Margin - điều khó nói của các công ty chứng khoán

(ĐTCK) Vay tiền đầu tư chứng khoán là “chuyện bình thường ở huyện” với các nhà đầu tư nhỏ lẻ và giới đầu cơ trên thị trường.
Margin - điều khó nói của các công ty chứng khoán

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) quy định, tỷ lệ ký quỹ ban đầu do CTCK tự quyết, nhưng không được thấp hơn 60%, tỷ lệ ký quỹ duy trì do CTCK tự quyết, nhưng không được thấp hơn 50%. UBCK giữ quyền điều chỉnh tỷ lệ tối đa này.

UBCK cũng quy định, tổng dư nợ cho vay ký quỹ của một CTCK không được vượt quá 200% vốn chủ sở hữu của mỗi CTCK.

Quy định là vậy nhưng trong thực tế triển khai, các CTCK biến hóa muôn màu, nhất là với CTCK quy mô vốn nhỏ, để đáp ứng nhu cầu tiền bạc của nhà đầu tư. Cách làm thường thấy là dòng tiền trực tiếp CTCK cho nhà đầu tư vay margin sẽ được thực hiện theo tỷ lệ UBCK quy định, nhưng nếu nhà đầu tư cần nhiều hơn số tiền này, tức là có 1 đồng muốn vay đến 2, 3 đồng, thậm chí 10 đồng để đầu tư, CTCK sẽ hỗ trợ bằng nhiều cách. CTCK hoặc là tìm đến ngân hàng, hoặc là đến đối tượng thứ ba, rót vốn cho nhà đầu tư để thực hiện giao dịch.

Tình trạng này phổ biến đến mức, nếu CTCK nào bó hẹp dịch vụ margin chuẩn chỉ như quy định, thì nguy cơ mất khách hàng, mất thị phần là rất lớn. Ước tính của một số CTCK cho biết, giới đầu cơ hiện có tỷ trọng giao dịch lớn nhất trên TTCK Việt Nam, chiếm từ 55 - 70% giá trị giao dịch cả năm. Nhà đầu tư ngoại hiện chiếm từ 22 - 25% giá trị giao dịch (năm 2013, tổng giá trị giao dịch của nhà đầu tư ngoại trên HOSE là gần 85.000 tỷ đồng/giá trị giao dịch toàn sàn HOSE 270.000 tỷ đồng; năm 2014 tương ứng là 135.000 tỷ đồng/536.000 tỷ đồng). Phần còn lại là giao dịch của nhà đầu tư nhỏ lẻ và các đối tượng khác.

Vì vai trò của giới đầu cơ là lớn, nên các CTCK luôn tìm cách chăm sóc, giữ chân đối tượng nhà đầu tư đặc biệt này. Đặc thù của giới đầu cơ là đánh nhanh thắng nhanh, chấp nhận mạo hiểm để chớp cơ hội thị trường. Không chỉ tìm nguồn tiền phục vụ nhà đầu cơ, việc một số CTCK lập kho hàng, sẵn sàng phục vụ giới đầu cơ vay để bán khống, là điều “ai cũng hiểu”. Tuy nhiên, rủi ro pháp lý luôn thường trực với CTCK khi dòng chảy tiền, hàng giữa CTCK - nhà đầu tư không thông suốt. Nếu khách hàng khởi kiện, sẽ là căn cứ để cơ quan chức năng vào cuộc và dễ dàng  chạm ngay vào mảng việc ngoài quy định tại các tổ chức này.

Từ hoạt động giao dịch thực trên TTCK, nhiều nhà đầu tư chia sẻ với ĐTCK rằng, cách CTCK quảng bá hình ảnh khác nhiều so với hoạt động nghiệp vụ thực tế. Sự sáng tạo trong các hoạt động nghiệp vụ tạo nên sức hấp dẫn riêng của mỗi CTCK. Tuy nhiên, nếu không kín kẽ và quản trị rủi ro tốt, CTCK dễ bị rơi vào trạng thái yếu thế khi phát sinh tranh chấp, nếu nhà đầu tư hiểu rõ được sự quá đà của CTCK trong cung cấp dịch vụ margin.

Bà Vũ Thị Chân Phương, Chánh thanh tra UBCK cho biết, nếu từ năm 2013 trở về trước, UBCK xử phạt các CTCK, công ty quản lý quỹ chủ yếu do công bố thông tin sai quy định, thì năm 2014, cơ quan này tập trung giám sát các hoạt động nghiệp vụ của CTCK.

Theo bà Phương, năm 2014, đã có 17 CTCK và 11 công ty quản lý quỹ bị UBCK xử phạt về lỗi nghiệp vụ, trong đó có hoạt động cung cấp margin vượt khung. Không ít CTCK lớn cũng có tên trong danh sách bị xử phạt về nghiệp vụ của UBCK.

Luôn tuân thủ quy định pháp lý để phát triển bền vững cùng TTCK Việt Nam là thông điệp mà tổng giám đốc nhiều CTCK thường chia sẻ với báo chí. Tuy nhiên, rất khó tìm câu trả lời trung thực của các CEO này khi những người không phải nhà đầu tư, đặt câu hỏi: margin tại công ty anh, chị đang cung cấp thế nào?...

Người quan sát

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục