Khởi nghiệp từ tuyến đường thịnh vượng

Nhiều nhà đầu tư tư nhân đang hăm hở khởi nghiệp với tuyến đường cao tốc Bắc - Nam -  một trong những động mạch chủ quan trọng nhất làm nên sự thịnh vượng cho đất nước trong 5 năm tới.
Đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng mở ra động lực phát triển mới cho thành phố Hải Phòng và toàn vùng Đông Bắc Đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng mở ra động lực phát triển mới cho thành phố Hải Phòng và toàn vùng Đông Bắc

Ý tưởng đầu tiên

Giấc mơ về một tuyến cao tốc hiện đại quy mô 4 - 6 làn xe chạy dọc đất nước bắt đầu từ những năm 90 thế kỷ XX khi mạng lưới giao thông đường bộ Việt Nam xuất hiện đoạn đường “tiền cao tốc” đầu tiên từ Pháp Vân - Cầu Giẽ vào đầu năm 2002.

Ít người biết rằng, trước đó 4 năm, khởi thủy của “giấc mơ” này lại đến từ một cú điện thoại báo… tắc đường được gọi tới Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) khi đó là ông Lê Ngọc Hoàn.

Vào buổi tối cuối năm 1998, khi chuẩn bị cùng gia đình ăn tối, Bộ trưởng Hoàn bất ngờ nhận được điện thoại di động của Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu. Tổng Bí thư cho biết: Đoàn công tác của ông trên đường từ Thanh Hóa về Hà Nội đã bị kẹt xe và tắc đường ở khu vực Thường Tín hàng tiếng đồng hồ và yêu cầu lãnh đạo Bộ GTVT có biện pháp giải tỏa ùn tắc ngay! Cân nhắc rất nhanh trong giây lát, Bộ trưởng Hoàn quyết định bấm máy điện thoại cho ông Lê Thế Tiệm (tức Thượng tướng, Tiến sĩ Lê Thế Tiệm; nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Công an) đề nghị cho lực lượng phối hợp. Còn ông lên xe ngay tới khu vực Thường Tín.

Khi xe của Bộ trưởng Lê Ngọc Hoàn còn cách Thường Tín khá xa, đã thấy đoàn xe ô tô nối dài hàng cây số, gần như kẹt cứng. Vị Bộ trưởng lập tức bỏ xe ô tô, vẫy một chiếc xe ôm và giục anh này lái xe bằng mọi cách tìm đường tắt, luồn lách đi ngay cho kịp.

Vừa tới nơi, ông rút ngay chiếc thẻ “Bảo vệ đặc biệt”, tự giới thiệu mình, rồi đề nghị các đồng chí cảnh sát giao thông giúp đỡ, can thiệp và dẹp đường ùn tắc.

Sự việc này chính là “giọt nước tràn ly”, khiến Bộ GTVT quyết định dồn toàn bộ phần vốn dư ODA từ việc nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1 để xây 30 km đường 4 làn, có thể chạy xe với vận tốc 100 km/h đầu tiên ở Việt Nam. Bốn năm sau, tuyến đường “tiền cao tốc” đầu tiên được thông xe với không ít ngỡ ngàng của người tham gia giao thông về đoạn đường “rộng thênh thang” này.

Đã có những câu hỏi được đặt ra: “Liệu có lãng phí không khi làm đường rộng mà chỉ có ít xe chạy?”, ông Nguyễn Ngọc Long, nguyên Tổng giám đốc Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải, đơn vị lập khảo sát quy hoạch tuyến đường bộ cao tốc Bắc - nhớ lại.

Vào thời điểm đó, chưa mấy ai ủng hộ làm đường cao tốc, lý do là đất nước còn nghèo, GDP chưa vượt 1.000 USD/người/năm. Tuy nhiên, lập luận bảo vệ của Bộ GTVT khi đó bám vào kinh nghiệm của các nước đi trước: bằng cách nào cũng phải đầu tư xây dựng đường cao tốc, nếu không sẽ không đáp ứng được nhu cầu phát triển. 

“Phú” bắt đầu từ đại lộ

Câu hỏi được những người có trách nhiệm đặt ra là tính toán, lựa chọn như thế nào giữa mở rộng và làm mới, trong làm mới thì làm đường theo cấp thông thường hay làm đường cao tốc, làm đường cao tốc suất đầu tư lớn thì vốn ở đâu và đâu là tuyến đường cần được ưu tiên đầu tư trước? Đây đều là những câu hỏi không dễ trả lời dù cụm từ “Phú từ đại lộ” đã trở nên rất quen thuộc.

Sau mất khá nhiều thời gian nghiên cứu, đoạn đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình có chiều dài 56 km là công trình cao tốc đúng nghĩa đầu tiên được Chính phủ chọn đầu tư thí điểm. Công trình này được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định đầu tư tháng 5/2005 có mặt cắt ngang 6 làn xe, bề bề rộng nền 35,5m. trong giai đoạn I xây dựng 4 làn xe chừa sẵn giải đất dự trữ bề rộng 7,5m sau này mở rộng thành đường 6 làn xe. Thời gian thực hiện dự án 3 năm từ quý III/2005 đến quý III/2008.

Theo phương án ban đầu, tuyến dự kiến trùng Quốc lộ 1, nhưng lại bị vướng giải phóng mặt bằng và chiếm dụng toàn bộ Quốc lộ hiện hữu với vai trò của một tuyến đường song hành có chức năng quan trọng liên kết các khu dân cư, đô thị dọc quốc lộ 1A nên cũng không khả thi.

“Sau khi cân nhắc kỹ lưỡng, Bộ GTVT quyết định trình Thủ tướng phê duyệt  phương án tuyến nằm ở phía Đông quốc lộ 1A và đây cũng chính là điểm khởi đầu cho tuyến cao tốc huyết mạch Bắc Nam phía Đông tương lai”, ông Nguyễn Việt Tiến, nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết.

Tại Quyết định 140/QĐ-TTg ngày 21/1/2010, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch chi tiết đường bộ cao tốc Bắc Nam phía Đông, nối từ Hà Nội đến Cần Thơ, với tổng vốn đầu tư trên 300.000 tỷ đồng. Tuyến cao tốc này có chiều dài khoảng 1.811 km, bao gồm 16 đoạn tuyến với quy mô từ 4 - 8 làn xe với lộ trình xây dựng kéo dài đến tận năm 2030.

Mục tiêu của bản quy hoạch này là đặt cơ sở pháp lý cao nhất để huy động vốn cho việc hình thành tuyến đường bộ cao tốc Bắc Nam phía Đông kết nối các trung tâm kinh tế trọng điểm, các đầu mối giao thông quan trọng, tạo khả năng liên kết cao với các phương thức vận tải khác (đường sắt, cảng biển, sân bay…) nhằm nâng cao năng lực vận tải trên hành lang Bắc Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông trên Quốc lộ 1, nhất là tại cửa ngõ các đô thị lớn.

Trên thực tế, tốc độ triển khai xây dựng tuyến cao tốc Bắc - Nam sẽ nhanh hơn dự kiến. Cụ thể, sau khi đoạn cao tốc Bắc Nam đầu tiên phía Đông (đoạn Cầu Giẽ - Ninh Bình) hoàn thành vào năm 2012, tính đến cuối năm 2015, đã có thêm 2 đoạn tuyến nữa được xây dựng xong là TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây và TP.HCM - Trung Lương, bên cạnh đoạn Pháp Vân - Cầu Giẽ vừa được nâng cấp để đạt chuẩn cao tốc.

Được lãnh đạo các địa phương trong vùng và cộng đồng doanh nghiệp đánh giá là một “thỏi nam châm” thu hút đầu tư mới, Dự án đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây là một trong số rất ít  công trình hạ tầng hiếm hoi tại Việt Nam mang lại những lợi ích thông xe toàn tuyến vào đầu năm 2015.

 Xét về mặt vận doanh, từ TP.HCM đi Dầu Giây trước đây dài 60 km, thời gian lưu thông mất hơn 1 giờ 30 phút nay còn hơn 30 phút do rút ngắn được quãng đường và chất lượng lưu thông được bảo đảm.

Cần phải nói thêm rằng, không chỉ các doanh nghiệp vận tải, mà cả các nhà đầu tư các khu đô thị, khu chế xuất đang triển khai dọc tuyến đường cao tốc là những người cảm nhận rõ nhất tiện ích mà tuyến đường mang lại. Ngay cả siêu Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành với tổng mức đầu tư giai đoạn I lên tới 8 tỷ USD cũng trở nên có tính khả thi cao hơn, khi tuyến cao tốc chạy sát khu vực sân bay được hoàn thành.

