướng đầu tư. Thị trường chứng khoán có thanh khoản cao, triển vọng tích cực, nhà đầu tư có thể sẽ chuyển tiền từ kênh bất động sản, tiết kiệm vào đây. Sự phục hồi của các doanh nghiệp trong những ngành, lĩnh vực tiềm năng, có yếu tố cơ bản tốt, điều hành hiệu quả, minh bạch sẽ là lựa chọn ưu tiên của nhà đầu tư.

Nội lực kinh tế vững mạnh

Ông Nguyễn Bích Lâm, Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê.
Ông Nguyễn Bích Lâm, Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê.

Những động lực tăng trưởng cho năm 2021 sẽ bao gồm cải cách thể chế, môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư (ICOR), tái cơ cấu nền kinh tế, tăng năng suất lao động, khai thác cơ hội từ các hiệp định thương mại. Bên cạnh đó, đẩy mạnh đầu tư công, áp dụng công nghệ số, tốc độ đô thị hóa nhanh cũng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Về nội lực, chúng ta có sẵn các thế mạnh như ổn định vĩ mô, kiểm soát tốt lạm phát, vốn công nghệ, tri thức kinh doanh…, tuy nhiên, ngoại lực dựa vào công nghệ nước ngoài như FDI vẫn chưa tương xứng do phần lớn doanh nghiệp FDI chưa chuyển giao công nghệ.

Lưu ý, sự xáo trộn và đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu vẫn là yếu tố ảnh hưởng lớn nhất đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Do đó, nếu dịch Covid-19 trên toàn cầu chưa hoàn toàn được kiểm soát, chúng ta vẫn phải tập trung vào thị trường nội địa, bên cạnh gia tăng thị trường xuất khẩu. Yếu tố căng thẳng địa chính trị, thương mại cũng sẽ có ảnh hưởng không nhỏ.

Hiếu Minh ,

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục