Năm động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2021

0:00 / 0:00
0:00
Ông Nguyễn Xuân Thành, Thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng đưa ra 5 động lực có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2021.
Ông Nguyễn Xuân Thành chia sẻ tại Diễn đàn kịch bản kinh tế Việt Nam thường niên 2021 chiều 11/01, tại TP.HCM (Ảnh: Hồng Phúc). Ông Nguyễn Xuân Thành chia sẻ tại Diễn đàn kịch bản kinh tế Việt Nam thường niên 2021 chiều 11/01, tại TP.HCM (Ảnh: Hồng Phúc).

Đầu tiên là ổn định vĩ mô và hỗ trợ kinh tế.

Theo đó, chia sẻ tại Diễn đàn kịch bản kinh tế Việt Nam thường niên 2021 do Tạp chí Kinh tế Việt Nam tổ chức chiều 11/01, ông Nguyễn Xuân Thành nhắc đến điểm nổi bật nhất trong nhiệm kỳ 2016-2020 là vừa kéo tăng trưởng nhưng vẫn đảm bảo ổn định vĩ mô.

“Trong năm Covid-19, Việt Nam cũng có các gói hỗ trợ nhưng quy mô gói hỗ trợ của Việt Nam thuộc loại thấp nhất về tính hiệu dụng, nghĩa là về số tiền hỗ trợ đến tay doanh nghiệp, người dân. Việt Nam chưa trở thành nền kinh tế giàu có như nhiều quốc gia, chưa thể hào phóng, bộ máy thực thi chính sách có thể nhanh chóng đưa gói hỗ trợ đến tay doanh nghiệp, người dân. Nhìn vào thực tế, điều tốt nhất Chính phủ làm là ổn định vĩ mô”, ông Nguyễn Xuân Thành nói và kỳ vọng điều, quan trọng nhất là Chính phủ tiếp tục duy trì ổn định vĩ mô trong năm 2021.

Động lực thứ hai để đảm bảo tăng trưởng, cần phục hồi đầu tư doanh nghiệp tư nhân và đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng.

Đầu tư tư nhân đã tăng nhanh trong 4 năm qua, trong khi đầu tư công được siết chặt do tác động của nhiều yếu tố. Đến năm 2020, điều này lại ngược lại vì tác động của Covid-19 kéo đầu tư tư nhân sụt giảm.

Giải ngân lượng lớn vốn đầu tư công góp phần bù đắp suy giảm tổng cầu về tiêu dùng.

“Trong năm 2021, để có tăng trưởng lạc quan như 6,7%-7% thì đầu tư tư nhân cần được phục hồi. Một điểm khác cũng trở thành cơ hội trong điều hành chính sách khi đây là thời điểm Việt Nam có thể hạ lãi suất không chỉ trong ngắn hạn”, ông Thành nhận định và cho rằng, nếu duy trì được mặt bằng lãi suất thấp sẽ là động lực thúc đẩy đầu tư doanh nghiệp tư nhân năm 2021 và những năm sau.

Theo sau đó là sự nối lại của dòng vốn đầu tư nước ngoài. Vốn đầu tư nước ngoài năm 2020 có giảm, nhưng số tuyệt đối vốn FDI vào Việt Nam tăng lên đáng kể.

Điều này cho thấy Việt Nam vẫn hấp thu được dòng vốn nước ngoài đồng thời vẫn giữ được ổn định vĩ mô.

Động lực tăng trưởng tiếp theo mà thực ra đã bị suy yếu trong năm 2020 là suy giảm sức mua thị trường nội địa khi số người mất việc làm, giảm thu nhập gia tăng.

Một trong những băn khoăn cũng là thách thức lớn với doanh nghiệp là hoạt động kinh doanh không thể khởi sắc thực sự nếu sức mua của thị trường nội địa vẫn yếu.

Và để khắc phục tình trạng này, theo ông Thành, cần đẩy mạnh chuyển đổi số. Đây sẽ là động lực rất lớn để doanh nghiệp thích ứng với kiểu hình mua sắm mới.

Cùng với đó, chính sách tài khoá, chính sách tiền tệ vẫn phải ở trạng thái hỗ trợ tăng trưởng để phục hồi sức mua trên thị trường trong nước bên cạnh thúc đẩy đầu tư của khu vực tư nhân.

Xuất khẩu truyền thống, thâm dụng lao động như may mặc, giày dép và thủy sản của Việt Nam đều giảm.
Xuất khẩu truyền thống, thâm dụng lao động như may mặc, giày dép và thủy sản của Việt Nam đều giảm.

Cuối cùng, động lực tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2021 vẫn là xuất khẩu khi thực tế, đây là “cứu cánh” trong năm 2020.

Xuất khẩu năm 2020 tăng 6,5% nhờ Việt Nam có thị trường xuất khẩu đa dạng. Khi lượng hàng xuất khẩu sang Mỹ và Trung Quốc đã bù đắp suy giảm các thị trường EU, ASEAN.

“Tuy nhiên trong năm 2021, việc tiếp tục xuất khẩu mạnh sang Hoa Kỳ sẽ gặp nhiều thách thức lớn khi thặng dư thương mại hàng hóa của Việt Nam với Hoa Kỳ năm 2020 lên tới 62,7 tỷ USD theo số liệu của Tổng cục Hải Quan Việt Nam. Dù vậy, Việt Nam sẽ xuất khẩu mạnh sang EU nhờ EVFTA và ASEAN nhờ RCEP”, ông Nguyễn Xuân Thành chia sẻ.

Hồng Phúc
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục