Tình trạng gian lận thuế, trốn thuế, chiếm đoạt ngân sách nhà nước được đánh giá là vẫn diễn biến phức tạp, tinh vi và mức độ ngày càng lớn. Thưa ông, KTNN đã và đang làm gì để góp phần hạn chế tình trạng này?
Phạm vi kiểm toán việc tuân thủ pháp luật thuế của người nộp thuế còn hạn chế, cụ thể là KTNN chưa được kiểm toán trực tiếp người nộp thuế tại trụ sở doanh nghiệp, ngoài doanh nghiệp nhà nước. Vì vậy, chúng tôi kiểm toán tuân thủ pháp luật về thuế chủ yếu thông qua kiểm toán báo tài chính tại doanh nghiệp nhà nước; báo cáo quyết toán ngân sách tại các bộ, ngành, địa phương; kiểm toán công tác quản lý thuế tại cơ quan thuế.
Ngoài ra, thực hiện các cuộc kiểm toán chuyên đề chuyên sâu về thuế, như chuyên đề miễn, giảm, giãn, hoàn, xóa nợ thuế; chuyên đề quản lý hoàn thuế giá trị gia tăng và các chuyên đề có liên quan đến thu ngân sách nhà nước như chuyên đề thu sử dụng đất, quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản…
Nói chung, góp phần vào việc chống gian lận thuế, trốn thuế, chiếm đoạt tiền thuế, hiện tại, KTNN mới chỉ thực hiện kiểm toán nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế thông qua hình thức đối chiếu, kiểm tra hồ sơ khai thuế, quyết toán thuế của doanh nghiệp tại trụ sở cơ quan thuế. Do chưa được giao nhiệm vụ kiểm toán trực tiếp tại doanh nghiệp, nên hiệu quả còn hạn chế.
Qua việc kiểm toán công tác quản lý thuế, kiểm toán chuyên đề và đối chiếu hồ sơ khai thuế, quyết toán thuế của doanh nghiệp, ông có cho rằng, tình trạng gian lận thuế, trốn thuế còn diễn ra phổ biến?
Kết quả kiểm toán cho thấy, mức độ vi phạm pháp luật thuế còn cao, diễn ra ở hầu hết các địa phương và các loại hình doanh nghiệp (đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài) và các sắc thuế. Công tác thanh, kiểm tra thuế của cơ quan thuế còn bỏ sót nhiều sai phạm của doanh nghiệp, như áp dụng không đúng thuế suất thuế giá trị gia tăng, kê khai ưu đãi và miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và thực hiện miễn giảm thuế sai quy định, áp đơn giá đất để tính tiền sử dụng đất chưa đúng…
Qua kiểm toán, chúng tôi đã phát hiện một số bất cập, sai phạm về tuân thủ pháp luật thuế mang tính phổ biến, như nhiều doanh nghiệp chưa tuân thủ pháp luật trong kê khai, nộp thuế; công tác điều hành, quản lý thu tiền thuê đất, tiền sử dụng đất tại một số địa phương chưa đúng quy định; nhiều doanh nghiệp chưa kê khai hoặc kê khai không đầy đủ các khoản thuế từ hoạt động kinh doanh...
Ông có thể dẫn một số số liệu cho thấy tình trạng trên?
Năm 2016, qua đối chiếu 1.563 doanh nghiệp ngoài quốc doanh, KTNN kiến nghị tăng thu cho ngân sách nhà nước 2.060,6 tỷ đồng. Năm 2017, đối chiếu 2.497 hồ sơ khai thuế, quyết toán thuế, KTNN kiến nghị tăng thu 1.351 tỷ đồng.
Năm 2018, đối chiếu 2.605 hồ sơ khai thuế, quyết toán thuế, KTNN kiến nghị tăng thu 1.769,4 tỷ đồng, giảm lỗ hàng ngàn tỷ đồng. Thực hiện kiểm toán chuyên đề về công tác quản lý hoàn thuế giá trị gia tăng tại Tổng cục Thuế và 19 cục thuế tỉnh, thành phố (năm 2017), KTNN kiến nghị xử lý hơn 1.396 tỷ đồng…
Có một thực tế không thể phủ nhận là, qua đối chiếu thuế, chúng tôi phát hiện ít nhất 90% số doanh nghiệp ngoài quốc doanh sai phạm các chính sách thuế. Trong đó, vi phạm, sai phạm phổ biến là kê khai không đúng doanh thu, chi phí nhằm giảm thu nhập chịu thuế; áp dụng không đúng thuế suất; kê khai ưu đãi miễn, giảm thuế không đúng quy định.
Như vậy, trước tình trạng gian lận thuế, trốn thuế, vi phạm pháp luật về thuế diễn ra phố biến, KTNN muốn được kiểm toán cả doanh nghiệp, thưa ông?
Hiện tại, KTNN chưa được kiểm toán trực tiếp doanh nghiệp, nhưng được thực hiện kiểm toán chuyên đề chuyên sâu về thuế. Bên cạnh đó, qua kiểm toán công tác quản lý thuế tại cơ quan thuế, chúng tôi tiến hành đối chiếu hồ sơ khai thuế, quyết toán thuế của doanh nghiệp, đã phát hiện ra rất nhiều sai phạm. Chúng tôi đã kiến nghị giảm chi phí được trừ, áp đúng thuế suất, xác định lại ưu đãi miễn, giảm thuế…, qua đó đã tăng thu vào ngân sách nhà nước, yêu cầu giảm lỗ hàng ngàn tỷ đồng.
Tuy nhiên, do doanh nghiệp (trừ doanh nghiệp nhà nước) hiện chưa phải là đối tượng kiểm toán của KTNN, nên công tác chống gian lận thuế, trốn thuế, chiếm đoạt ngân sách nhà nước của hoạt động kiểm toán còn hạn chế.
Vì vậy, trong Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước sẽ được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7, dự kiến khai mạc ngày 20/5, chúng tôi kiến nghị bổ sung đối tượng kiểm toán. Ngoài 12 nhóm đối tượng như hiện nay, bổ sung người nộp thuế; tổ chức sử dụng khai thác đất đai, tài nguyên, khoáng sản; tổ chức khác có hoạt động liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công.
Tôi muốn nhấn mạnh rằng, quản lý thuế, trong đó có hoạt động thanh, kiểm tra; chống gian lận thuế, trốn thuế, chiếm đoạt tiền thuế là chức năng, nhiệm vụ của cơ quan thuế. Nếu được Quốc hội thông qua, không phải KTNN thích kiểm toán doanh nghiệp nào cũng được, mà hoạt động thanh, kiểm tra vẫn do cơ quan thuế thực hiện.
Chỉ trong những trường hợp nhất định nào đó, KTNN mới kiểm toán trực tiếp tại doanh nghiệp và chúng tôi sẽ phối hợp với cơ quan thuế để tránh tình trạng doanh nghiệp vừa bị cơ quan thuế thanh, kiểm tra, vừa bị KTNN vào kiểm toán.