Khởi nghiệp từ cao tốc

Năm nay 57 tuổi, ông Nguyễn Thủy Nguyên, Tổng giám đốc Công ty Liên hợp xây dựng Vạn Cường - doanh nghiệp tư nhân hiện có quy mô lớn bậc nhất trong lĩnh vực hạ tầng giao thông, khởi nghiệp từ việc nhận làm thầu phụ cho các Cienco tại các dự án mở rộng Quốc lộ 1 từ những năm 90 của thế kỷ trước.

Có tiếng là “năng nhặt, chặt bị”, trong suốt hơn 20 năm qua, ông Nguyên thành công nhờ trung thành với triết lý của mình: chỉ làm các công trình rõ vốn không phân biệt quy mô to bé và tuyệt đối tránh xa các dự án BOT. Từ một doanh nghiệp xây dựng có vài đầu máy xúc, Vạn Cường giờ lớn tới mức có thể “thâu tóm” dễ dàng Tổng công ty Vận tải Thủy có giá trị cả ngàn tỷ đồng.

Tuy nhiên, vào thời điểm này nhìn vào danh sách “trùng điệp” các nhà đầu tư BOT, BT, PPP đang xếp hàng chờ đấu thầu các dự án BOT cao tốc do Bộ GTVT quản lý, bên cạnh các “đại gia” như Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam - VEC, Tổng công ty Phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính có không ít doanh nghiệp “phú nông” như Vạn Cường - những người luôn có xu hướng ăn chắc, mặc bền nay sốt sắng mở hầu bao dồn vốn cho các dự án cao tốc.

Nếu xét theo quy mô đầu tư trung bình khoảng 10 triệu USD/km cao tốc, thì có thể nói, các nhà đầu tư đã bỏ qua được sự rụt rè, thận trọng cố hữu để bỏ vốn “dát vàng ” xây nên những tuyến đường thịnh vượng cho đất nước.

Được biết, mắt xích quan trọng nhất trong gói cơ chế kêu gọi vốn đầu tư tuyến cao tốc phía Đông chính là việc Bộ GTVT thuyết phục được Chính phủ cho phép áp dụng cơ chế chia sẻ rủi ro với các nhà đầu tư trên cơ sở mức thu phí hợp lý và kéo được các tổ chức tín dụng lớn cùng vào cuộc.

Giống như câu chuyện dựng đứng trứng của Chistop Colombo, trong lĩnh vực hút vốn đầu tư giao thông, vấn đề đơn giản chỉ là việc ai là người đầu tiên mạnh dạn gạt bỏ lối mòn tư duy để đề xuất cơ chế mới theo hướng win - win: cả xã hội và nhà đầu tư cùng thắng.

Cho đến thời điểm này, sân chơi trong lĩnh vực đầu tư đường cao tốc không chỉ là sân chơi của riêng VEC - doanh nghiệp sau 10 năm khởi nghiệp từ quy mô 1.000 tỷ đồng đã sở hữu vốn điều lệ lớn bậc nhất Việt Nam lên tới hơn 72.000 tỷ đồng.

Vào ngày đầu tiên của năm mới 2016, trong lễ thông xe Dự án mở rộng Quốc lộ 1 BOT đoạn Hà Nội - Bắc Giang thành đường cao tốc do các nhà đầu tư tư nhân, thuần Việt, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao việc Bộ GTVT đã hoàn thành được 750 km đường cao tốc, vượt mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 13 của Ban chấp hành Trung ương Đảng. Quan trọng hơn, theo Phó thủ tướng, một tinh thần khởi nghiệp đã chảy mạnh hơn trong lĩnh vực đầu tư vào lĩnh vực “ngốn tiền” bậc nhất này.

“Năm 2016 được chọn là năm khởi nghiệp và với cú hích hạ tầng, Chính phủ hy vọng có thêm nhiều nhà đầu tư tư nhân sẽ tham gia các dự án cầu đường theo hình thức BOT, PPP”, Phó thủ tướng kỳ vọng.

Bộ trưởng Bộ GTVT khẳng định, sẽ có ít nhất 600 km đường cao tốc Bắc Nam phía Đông được hoàn thành trong 5 năm tới để thay thế Quốc lộ 1, trở thành tuyến đường thịnh vượng mới của đất nước và việc cả nước có 2.000 km cao tốc sẽ không phải là giấc mơ xa vời.

Anh Minh
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục