Kiến nghị Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết về khởi nghiệp và xây dựng quốc gia khởi nghiệp

(ĐTCK) Đó là một trong những kiến nghị đáng chú ý của Ban Kinh tế Trung ương tại Đề án “Đổi mới cơ chế, chính sách tạo điều kiện phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp bằng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế”.
Kiến nghị Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết về khởi nghiệp và xây dựng quốc gia khởi nghiệp

Đề án này, cùng 3 đề án khác vừa được Ban Kinh tế Trung ương công bố tại Hội thảo quốc tế “Nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và đổi mới, phát triển doanh nghiệp” do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cùng Ngân hàng Thế giới vừa tổ chức mới đây.

Đánh giá tầm quan trọng của khu vực kinh tế tư nhân và các DN nói chung, ông Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương khẳng định, Việt Nam đang đứng trước thời cơ mới do hội nhập mang lại để đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế thông qua sự đóng góp to lớn, liên tục của lực lượng doanh nghiệp nói chung cũng như khu vực tư nhân nói riêng.

Vấn đề đặt ra là xác định rõ mục tiêu, tìm giải pháp để Việt Nam nhanh chóng có 2 triệu DN dân doanh như mong muốn. Cần nhanh chóng tạo dựng môi trường đầu tư-kinh doanh thông thoáng, đáp ứng nhu cầu phát triển của DN; đặc biệt là quyết tâm đưa Việt Nam trở thành quốc gia khởi nghiệp, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Cũng theo ông Huệ, vấn đề nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và đổi mới, phát triển doanh nghiệp đã được đề cập nhất quán trong các chủ trương của Đảng; Chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Bên cạnh nhóm chính sách tạo thuận lợi nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường kinh doanh, đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp.

“Vì vậy, nhiệm vụ hoàn thiện và đảm bảo hiệu lực, hiệu quả thực thi các quy định pháp luật cũng như các cơ chế, chính sách tạo thuận lợi cho các hoạt động kinh doanh hiện nay có ý nghĩa vô cùng quan trọng, không chỉ góp phần nâng cao năng suất, chất lượng hiệu quả hoạt động của các loại hình doanh nghiệp, mà còn phát triển các yếu tố nguồn lực và thị trường, phân bổ nguồn lực minh bạch và do vậy, trực tiếp và gián tiếp nâng cao năng suất của nền kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia”, ông Huệ nhấn mạnh.

Với tinh thần này, Ban Kinh tế Trung ương đã công bố các kết quả nghiên cứu từ các Đề án và đưa ra các đề xuất, kiến nghị về các giải pháp xung quanh 2 vấn đề lớn gồm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế; và đổi mới, phát triển các loại hình doanh nghiệp và khởi nghiệp trên cơ sở 3 đề án nghiên cứu.

Cụ thể “Đề án tổng thể về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh giai đoạn 2016 - 2020” đã nêu rõ các giải pháp để tập trung cải thiện toàn diện các yếu tố căn bản tác động tới môi trường kinh doanh của doanh nghiệp; nâng cao hiệu lực, hiệu quả của cơ chế thực thi hệ thống pháp luật; tăng cường hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, bộ ngành và chính quyền địa phương theo hướng tạo động lực phát triển mạnh mẽ các loại hình doanh nghiệp, tăng cường năng động, đổi mới và sáng tạo.

Trong số các nhóm giải pháp chủ yếu, Đề án nhấn mạnh các  nhóm giải pháp: Rà soát, bổ sung và điều chỉnh nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp; rà soát và hoàn thiện cơ chế thực thi và phối kết hợp đa ngành, đa lĩnh vực giữa Trung ương và địa phương; ban hành Luật thủ tục hành chính hoặc Luật Hành chính công theo hướng nâng cao tinh thần phục vụ doanh nghiệp và người dân; và tăng cường liên kết trong nước và kết nối khu vực: Liên kết giữa các ngành kinh tế, các chủ thể kinh tế và các không gian kinh tế; Khơi thông các thị trường các yếu tố sản xuất.

Đề án “Đổi mới cơ chế, chính sách tạo điều kiện phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp bằng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế” trên cơ sở phân tích đánh giá tình hình triển khai và kết quả đạt được, những hạn chế, tồn tại và nguyên nhân; đã đề xuất chủ trương và giải pháp tiếp tục đẩy mạnh phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp, nhất là trong lĩnh vực khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Đề án cũng nêu rõ quan điểm đổi mới cơ chế, chính sách thúc đẩy tạo điều kiện, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp ở hầu hết các ngành và các lĩnh vực kinh tế nhằm thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển, thành một động lực quan trọng của nền kinh tế trong đó nhấn mạnh một số nhóm giải pháp chủ yếu như: Nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy về vấn đề đổi mới sáng tạo, phát triển khoa học công nghệ trong quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế; Xây dựng và hoàn thiện các chính sách phát triển doanh nghiệp khoa học công nghệ; Chính sách phát triển hệ thống Vườn ươm công nghệ; Truyền thông khởi nghiệp; Đào tạo doanh nhân, phát triển nguồn nhân lực….

Đặc biệt, Đề án kiến nghị cần ban hành Kết luận hoặc Nghị quyết chuyên đề của Bộ chính trị  về vấn đề khởi nghiệp trong nền kinh tế và xây dựng Việt Nam trở thành quốc gia khởi nghiệp, trong đó cần coi việc phát triển các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực khoa học công nghệ là chìa khóa mở ra con đường  ngắn nhất để xây dựng thành công quốc gia khởi nghiệp.

Đối với Đề án “Phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ”, các giải pháp chủ yếu được đưa ra là: Thực hiện đánh giá lại toàn diện hoạt động của khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa; Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ, khẩn trương xây dựng và ban hành luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; Hoàn thiện cơ chế chính sách thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; Phát triển quan hệ hợp tác giữa doanh nghiệp nhỏ và vừa với doanh nghiệp lớn, giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp FDI….

Mai Phương

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục