Giờ thì khoa học kinh tế chính trị tự nhận mình là thủ phạm, với sự tự vấn rằng, tại sao các nhà kinh tế không dự đoán được cuộc khủng hoảng tài chính đó.
Một trong những tác động của cuộc tranh luận này là các sinh viên kinh tế đang yêu cầu cải cách chương trình giảng dạy mà họ nghĩ rằng nó đã giúp duy trì khuynh hướng ích kỷ của chủ nghĩa tư bản với rặt các mô hình toán học trừu tượng. Có vẻ như cánh sinh viên sẽ chọn lối đi cho riêng mình. Và một chương trình giảng dạy mới, được thiết kế tại Đại học Oxford, đang được thử nghiệm. Đây là tin tốt.
Những người ủng hộ chương trình giảng dạy hiện tại đã phản pháo. Họ nhấn mạnh đến một mỏ giàu có về những tư tưởng kinh tế không chính thống. Hãy đào sâu và bạn có thể tìm thấy vô vàn luận thuyết về các xu thế của hoạt động ngân hàng, các chu kỳ bất ổn tín dụng và các phi lý thị trường. Những con người vụ lợi cá nhân và các doanh nghiệp chạy theo lợi nhuận không phải là lỗi lầm của kinh tế học mà là bản chất tự nhiên của con người. Cố gắng dự đoán chính xác tương lai là một bài kiểm tra phi thực tế của bất kỳ môn học nào, đặc biệt là môn xoay quanh những tương tác vô hạn của con người như kinh tế học.
Nhưng điểm cơ bản được tạo ra bởi các cuộc tranh luận này là hợp lý. Với một chủ đề đòi hỏi sự nghiên cứu hành vi thực tế như vậy, có quá nhiều khái niệm trừu tượng phi thời gian và quá ít khảo sát về các sự kiện trong thế giới thực. Một khóa học kinh tế tiêu biểu thường bắt đầu với một nghiên cứu về cách mà các chủ thể sáng suốt tương tác lẫn nhau trong những thị trường không ma sát, rồi rút ra kết luận tốt nhất cho tất cả mọi người. Nhưng thực tế thị trường không phẳng phiu và thuần khiết như vậy, chúng đầy rẫy những nếp nhăn và sự trái khoáy, như các hành vi phản cạnh tranh hay sự bấp bênh của các thị trường tài chính. Khi các sinh viên học cao hơn, họ thấy có một xu hướng “tao nhã” trong các mô hình toán học. Nên khi nhìn vào thế giới thực và thấy đầy sự kiện thô tục, họ lập tức đặt câu hỏi: tất cả cuộc sống rất thật này tóm lại ở đâu trong các mô hình lý thuyết?
Xu hướng lý thuyết kể trên khiến môn học không giải thích được thách thức tại một thời khắc quyết định. Từ năm 2005, Raghuram Rajan, hiện là Thống đốc Ngân hàng Trung ương Ấn Độ, đã cảnh báo rằng, sự đổi mới trong lĩnh vực tài chính đã trở thành một “nguồn bệnh” về bất ổn. Bài viết của ông bị gạt sang một bên như một quan điểm thủ cựu. Kêu gọi của ông về sự giám sát an toàn cao hơn đối với các ngân hàng bị bỏ qua.
May thay, các biện pháp cần thiết để đưa bài giảng kinh tế học vào thực tiễn không đòi hỏi bất kỳ phát minh mới hay kỳ cục nào. Kinh tế học (tư bản chủ nghĩa) nên bao quát lịch sử kinh tế và quan tâm nhiều hơn đến các quan điểm không chính thống như của Joseph Schumpeter, Friedrich Hayek và thậm chí của Karl Marx. Khoa kinh tế cần khôi phục liên kết với các khoa học khác như tâm lý học và nhân chủng học, những bộ môn có thể giải thích được hiện tượng mà kinh tế học bó tay. Các giáo sư kinh tế nên đưa các nghiên cứu về cạnh tranh không hoàn hảo - và cách mà mọi người hành động trong những điều kiện không chắc chắn - vào phần đầu của các khóa học, chứ không phải là một giả định.
Các mô hình toán học có thể tiếp tục giữ vai trò của mình, miễn sao đừng lạm dụng kết quả của chúng. Nhưng nhiều trong số các mô hình toán học được sử dụng tại các ngân hàng trung ương, cho đến nay, đã không đặt lĩnh vực tài chính như là một nguồn gây bất ổn. Nếu tính thêm yếu tố này thì vấn đề cần giải quyết sẽ trở nên phức tạp hơn và toán học sẽ phải vất vả hơn.
Sau khủng hoảng tài chính, các khóa học kinh tế trở nên phổ cập. Nhưng khi chứng kiến nền kinh tế toàn cầu rơi khỏi miệng vực, các sinh viên kinh tế sẽ không thể nuốt trôi các bài giảng về sự sáng suốt của thị trường. Họ cần phương pháp tiếp cận đa dạng và khiêm nhường hơn về các chủ đề, chứ không thuần túy và chắc chắn như từ trước đến nay. Kinh tế học không nên được giảng như thể nó dạy về việc khám phá ra những quy luật vĩnh cửu. Những người bênh vực môn học này phải nhớ rằng, trung tâm của nó là nghiên cứu về hành vi của con người, vốn không theo một trật tự cố định nào.