Nhà nước đang dần rút ra khỏi những ngành, lĩnh vực không cần nắm giữ, không cần tham gia. Cơ hội để các doanh nghiệp, nhất là khu vực tư nhân, tham gia vào những ngành nghề, lĩnh vực trọng yếu của nền kinh tế đang được mở ra…
Sự chuyển dịch của dòng thương mại - đầu tư thông qua các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đến sự chuẩn bị cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cũng mở ra các kênh đầu tư - kinh doanh hấp dẫn. Tất cả xu hướng mạnh mẽ này đòi hỏi phải có những bước đột phá. Đột phá đó bắt đầu từ đâu?
Đột phá trong tư duy
Việc tiếp tục thoái vốn nhà nước tại Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) là một thương vụ thành công về mặt kinh tế. Nhà nước thu về 4,8 tỷ USD từ Công ty TNHH Vietnam Beverage của tỷ phú Thái Lan.
Thành công của thương vụ Sabeco cho thấy nguyên tắc công khai minh bạch, thu về lợi nhuận cao nhất đã được thực hiện một cách triệt để.
Các thương vụ thoái vốn nhà nước thành công đang dẫn dòng vốn đầu tư tư nhân đổ vào các lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế. Ảnh: Đức Thanh
Đó cũng là tiền đề tốt để các “ông lớn” của ngành này đẩy nhanh hơn tiến trình cổ phần hóa thoái vốn, trước hết là tại Tổng công ty cổ phần Bia rượu Hà Nội (Habeco), Tập đoàn xăng dầu Việt Nam (Petrolimex); MobiFone, PV Oil, PV Power, Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam, Công ty TNHH MTV Lọc hoá dầu Bình Sơn…
Đối với ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính DN (Bộ Tài chính), những thương vụ thành công đó là cú hích tích cực đối với thị trường, cũng như chính doanh nghiệp nhà nước trong danh sách cổ phần hóa thời gian tới.
Hơn thế, thương vụ này cũng đang tạo thêm những hấp lực mới để tiếp tục hút thêm dòng tiền nước ngoài đang đổ đồn vào thị trường.
Mặc dù, những thương vụ như Sabeco và trước đó là Vinamilk đã rất thành công trong thoái vốn, song cũng không ít ý kiến lo ngại việc nhà nước đang cổ phần hóa bằng mọi giá khi bán đi những thương hiệu Việt tốt nhất.
Ông Tiến cho rằng, trong một ngành mà nhà nước không có chủ trương nắm giữ và nhà đầu tư khi mua đã cam kết giữ thương hiệu theo quy định, thì không nên hạn chế.
“Dư luận cũng đặt ra một số vấn đề, nhưng nếu đọc kỹ quy chế, phương án đấu giásẽ thấy chúng ta đã yêu cầu nhà đầu tư phải cam kết với Chính phủ giữ thương hiệu của doanh nghiệp”, ông Tiến nói và nhấn mạnh, trong thương vụ Sabeco, khi nhà đầu tư mua lớn như vậy, chắc chắn họ đã tính toán dài hạn trên cơ sở các ràng buộc của hợp đồng cũng như giá trị của thương hiệu mà họ muốn nắm giữ.
Trên thực tế, sự sống còn của bất cứ một thương hiệu nào không thể chỉ dựa vào tuổi đời, mà dựa vào chất lượng, uy tín của sản phẩm, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp và quan trọng là sự lựa chọn của người tiêu dùng.
Chính người Việt mới là yếu tố quyết định việc thành hay bại của các nhà đầu tư nước ngoài tại thị trường Việt Nam. Sao lại lo doanh nghiệp ngoại sẽ giết chết thương hiệu khi người tiêu dùng Việt mới là người quyết định cuộc chơi?
Đột phá tinh thần doanh nhân
Trong khi nhiều người ngồi lo mất thương hiệu Việt, có những doanh nghiệp mang trong mình giấc mơ thương hiệu Việt, quyết tâm gây dựng nó. Điển hình là chiếc ô tô “made in Vietnam” do Vingroup sản xuất sắp ra lò.
Năm 2017, thị trường ô tô Việt Nam thực sự nổi sóng khi Tập đoàn Vingroup quyết định phủ sóng sang lĩnh vực sản xuất ô tô, thông qua thương hiệu VinFast. Vingroup chi khoảng 3,5 tỷ USD cho tổ hợp sản xuất VinFast tại Hải Phòng.
Sản phẩm chủ lực của công ty là ô tô động cơ đốt trong, ô tô sử dụng động cơ điện và xe máy điện thân thiện với môi trường.
Dù kinh doanh gì và đột phá, cách làm mới ra sao thì bài học chẳng bao giờ xưa cũ mà doanh nhân nào cũng phát biểu được, nhưng không dễ để thực hiện bằng hành động. Đó là bài học làm ăn bắt đầu bằng chữ Tín
VinFast đặt mục tiêu trở thành nhà sản xuất ô tô hàng đầu Đông Nam Á với công suất thiết kế lên đến 500.000 xe/năm vào năm 2025. Chiếc ô tô thương hiệu Việt đầu tiên trong vòng 2 năm tới.
Giai đoạn I, theo kế hoạch nhà máy sẽ xuất xưởng 1 mẫu sedan 5 chỗ; 1 mẫu SUV 7 chỗ và xe máy điện theo tiêu chuẩn chất lượng châu Âu, công suất dự kiến đạt 100.000 – 200.000 xe/năm
Vingroup quyết định đầu tư vào ngành công nghiệp ôtô, nhằm mở ra cơ hội sở hữu ôtô với chi phí phù hợp, vừa thân thiện với môi trường, vừa đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng trong nước, đồng thời, từng bước giành thế tự chủ và chủ động về công nghiệp ôtô, góp phần bảo vệ lợi ích quốc gia.
Tập đoàn này tin Vinfast sẽ làm được những điều mà các doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc đã làm được vài chục năm trước đây.
Trong cùng giấc mơ ấy, không thể bỏ qua cái tên làm nóng lòng và cũng gây nhiều tranh cãi nhất ở lĩnh vực công nghệ là Bkav ra mắt sản phẩm mới, chiếc Bphone 2 hay còn gọi là Bphone 2017.
Với nhiều người, đó là sự tò mò, sự nghi hoặc đối với sản phẩm lần này. Còn đối với giới marketing Việt Nam, đây là chất của người đi tiên phong đứng lên sau những lần vấp ngã.
Bởi lẽ, bất kể ai là người khởi nghiệp đều cảm nhận được 4 năm thai nghén sản phẩm rồi thất bại, tiếp tục làm để 2 năm sau lại ra sản phẩm mới là một nỗ lực lớn như thế nào của cả một đội ngũ của Bkav.
Sau thất bại của Bphone 1, khi cho ra đời “siêu phẩm” Bphone 2 và đến giờ kết quả của Bphone vẫn là một ẩn số.
Dù sao cộng đồng doanh nghiệp và một bộ phận người tiêu dùng vẫn mong Bkav cùng ông Nguyễn Tử Quảng thành công và vươn ra biển lớn mang theo tinh thần, niềm tự hào bứt phá của cả một dân tộc.
Trong hành trình ấy, nếu Bkav chủ động nhận diện những nguyên nhân dẫn đến việc chưa tìm được tiếng nói chung với người tiêu dùng, chắc chắn tương lai của Bphone sẽ lội ngược dòng.
Đột phá trong không gian tăng trưởng từ 4.0
Dự báo về những lĩnh vực có tiềm năng tăng trưởng mạnh nhất sau những thay đổi về chính sách của Chính phủ trong năm 2018, với mức độ hội nhập như hiện nay, việc làm ăn, đầu tư ở Việt Nam sẽ không chỉ dừng ở việc khai thác tầng lớp trung lưu đang tăng mạnh mà còn có tiềm năng lớn tương tác với các nước khác nhờ độ mở của thị trường, thông qua các hiệp định thương mại đã và đang ký kết.
Sân chơi không chỉ rộng và còn nhiều, kèm theo đó là nhiều lĩnh vực hấp dẫn theo xu hướng mới như cách mạng công nghiệp 4.0. Cuộc cách mạng này đang tạo ra lực lượng dẫn dắt thị trường đến từ khởi nghiệp sáng tạo với những tư duy đột phá khó có thể biết được.
Lĩnh vực thương mại điện tử là ví dụ. Khi Đông Nam Á ngày càng bị thống trị bởi các đại gia như Alibaba và Tencent, các hãng thương mại điện tử nhỏ hơn sẽ tìm đến cách khác để đảm bảo tài chính. Một trong các phương pháp có thể được sử dụng là ICO (phát hành tiền ảo để huy động vốn).
Năm 2017, tiền ảo trở thành chủ đề bùng nổ trên toàn cầu. Bên cạnh việc lướt sóng, đầu tư các đồng tiền ảo có giá cao như Bitcoin, Ethereum, hoạt động ICO cũng thu hút rất nhiều các nhà đầu tư.
Kyber Network là một start-up của CEO người Việt, trong tháng 9/2017 đã tổ chức một đợt ICO. Ngày 15/9/2017 theo giờ Việt Nam, các đồng Kyber bắt đầu được bán, đến ngày 18/9 việc bán đã hoàn thành trên toàn cầu và Kyber Network thu về 200.000 Ethereum.
Vào tháng 9/2017, số tiền này tương đương 56 triệu USD còn với giá Ethererum hiện tại, số tiền mặt có thể quy đổi ra tương đương hơn 155 triệu USD.
Hiện nay, giá mỗi đồng KNC của Kyber Network đang ổn định ở mức 2 đến 3 USD mỗi đồng. Tổng giá trị vốn hoá theo thống kê của Trang tin Coinmarketcap, Kyber Network đạt hơn 333 triệu USD.
Tiền ảo lúc này vẫn được nhiều chuyên gia đánh giá là một thứ không rõ ràng, nguy hiểm và nhà đầu tư nên cẩn trọng với mọi quyết định đầu tư.
Hầu hết các hoạt động ICO trên thế giới còn được cho là chưa đáng tin, nhưng ICO của Kyber Network lại được đánh giá cao nhờ trong danh sách những cố vấn của Kyber có Vitalik Buterin, tác giả của đồng Ethererum, đồng tiền ảo có giá trị thứ 2 thị trường hiện nay.
Khởi nghiệp trong thời đại 4.0 ở Việt Nam càng lan nhanh và mạnh hơn khi được truyền lửa bởi Jack Ma, ông chủ đế chế Alibaba đến Việt Nam tháng 11/2017.
“Những người tận dụng được Internet trong kinh doanh của mình mới thành công. Trong 30 năm tới, trí tuệ nhân tạo và nhiều thứ sẽ còn thay đổi. Những hoạt động kinh doanh trong thời gian qua là B2C. Thế kỷ này sẽ là thế kỷ của công nghệ dữ liệu".
Đó là câu Jack Ma ví dụ để khích lệ giới trẻ Việt Nam suy nghĩ về tương lai, cách kinh doanh mới. "Bạn hãy cố gắng sử dụng di động để buôn bán, giao tiếp với mọi người trên mạng, thay vì chỉ chơi game. Việt Nam có hơn 94 triệu người, nhưng chỉ có 4 triệu người mua bán trên mạng. Đó chính là cơ hội để bạn thực hiện", Jack Ma chia sẻ góc nhìn đầy hấp dẫn.
Các doanh nghiệp công nghệ được xem là nhóm tạo ra sự đột phá nhất. Để tồn tại và phát triển trong thời kỳ mới, họ đưa ra các giải pháp phá vỡ cách vận hành của các doanh nghiệp truyền thống.
Có các mô hình tồn tại hàng chục năm nhưng bị nhóm này thay thế chỉ trong thời gian ngắn. Còn nếu nhìn vào các ngành dẫn dắt truyền thống như công nghiệp chế biến chế tạo hướng đến xuất khẩu, dịch vụ, bất động sản, dù có thể phát triển nhưng khó có được đột phá như năm 2017.
Cuối cùng, dù kinh doanh gì và đột phá, cách làm mới ra sao thì bài học chẳng bao giờ xưa cũ mà doanh nhân nào cũng phát biểu được nhưng không dễ để thực hiện bằng hành động. Đó là bài học làm ăn bắt đầu bằng chữ Tín.
Vụ bê bối về đạo đức trong kinh doanh của ông Hoàng Khải, chủ thương hiệu Khaisilk không chỉ làm điêu đứng đế chế lụa Khaisilk hơn 30 năm gây dựng mà còn khiến người tiêu dùng phẫn nộ vì vị bội tín. Lòng tin ấy hẳn sẽ càng khó tạo dựng, gìn giữ khi những ông chủ chữ tín như những tấm lụa mỏng manh...