Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) vừa công bố dự báo tăng trưởng chung của toàn thế giới năm 2016 ở mức 3,3%, thấp hơn 0,3% so với dự báo của tổ chức này đưa ra trước đó.
Còn theo Báo cáo cập nhật mới nhất của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), kinh tế toàn cầu được dự báo tăng trưởng ở mức 3,3% trong năm 2015 (điều chỉnh giảm - 0,2%) và kỳ vọng tăng 3,8% trong năm 2016.
Theo các chuyên gia, năm 2016, kinh tế thế giới có 2 xu hướng.
Một là củng cố sự phục hồi của các nước phát triển, với tốc độ tăng trưởng bình quân 2% so với mức chỉ hơn 1% trong giai đoạn 2010 - 2014.
Hai là sự giảm tốc mạnh ở các nước mới nổi, với mức tăng trưởng giảm còn 2,4% so với mức tăng 5% giai đoạn 2010 - 2014.
Về xu hướng thứ nhất, các nước phát triển đã cơ bản thoát khỏi khủng hoảng, đang trong giai đoạn phục hồi và dự báo có sự phục hồi chắc chắn hơn trong năm tới. Liên minh châu Âu (EU) và Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) được coi là đầu tàu tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2016, bởi đây là khu vực duy nhất sở hữu tiềm năng tăng trưởng ổn định.
Các tổ chức tài chính lớn như IMF, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và giới chuyên gia đều nhận định, năm 2016, kinh tế Mỹ cũng rất khả quan, với tăng trưởng GDP có thể đạt trên 3%.
Về xu hướng thứ hai, các nước mới nổi sẽ phải chịu nhiều sức ép trong năm 2016, từ năng lực nội tại yếu đến việc suy giảm tốc độ tăng trưởng do bất lợi về giá nguyên liệu đầu vào, cũng như do sự bất ổn từ việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất.
Trái với hai xu hướng trên là tình hình trì trệ, thậm chí là suy thoái vẫn tiếp diễn tại một số khu vực. Tình hình kinh tế tăng trưởng thấp tại các nước này cũng sẽ kéo theo nguy cơ về một cuộc khủng hoảng tài chính - tiền tệ mới. Tuy vậy, một số nước mới nổi ở châu Á có thể tận dụng giai đoạn giá nguyên liệu đầu vào thấp để kích thích tăng trưởng.
Các chuyên gia nhận định, nguyên nhân của sự tăng trưởng kinh tế toàn cầu không cao trong năm 2016 xuất phát từ Trung Quốc. Tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đang trên đà suy yếu và kìm hãm tốc độ mở rộng của tất cả các quốc gia còn lại. Một loạt dự báo mới đây cho rằng, kinh tế Trung Quốc sẽ suy yếu hơn nữa trong năm 2016, với dự báo tăng trưởng chỉ đạt 6,4%, thấp hơn so với mức 6,8% của năm 2015.
Tại châu Á, kinh tế Nhật Bản đã cho thấy những dấu hiệu phục hồi trở lại, song tăng trưởng kinh tế vẫn ở mức khiêm tốn, dự báo đạt 0,8% năm 2015 và 1,2% năm 2016.
Trong khi đó, Ấn Độ và các thị trường mới nổi khác sẽ là những “ngôi sao sáng” của nền kinh tế toàn cầu trong năm 2016, nhưng điều này vẫn không đủ để nâng đỡ toàn bộ kinh tế thế giới.
Trong nhóm các nước công nghiệp phát triển, Mỹ vẫn là động lực quan trọng nhất thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhóm các nước công nghiệp phát triển trong năm 2015 và 2016.
Các nước Eurozone được dự báo tăng trưởng 1,5% trong năm 2015 và 1,7% năm 2016. IMF đã không điều chỉnh giảm dự báo với các nước này do sự phục hồi của các nền kinh tế lớn trong EU.
Trong số các nước mới nổi, khu vực Nam Mỹ là đáng lo ngại nhất vì chịu tác động trực tiếp từ cuộc khủng hoảng giá các loại nguyên liệu đầu vào, cũng như từ sự suy giảm sản lượng xuất khẩu, từ đó dẫn tới sụt giảm tổng kim ngạch xuất khẩu.
Trái với tình hình chung không mấy lạc quan, kinh tế thế giới năm 2016 có một số khuynh hướng có thể tạo đà cho sự phát triển mới. Đó là sự gia tăng liên kết, hợp tác giữa các nền kinh tế trong những khu vực rộng lớn, có thể trở thành các động lực của kinh tế toàn cầu trong tương lai. Đó là sự hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) và khả năng hoàn tất Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
AEC chính thức được thành lập ngày 31/12/2015 sau hơn chục năm chuẩn bị, sẽ mang đến nhiều cơ hội cho cả các nước thành viên, lẫn các nhà đầu tư ngoài khu vực. Sau khi hình thành, AEC cơ bản sẽ trở thành một thị trường chung với hơn 600 triệu người tiêu dùng và tổng GDP gần 3.000 tỷ USD/năm, hình thành không gian sản xuất thống nhất, giúp phát huy lợi thế chung của khu vực. Theo đó, hàng hóa, dịch vụ, vốn, công nghệ và lao động có tay nghề được tự do lưu chuyển trong ASEAN mà không chịu bất cứ hàng rào hay sự phân biệt đối xử nào giữa các quốc gia thành viên. AEC sẽ giúp nâng tầm ảnh hưởng của ASEAN trên diễn đàn toàn cầu.
Đầu tháng 10/2015, các cuộc đàm phán về TPP đã kết thúc sau 5 năm đàm phán, chính thức mở đường cho việc hình hành một thị trường chung gồm 12 nền kinh tế ở hai bờ Thái Bình Dương, gồm: Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam. Các nền kinh tế này chiếm gần 40% GDP và 1/3 thương mại thế giới.
TPP là một hiệp định thương mại tự do đa phương theo cơ chế mở, bao gồm không chỉ các vấn đề mở cửa thị trường hàng hóa và dịch vụ, mà còn cả những lĩnh vực phi thương mại khác. Theo ước tính, sau khi có hiệu lực, TPP sẽ trở thành khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới, với 800 triệu dân.
Với sự ra đời của AEC và TPP, kinh tế thế giới không chỉ có thêm những động lực lớn, mà còn tạo tiền đề thúc đẩy hợp tác, liên kết giữa nhiều nền kinh tế với nhau nhằm đối phó hữu hiệu hơn với những thách thức trong tương lai.