Hoạt động sản xuất của Mỹ tiếp tục sụt giảm trong tháng 6

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Hoạt động sản xuất của Mỹ tiếp tục sụt giảm trong tháng 6, nhưng áp lực về giá cả tại các nhà máy đang tiếp tục được giảm bớt. 
Hoạt động sản xuất của Mỹ tiếp tục sụt giảm trong tháng 6

Theo các số liệu khảo sát từ Viện Quản lý Cung ứng (ISM), hoạt động sản xuất bị thu hẹp buộc các nhà máy phải sa thải nhân công. Chủ tịch Ủy ban Khảo sát Kinh doanh Sản xuất của ISM, Timothy Fiore cho biết, quy mô sa thải đang diễn ra "ở mức độ lớn hơn so với những tháng trước".

Kết quả của cuộc khảo sát của ISM được đánh giá là phù hợp với một nền kinh tế đang suy thoái, các dữ liệu về bảng lương, đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu cũng cho thấy nền kinh tế Mỹ tiếp tục đi xuống.

Rủi ro suy thoái đã tăng lên khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất thêm 500 điểm cơ bản kể từ tháng 3/2022 trong chiến dịch thắt chặt chính sách tiền tệ nhanh nhất trong hơn 40 năm qua.

"Điều này cung cấp thêm bằng chứng rằng một cuộc suy thoái đang đến gần. Cuộc khảo sát của ISM bổ sung bằng chứng cho thấy giá hàng hóa cốt lõi sẽ sớm giảm trở lại", Andrew Hunter, chuyên gia kinh tế Mỹ tại Capital Econom cho biết.

Theo khảo sát của ISM, chỉ số quản lý thu mua (PMI) sản xuất của Mỹ trong tháng 6 đã giảm xuống 46 điểm, mức thấp nhất kể từ tháng 5/2020, giảm từ mức 46,9 điểm của tháng 5. Đánh dấu tháng thứ 8 liên tiếp chỉ số PMI của Mỹ ở dưới ngưỡng 50 điểm, điều này cho thấy sự thu hẹp trong lĩnh vực sản xuất với khoảng thời gian dài nhất như vậy kể từ cuộc Đại suy thoái.

Cuộc khảo sát của ISM cho thấy, thiết bị vận tải là ngành duy nhất trong 6 ngành công nghiệp lớn nhất của Mỹ có báo cáo tăng trưởng vào tháng trước. Nhưng ngay cả như vậy, các nhà sản xuất thiết bị vận tải vẫn bày tỏ lo ngại rằng doanh số bán hàng trong quý 2 có thể giảm và làm tăng mức hàng tồn kho. Họ dự kiến ​​tổng doanh số bán hàng ngành này cuối năm nay sẽ chỉ "bằng với mức đã đạt được vào năm ngoái".

Ngoài chi phí đi vay cao "cắt cổ", hoạt động sản xuất cũng đang bị suy yếu do chi tiêu của người tiêu dùng đang chuyển sang khu vực dịch vụ thay vì mua sắm hàng hóa. Các doanh nghiệp cũng đang thận trọng quản lý hàng tồn kho để cân đối với nhu cầu thị trường.

Chỉ số PMI của Mỹ trong những tháng gần đây liên tục sụt giảm. Nguồn: Reuter.

Chỉ số PMI của Mỹ trong những tháng gần đây liên tục sụt giảm. Nguồn: Reuter.

Jonathan Millar, nhà kinh tế cấp cao tại Barclays ở New York, cho biết: “Hàng tồn kho đã trở thành lực cản đối với hoạt động sản xuất và chúng tôi dự đoán sản lượng của các nhà máy sẽ còn sụt giảm trong vài quý tới".

Diệp Anh
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục