“Kim thiền thoát xác” tại Dự án Nam An Khánh

(ĐTCK) Nhìn lại những “lùm xùm” xung quanh Dự án Nam An Khánh có thể đặt câu hỏi, phải chăng chủ đầu tư đang sử dụng kế “kim thiền thoát xác”.
“Kim thiền thoát xác” tại Dự án Nam An Khánh

Đứng thứ 18/21 trong danh sách dự án nhà ở thương mại đăng ký chuyển đổi thành dự án nhà ở xã hội của thành phố Hà Nội là Dự án Chung cư và dịch vụ hỗn hợp tại lô đất HH3 khu đô thị mới Nam An Khánh. Nhìn lại những “lùm xùm” xung quanh dự án này có thể đặt câu hỏi, phải chăng chủ đầu tư đang sử dụng kế “kim thiền thoát xác”, phớt lờ quyền lợi của hàng trăm khách hàng.

Tít mù chuyển chủ

Như ĐTCK đã phản ánh trong loạt bài điều tra từ năm 2011, Dự án Chung cư và dịch vụ hỗn hợp tại lô đất HH3 nằm trong Dự án Khu đô thị mới Nam An Khánh do CTCP Đầu tư Phát triển đô thị và khu công nghiệp Sông Đà (Sudico) làm chủ đầu tư. Sau đó, Sudico đã tiến hành chuyển nhượng cho CTCP Sông Đà - Việt Đức. Tách khỏi dự án Nam An Khánh, cả lô HH3 với diện tích 5,57 héc-ta được đóng mác mới với tên gọi Dự án Diamond Tower.

“Kim thiền thoát xác” tại Dự án Nam An Khánh ảnh 1

Dự án Diamond Tower vẫn chỉ là bãi đất trống

Xuất hiện với tiếng gọi “nơi giấc mơ bắt đầu”, lại vào đúng thời điểm thị trường bất động sản Hà Nội đang “sốt” những năm 2009, 2010, giá mỗi m2 căn hộ tại dự án có “gốc” là 15 triệu đồng/m2, nhưng khách hàng phải trả đến 18 triệu đồng/m2 mới có thể mua được. Cũng với sức hấp dẫn đó, dự án đã được các chủ đầu tư liên tục chuyển đổi để kiếm lời.

Đầu tiên là việc CTCP Sông Đà -Việt Đức liên doanh với CTCP Bất động sản Tài chính dầu khí Việt Nam ( PVFC Land ) để thực hiện dự án. Ngay lập tức, dự án được đổi tên thành Khu chung cư cao cấp, dịch vụ hỗn hợp dầu khí, dự kiến khởi công vào năm 2010.

Nhưng chưa kịp khởi công theo dự kiến thì PVFC Land đã chuyển nhượng vốn góp dự án cho Công ty Imico (một công ty trực thuộc Tổng công ty Xây lắp Dầu khí, thuộc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam ). Với vụ chuyển nhượng này, PVFC Land đã thu về hơn 207 tỷ đồng, mang lại khoản lợi nhuận trước thuế 95 tỷ đồng. Và dù chuyển nhượng toàn bộ dự án, nhưng PVFC Land vẫn giữ lại 200 căn hộ chung cư tại đây và đã đầu tư 47,76 tỷ đồng trong năm 2010 để triển khai dự án.

Vẫn chưa dừng lại ở đó, đến cuối năm 2010, Imico tiếp tục chuyển nhượng dự án cho CTCP Đầu tư xây dựng Vinaconex PVC. Trước hiện tượng “bãi đất trống” mang tên Diamond Tower được rao bán tràn lan trên nhiều trang web chuyên về bất động sản, từ thị trường, ĐTCK ghi nhận nhiều ý kiến băn khoăn về việc chủ đầu tư đích thực của dự án này là ai? ĐTCK đã trao đổi với một lãnh đạo của Công ty Vinaconex PVC. Theo trả lời bằng văn bản thì “Vinaconex PVC là một bên nhận chuyển nhượng phần vốn góp với đối tác trong Dự án Diamond Tower bằng hợp đồng chuyển nhượng phần vốn góp”. Chưa rõ Vinaconex PVC có phải là chủ đầu tư cuối cùng hay không.

 

“Bỏ quên” quyền lợi khách hàng

Trong bối cảnh thị trường bất động sản khó khăn như hiện nay, nhiều chủ đầu tư đã lựa chọn giải pháp xin chuyển đổi dự án nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội để được hưởng nhiều ưu đãi, từ việc được miễn tiền sử dụng đất đến việc được tiếp cận với gói hỗ trợ vốn 30.000 tỷ đồng, cũng là việc hết sức bình thường và nên làm.

Tuy nhiên, trong trường hợp cụ thể này, không hiểu vì lý do gì mà CTCP Đầu tư Sông Đà -Việt Đức lại đứng tên chủ đầu tư để xin chuyển đổi dự án. Và khi xin chuyển đổi như vậy, quyền lợi của các cổ đông của rất nhiều đơn vị liên quan đang niêm yết trên sàn chứng khoán cũng như hàng trăm khách hàng đã ký hợp đồng góp vốn vào dự án này mấy năm nay sẽ được giải quyết ra sao?

Theo quy định tại Thông tư 02/2013/TT-BXD của Bộ Xây dựng, “trường hợp đã ký hợp đồng góp vốn, hợp đồng mua bán với khách hàng thì trước khi thực hiện việc điều chỉnh cơ cấu căn hộ, điều chỉnh mục đích sử dụng, phải được sự đồng ý bằng văn bản của tất cả khách hàng đã ký hợp đồng”. Liệu việc chuyển đổi dự án Diamond Tower có được thực hiện nghiêm túc theo quy định này khi mà có quá nhiều chủ đầu tư cùng ký hợp đồng góp vốn với khách hàng.

Trong 36 kế của Binh pháp Tôn Tử, người ta hay nhắc đến một kế là “kim thiền thoát xác” để chỉ hành động dùng một bộ dạng mới nhằm qua mắt người khác để tẩu thoát. Phải chăng, các chủ đầu tư tại dự án này đang bắt tay nhau để kiếm lời chính sách, mà “bỏ quên” quyền lợi của khách hàng và cổ đông?

Thiên Long
Thiên Long

Tin cùng chuyên mục