Kinh tế Mỹ tốt dần lên

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Kinh tế Mỹ không rơi vào suy thoái như dự báo khi quý II/2023 kết thúc, mà nhiều khả năng tiếp tục tăng trưởng, kể cả trong môi trường lãi suất cao.
Tại Mỹ đang có sự gia tăng trong doanh số nhà mới, đơn đặt hàng hóa lâu bền, cũng như niềm tin của người tiêu dùng. Tại Mỹ đang có sự gia tăng trong doanh số nhà mới, đơn đặt hàng hóa lâu bền, cũng như niềm tin của người tiêu dùng.

Nhiều dấu hiệu tích cực

S&P Global Market Intelligence ước tính, GDP quý II/2023 của Mỹ tăng khoảng 1,7% so với cùng kỳ.

Trước đó, theo số liệu của Bộ Thương mại Mỹ, GDP quý I/2023 ghi nhận mức tăng 2% so với cùng kỳ (số liệu mới nhất đã điều chỉnh). Trong quý đầu năm 2023, chi tiêu của người tiêu dùng Mỹ tăng 4,2% so với cùng kỳ, mức tăng mạnh nhất kể từ giữa năm 2021.

“Chúng ta đã đánh giá thấp sức chống chịu của nền kinh tế Mỹ”, ông Carl Tannenbaum, nhà kinh tế trưởng tại Northern Trust nói.

Số lượng nhà tồn kho ở mức thấp lịch sử đã giúp thúc đẩy doanh số nhà mới xây. Doanh số nhà mới trong tháng 5/2023 tăng ở mức 2 con số, vượt xa dự báo của các nhà kinh tế.

Bên cạnh đó, thị trường lao động Mỹ tiếp tục có sức chống chịu tốt, bất chấp Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) liên tục tăng lãi suất. Trong tháng 5, các nhà tuyển dụng đã tuyển thêm 339.000 vị trí, là con số lớn nhất kể từ tháng 1/2023. Tỷ lệ thất nghiệp duy trì ở mức gần thấp nhất lịch sử.

Chi tiêu tiêu dùng mạnh mẽ và bức tranh việc làm vững chắc đang thúc đẩy tăng trưởng của nền kinh tế lớn nhất thế giới.

“Kinh tế Mỹ vẫn đang khá khỏe mạnh và có động lực tăng trưởng”, bà Nancy Vanden Houten, nhà kinh tế học trưởng về Mỹ tại Oxford Economics đánh giá.

Kinh tế Mỹ mạnh hơn so với dự báo khi có sự gia tăng trong doanh số nhà mới, đơn đặt hàng đối với hàng hóa dùng lâu dài, cũng như niềm tin của người tiêu dùng. Điều này lý giải hầu hết các quan chức Fed dự kiến sẽ có thêm 2 đợt tăng lãi suất trong năm 2023, sau khi tạm dừng tăng lãi suất trong cuộc họp tháng 6, giữ lãi suất ở mức 5 - 5,25%/năm.

Lãi suất cao đã giúp hạ nhiệt lạm phát, chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ trong tháng 5/2023 ghi nhận mức tăng 4% so với cùng kỳ năm ngoái, đây là mức tăng thấp nhất trong hơn 2 năm qua. Lạm phát tại Mỹ đã giảm hơn một nửa so với mức đỉnh thiết lập cách đây gần 1 năm.

Nửa cuối năm sẽ sáng hơn

Theo khảo sát của S&P Global, nhiều công ty dịch vụ của Mỹ đã báo cáo tốc độ tăng trưởng khiêm tốn trong tháng 6/2023, trong khi hoạt động sản xuất co lại vì đơn đặt hàng thấp.

Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 6/2026 của Mỹ cho thấy, PMI sản xuất ở mức 46,83 điểm, thấp hơn so với dự báo là 48,6 điểm và là mức thấp nhất trong 6 tháng gần đây; chỉ số PMI dịch vụ ở mức 54,1 điểm, giảm so với con số 54,9 điểm của tháng 5.

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng, chỉ số PMI sản xuất và PMI dịch vụ trong tháng 6/2023 của Mỹ đều giảm, do nhu cầu suy yếu vì chịu tác động bởi yếu tố lạm phát và lãi suất.

“Sự suy yếu của các nền kinh tế lớn, bao gồm Mỹ, ảnh hưởng không nhỏ đến tăng trưởng GDP toàn cầu. Theo đó, GDP toàn cầu được dự báo tăng 2,7% trong năm 2023, mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng năm 2008, ngoại trừ giai đoạn ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Trong đó, GDP của Mỹ được dự báo chỉ đạt mức tăng 1,6%”, ông Minh nói.

Tuy nhiên ông Nguyễn Thế Minh nhận định, kinh tế Mỹ nói riêng và kinh tế thế giới nói chung trong 6 tháng cuối năm nay có thể khả quan hơn so với 6 tháng đầu năm, dựa trên 4 căn cứ.

Thứ nhất, lạm phát toàn cầu đang hạ nhiệt, nhưng tốc độ hạ nhiệt thời gian tới nhiều khả năng sẽ chậm dần và còn tùy vào từng loại giá hàng hóa.

Thứ hai, Fed và các ngân hàng trung ương khác có thể sẽ giảm tốc độ tăng lãi suất và nới lỏng chính sách tiền tệ khi lạm phát dần đạt mục tiêu trong những tháng cuối năm 2023.

Thứ ba, các quốc gia lớn tại châu Á đang đẩy mạnh các gói kích cầu và đẩy mạnh chi tiêu công để vực dậy kinh tế.

Thứ tư, rủi ro địa chính trị giảm dần và tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng dần được giải quyết.

Diệp Anh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục