Mới đây, Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) bất ngờ có kiến nghị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) nên giới hạn tỷ lệ giao dịch ký quỹ của nhà đầu tư (margin) tối đa ở mức 20%, thay vì mức 50% như quy định hiện hành, để giảm thiểu rủi ro cho TTCK.
Như rất nhiều lần trước, kiến nghị của VAFI tiếp tục gây nhiều tranh cãi trong cộng đồng nhà đầu tư và chuyên gia chứng khoán, đặc biệt là khi TTCK đang ở giữa “tâm bão” Thông tư 36.
Kiến nghị gây tranh cãi của VAFI
Trong bản kiến nghị gửi UBCK, VAFI đưa ra quan điểm, tỷ lệ cho vay margin 50% theo quy định hiện hành quá cao, không chỉ tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với nhà đầu tư khi giá cổ phiếu giảm mạnh mà còn ảnh hưởng tới diễn biến toàn TTCK, khi áp lực giải chấp cổ phiếu của các CTCK tăng lên.
Theo VAFI, UBCK cần phải có cơ chế kiểm soát được tỷ lệ sử dụng margin ở mức tối đa trong từng phiên giao dịch, trước mắt có thể là 15% và có chính sách phân bổ hạn mức cho vay với từng CTCK. Tỷ lệ margin với từng cổ phiếu phải khống chế theo giới hạn an toàn, chẳng hạn tối đa 20%, thay vì mức 50% như hiện nay.
VAFI lấy ví dụ, các TTCK trong khu vực như Trung Quốc, Hồng Kông có quy định nguyên tắc là tổng tín dụng cho vay đầu tư chứng khoán không được vượt quá 10% tổng giá trị giao dịch hàng ngày và từ đó, họ có chính sách phân bổ hạn mức cho vay với từng CTCK.
Cũng theo VAFI, Thông tư 36/2014/TT-NHNN sắp có hiệu lực tới đây có quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, trong đó, có nội dung quy định về giới hạn cấp tín dụng trong đầu tư cổ phiếu. Tuy nhiên, chỉ mình Thông tư 36 thì chưa đủ để phòng tránh việc sử dụng margin quá mức.
Theo phân tích của VAFI, khi NĐT sử dụng margin, tức là sử dụng dòng vốn rất ngắn hạn và áp lực trả nợ tăng cao và làm cho giá cổ phiếu biến động. Còn nếu NĐT sử dụng vốn tự có, áp lực trả nợ không có và họ có thể yên tâm đầu tư giá trị, chờ đợi kết quả kinh doanh tốt, chờ giá cổ phiếu lên mức hợp lý mới chốt lời...
“Khi Thông tư 36 được thực hiện, có thể vẫn xảy ra nhiều phiên giao dịch dòng tiền margin có thể chiếm tới 30 - 40% tổng giá trị giao dịch toàn thị trường. Điều này không đảm bảo sự phát triển vền vững của TTCK, bởi thị trường vẫn chịu áp lực lớn của dòng tiền nóng”, VAFI nêu quan điểm.
Công ty chứng khoán nói gì?
Quan điểm của VAFI như không ít lần trước đó đang vấp phải sự phản ứng của cộng động nhà đầu tư cũng như các CTCK, bởi việc giảm tỷ lệ margin tất yếu ảnh hưởng đến thanh khoản của thị trường.
Trao đổi với ĐTCK, ông Trịnh Hoài Giang, Phó tổng giám đốc CTCK TP. HCM (HSC) cho rằng, dòng tiền cho vay margin trên thị trường hiện được quản lý khá chặt và không “căng thẳng” như nhiều người nghĩ.
Sau những bài học trong quá khứ, mỗi CTCK đã rút ra những cách riêng để tự phải bảo vệ mình trong việc cho vay margin và khi CTCK quản lý tốt thì sẽ hạn chế được các rủi ro. Theo ông Giang, quy định về tỷ lệ cho vay tối đa 50% là mức phổ biến của các TTCK trên thế giới.
Còn Tổng giám đốc CTCK Tân Việt (TVSI), ông Nguyễn Văn Dũng cho rằng, việc hạn chế margin sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường.
“Không phải ngẫu nhiên mà cơ quan quản lý đưa ra quy định tỷ lệ margin tối đa là 50%. Tỷ lệ này được tham khảo từ kinh nghiệm của các TTCK tiên tiến trên thế giới và đã được kiểm nghiệm trên thực tế TTCK Việt Nam. Việc hạn chế margin có thể ảnh hưởng rất lớn đến tính thanh khoản của thị trường, một trong những yếu tố quan trọng nhất đối với TTCK, và có một thực tế là một thị trường hấp dẫn nhà đầu tư thì vẫn phải xen kẽ dòng tiền đầu tư lẫn đầu cơ”, ông Dũng phân tích.
Ngược dòng thời gian, văn bản pháp lý đầu tiên quy định, hướng dẫn về giao dịch ký quỹ, Quyết định số 637/2011 của UBCK, tỷ lệ cho vay margin tối đa là 40% giá trị danh mục. Tỷ lệ này được đánh giá là thận trọng và an toàn. Sau một thời gian áp dụng, trước đề xuất của khối CTCK, đầu năm 2013, UBCK đã ký Quyết định số 09/QĐ-UBCK điều chỉnh tỷ lệ cho vay margin tối đa lên mức 50% để phù hợp với điều kiện thực tiễn.
Trong khi đó, một số lãnh đạo CTCK cho rằng, quy định về tỷ lệ tối đa margin 20% theo đề xuất của VAFI là phi thực tế, vì nó “bóp nghẹt” tính thanh khoản của thị trường. Trong khi từ trước đến nay, mọi chính sách đều hướng tới việc thúc đẩy thanh khoản của TTCK để thị trường này ngày một hấp dẫn hơn.