Tại Diễn đàn, đánh giá về vấn đề hội nhập, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nhận định, cùng với các mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng cao hơn, đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, đồng thời với đổi mới mô hình tăng trưởng, việc đẩy mạnh hơn nữa tiến trình nhập sâu rộng vào các nền kinh tế thế giới cũng là một trong những mục tiêu trọng tâm của năm 2016.
Hiện Việt Nam đang hoàn thiện tiến trình đàm phán, ký kết các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP); Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU; Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh kinh tế Á Âu..., tạo nên sức cộng hưởng để thúc đẩy nền kinh tế cũng như các doanh nghiệp bước sang một giai đoạn mới.
“Chính phủ Việt Nam cam kết sẽ kề vai sát cánh với các doanh nghiệp và lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp để cùng tháo gỡ những khó khăn, kiến nghị chính đáng, hợp pháp, hợp lý mà các doanh nghiệp đã đề ra, cũng đảm bảo các quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp" - Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh.
Phó Thủ tướng đánh giá cao sự cố gắng của các doanh nghiệp, các hiệp hội doanh nghiệp trong và ngoài nước thời gian qua, đồng thời, mong muốn cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục tái cơ cấu để nâng cao sức cạnh tranh trong thời kỳ mới.
"Hiện nay, Việt Nam đã hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Đây là cơ hội cho Việt Nam, cũng như các nhà đầu tư nước ngoài có mặt ở Việt Nam. Nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức đòi hỏi cạnh tranh gay gắt và quyết liệt hơn", Phó thủ tướng đánh giá và cho biết, Chính phủ mong muốn các doanh nghiệp cả trong nước và ngoài nước chủ động tái cơ cấu bản thân mình, thay đổi phương thức quản trị, nâng cao hiệu quả năng lực cạnh tranh của mình để đứng vững trong thị trường Việt Nam và vươn ra thị trường quốc tế.
“Chính phủ Việt Nam cam kết sẽ kề vai sát cánh với các doanh nghiệp và lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp để cùng tháo gỡ những khó khăn, kiến nghị chính đáng, hợp pháp, hợp lý mà các doanh nghiệp đã đề ra, cũng đảm bảo các quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp", Phó thủ tướng khẳng định.
Cò theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, diễn đàn lần này diễn ra trong bối cảnh đặc biệt khi Việt Nam đang hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 2011-2015.
Đây cũng là giai đoạn Việt Nam tiến hành cải cách mạnh mẽ, tái cấu trúc nền kinh tế và nâng cao khả năng cạnh tranh, đẩy mạnh hội nhập sâu rộng quốc tế. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng thừa nhận, bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, nền kinh tế Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, cải cách hành chính trên nhiều lĩnh vực còn chậm. Môi trường kinh doanh còn nhiều yếu kém, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp còn hạn chế.
"Việt Nam vẫn đang trong quá trình hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, nên còn rất nhiều việc phải làm, nhất là đứng trước những yêu cầu ngày càng cao hơn để hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới; trong đó nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi và hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế chính sách chính là vấn đề trọng tâm của diễn đàn doanh nghiệp thường niên 2015 lần này", Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết.
Đánh giá về việc hội nhập của Việt Nam, bà Sherry Boger, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham) cho biết, Việt Nam rất thành công trong quá trình hội nhập kinh tế toàn cầu nói chung và với Hoa Kỳ nói riêng.
Năm nay, tổng kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ tiếp tục tăng trưởng khoảng 20%, đạt 45 tỷ USD và có thể kỳ vọng đạt khoảng 80 tỷ USD vào năm 2020 nếu khuynh hướng này tiếp tục được duy trì, có thể cao hơn nhờ TPP. Hơn thế nữa, Việt Nam đang gia tăng vị thế là nhà cung cấp hàng đầu trong khu vực ASEAN cho Hoa Kỳ. Thị phần của Việt Nam chiếm 22% và có thể vượt 30% trước năm 2020, nếu xu hướng hiện tại được tiếp tục.
Về TPP, bà Sherry Boger cho rằng, Việt Nam có thể là quốc gia được hưởng lợi lớn nhất từ TPP với các điều khoản liên quan.
"Một vài chuyên gia dự đoán rằng, xuất khẩu của Việt nam sẽ tăng đến 28,4% khi thực thi TPP. Xuất khẩu dự kiến “cơ sở” trong năm 2025 không có TPP là 239 tỷ USD, có thể tăng đến 307 tỷ USD. Bên cạnh đó, GDP của Việt Nam trong năm 2025 có thể là 10,5%, cao hơn dự đoán cơ sở. Tuy nhiên, TPP vẫn chỉ còn là lời hứa, chưa là một thực tế, còn cần hiện thực hóa trên thực tiễn tới đây", bà Sherry Boger cho biết.
Trong khi đó, bà Virginia B. Foote, đồng Chủ tịch VBF bày tỏ sự vui mừng và hài lòng về những tiến bộ đáng kể trong các vấn đề quan trọng đối với doanh nghiệp ở Việt Nam trong khoảng thời gian từ VBF tháng 6/2015 đến nay, đặc biệt với kết quả đàm phán Hiệp định TPP tháng 10/2015.
"Chúng tôi rất hài lòng với các cam kết trong Nghị quyết 19 của Chính phủ, cũng như rất nhiều văn bản pháp luật quan trọng được ban hành và có hiệu lực trong năm nay”, bà Virginia B. Foote nói.