Kiến tạo niềm tin của nhà đầu tư và thị trường

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Việt Nam đứng trước ngưỡng cửa nâng hạng thị trường chứng khoán, đem đến cơ hội mới cho doanh nghiệp, chính doanh nghiệp cần chuyển đổi tư duy, chuyển đổi hệ thống, cải thiện tính ESG (môi trường - xã hội - quản trị).
Áp dụng ESG đối với các doanh nghiệp không chỉ còn là khẩu hiệu, mà là mệnh lệnh Áp dụng ESG đối với các doanh nghiệp không chỉ còn là khẩu hiệu, mà là mệnh lệnh

Cập nhật về ESG

Một nghiên cứu rất đáng chú ý của Deloit cho thấy, yếu tố niềm tin ảnh hưởng thế nào đến 3 nhóm đối tượng: Thứ nhất, 88% người tiêu dùng mua sản phẩm, dịch vụ từ các nhãn hiệu tin cậy; Thứ hai, người lao động làm việc, cống hiến gắn bó với các doanh nghiệp mà họ có niềm tin vào nhà lãnh đạo và tổ chức, gắn với sự phát triển bền vững; Thứ ba, niềm tin của nhà đầu tư đến từ 2 yếu tố mà chúng ta được nghe rất nhiều trong quản trị công ty là minh bạch và chính trực. Đó là thông tin được công bố, dữ liệu, hệ thống quy chế, quy trình từ cấp HĐQT đến ban điều hành sử dụng để công bố thông tin, giải trình thông tin. Tính chính trực đến từ yếu tố con người. Nhà đầu tư đánh giá về 2 yếu tố này.

Trong nghiên cứu này, người ta cũng khảo sát ESG gắn với thị trường vốn tư nhân với hơn 1.000 quỹ đầu tư tham gia khảo sát. Các yếu tố được quan tâm thể hiện qua 5 trụ cột chính: Lãnh đạo làm gương; Dịch vụ sản phẩm ưu việt, có trách nhiệm xã hội; Khung tạo dựng giá trị khác biệt; Củng cố nền tảng; Gia tăng giá trị cốt lõi. Niềm tin phải gắn với năng lực để tạo 5 yếu tố này (xem biểu đồ).

Các quỹ được phỏng vấn đều nói trên 80% mức độ quan trọng về ESG, trong đó G (quản trị) cao nhất, đạt trên 50%, cao hơn S (xã hội), E (môi trường), trong khi hiện ở Việt Nam, chúng ta đang tập trung vào E.

Khi nhà đầu tư thẩm định chuyên sâu, cách truyền thống là dựa vào thông tin tài chính, hiện tại, quá khứ và tính sinh lời tương lai. Tuy nhiên, hiện nay còn căn cứ vào dữ liệu ESG, thẩm định tách biệt nhau, quản trị vì xã hội, quản trị vì môi trường, tức là doanh nghiệp phải vượt lên, không chỉ sống thân thiện với môi trường, mà phải sống có trách nhiệm, kiến tạo trách nhiệm xã hội không chỉ người lao động trong doanh nghiệp mà cả xã hội.

Các nhà đầu tư sẽ sử dụng thông tin dựa trên báo cáo của doanh nghiệp đang hướng tới ESG. Khi các nhà đầu tư đã quan tâm nhiều hơn về báo cáo ESG và dữ liệu ESG, có nhiều báo cáo doanh nghiệp phải lập, theo quy định trong nước hoặc theo báo cáo của các tổ chức lớn mà họ đưa ra như IFC. Khi thông tin ESG đang được nhà đầu tư quan tâm, họ cần phải có báo cáo để đánh giá, thẩm định.

Có một câu chuyện mà hiện nay nhà đầu tư lo ngại, là tình trạng dán nhãn xanh, tức là doanh nghiệp làm nhiều thứ trên giấy tờ, báo cáo thiếu thực tiễn, né tránh hoặc lờ đi không công bố những điều cần phải làm.

Bà Hà Thị Thu Thanh, Chủ tịch Viện Thành viên Hội đồng Quản trị Việt Nam (VIOD)

Bà Hà Thị Thu Thanh, Chủ tịch Viện Thành viên Hội đồng Quản trị Việt Nam (VIOD)

Nhà đầu tư quan ngại là báo cáo ESG có nhiều yếu tố tẩy xanh. Doanh nghiệp quảng cáo thiếu trung thực, do đó vấn đề quan trọng là làm sao để gắn với hành động thực sự của mình để kiến tạo niềm tin của nhà đầu tư.

Chẳng hạn, Goldman Sachs bị phạt 4 triệu USD do họ công bố nhưng thực tế không có chính sách triển khai. Các nhân viên thẩm định đầu tư của họ không phân tích, không đánh giá dữ liệu ESG khi đầu tư.

Hay Volvagen bị phạt 21 triệu USD và thu hồi nhiều xe, do công bố không đầy đủ, bao che, không đưa đầy đủ tiêu chí giảm khí thải khi xuất xe vào Mỹ. Như vậy, quản trị để đo được, kiểm soát được tác động môi trường là vấn đề quản trị công ty, chứ không phải là vấn đề sản phẩm, đây là trách nhiệm của HĐQT.

Làm thực chứ không dán “nhãn xanh”

Doanh nghiệp cần chuyển đổi tư duy, chuyển đổi hệ thống, cải thiện quản trị theo các xu hướng thế giới. Đây là cơ hội nâng cao năng lực cạnh tranh, năng lực quản trị công ty, không cần phải bỏ ra nhiều tiền, nhưng cần cam kết, cần tư duy cởi mở, để chúng ta có sẵn các công cụ, làm mới thực sự chính mình cho các cơ hội khi thị trường nâng hạng.

Có thể nói, sự phát triển của doanh nghiệp chưa bao giờ ngừng đối mặt với thách thức. Thách thức do điều kiện khách quan là bất ổn kinh tế toàn cầu, lĩnh vực ngành nghề hoạt động khó khăn hơn, còn yếu tố chủ quan là năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp yếu.

Chúng tôi đánh giá, chưa bao giờ doanh nghiệp đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức như hiện nay, thậm chí là còn nhiều hơn thời kỳ dịch Covid-19. Bởi vì, những nguồn lực mà doanh nghiệp có được để vượt qua biến cố “thiên nga đen” đã sử dụng hết. Giờ đây, doanh nghiệp phải lấy lại sức khỏe để trở lại đường đua thì họ phải đối mặt với các tác động lớn.

Cụ thể, tác động của biến cố địa chính trị trên thế giới do ảnh hưởng của xung đột Nga - Ukraine, cuộc đua ngôi vị số 1 toàn cầu về kinh tế của Mỹ và Trung Quốc... Trung Quốc tuyên bố sẽ trở thành nền kinh tế số 1 toàn cầu vào năm 2030, thực ra nước này không chỉ tuyên bố, mà đã chuẩn bị cho điều đó. Trong khi đó, Mỹ đang chuẩn bị cho kỳ bầu cử Tổng thống nhiệm kỳ mới, mối quan tâm của họ về chính trị, xung đột Nga - Ukraine, làm thế nào cản Trung Quốc trên đường đến ngôi vương kinh tế..., đã làm giảm các mối quan tâm khác.

Tác động lớn khác là chuỗi cung ứng toàn cầu tiếp tục bị đứt gãy, trong khi những rào cản kỹ thuật về môi trường của châu Âu và Mỹ làm cho thị trường xuất khẩu của Việt Nam gặp nhiều khó khăn. Môi trường là điểm kết nối trung tâm và thách thức thị trường lớn nhất, bởi nhiều doanh nghiệp có công nghệ lạc hậu, hoạt động sản xuất không gắn với yếu tố xanh như điện tái tạo, nước thải giảm thiểu, người lao động và môi trường làm việc được bảo vệ. Đó là những thách thức khi áp dụng tiêu chí ESG, vốn đang được các nhà đầu tư, ngân hàng đánh giá cao.

Doanh nghiệp thực hiện các hoạt động ESG tốt sẽ có hình ảnh tích cực và được coi là đáng tin cậy trong mắt khách hàng, đối tác kinh doanh và cộng đồng. Tuy nhiên, tại nhiều doanh nghiệp, muốn gia tăng nguồn vốn, gọi nhà đầu tư thì ESG ở đâu? Làm việc với ngân hàng để có hạn mức tín dụng và lãi suất ưu đãi thì ESG ở đâu?

Như tôi đã đề cập, phải làm thực về ESG, chứ đừng dán nhãn xanh như một trào lưu hình thức. Đơn cử, logistics gắn với cước vận chuyển. Doanh nghiệp Việt Nam đi vào Singapore và châu Âu phải trả phí cao do lượng phát thải lớn, đến năm 2025 có nguy cơ không được chở hàng hóa vào các thị trường đó.

Hiện nay, Chính phủ, Bộ Tài chính nỗ lực sửa đổi, bổ sung Nghị định 155/2020/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán và và 2 thông tư hướng dẫn Nghị định, nhằm hỗ trợ nâng hạng thị trường chứng khoán từ cận biên lên mới nổi. Một trong những mục đích của nâng hạng thị trường nhằm mở ra cánh cửa để vốn nước ngoài chảy vào, nhưng câu hỏi là họ vào rồi thì vào đâu? Vốn ngoại không chảy vào Sở giao dịch chứng khoán, mà vào doanh nghiệp, nhưng đó là doanh nghiệp nào? Doanh nghiệp phải trả lời: “Tôi có nền quản trị minh bạch, chiến lược quản trị gắn với giảm thiểu các tác động đến môi trường và kiến tạo giá trị xã hội đó”. Đó là ESG, yếu tố mà nhà đầu tư quan tâm và đánh giá cao.

Chúng tôi có nghiên cứu ở các thị trường chứng khoán trước nâng hạng, giai đoạn này được coi là giai đoạn cửa sổ. Cơ hội được chia đều cho các doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay. Doanh nghiệp cần chuyển đổi tư duy, chuyển đổi hệ thống, cải thiện quản trị theo các xu hướng thế giới. Đây là cơ hội nâng cao năng lực cạnh tranh, năng lực quản trị công ty, không cần phải bỏ ra nhiều tiền, nhưng cần cam kết, cần tư duy cởi mở, để chúng ta có sẵn các công cụ, làm mới thực sự chính mình cho các cơ hội khi thị trường nâng hạng.

Hà Thị Thu Thanh
Chủ tịch Viện Thành viên Hội đồng Quản trị Việt Nam (VIOD)/Theo Đặc san Toàn cảnh Doanh nghiệp Niêm yết 2024

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục