Ông Phạm Duy Hiếu, Giám đốc Qũy khởi nghiệp doanh nghiệp khoa học và công nghệ Việt Nam (VSF) đã chia sẻ như vậy với thế hệ khởi nghiệp trẻ Việt Nam tại một hội thảo được tổ chức mới đây nhằm hưởng Tuần lễ Ý chí khởi sự kinh doanh toàn cầu. Bởi theo ông, hiện nay, khi khởi nghiệp, nhiều người có quan điểm sai lầm rằng, tự cá nhân với ý tưởng tốt có thể làm nên một dự án “start up” thành công.
Hàng năm, Việt Nam có thêm nhiều DN đăng ký thành lập mới, nhưng tỷ lệ DN khởi nghiệp thành công chỉ 10%, còn lại 90% là thất bại. Lý giải điều này, ông Hiếu đã chỉ ra 4 rào cản của quá trình khởi nghiệp hay khi bắt đầu một dự án kinh doanh.
Thứ nhất, người sáng lập không làm cho đội ngũ khởi nghiệp hiểu được lợi ích mà ý tưởng mang lại. Một số thống kê cho thấy, chỉ 10% nhân viên hiểu được chiến lược của DN.
Thứ hai, đội ngũ làm việc không biết rõ cái giá phải trả để có được những lợi ích từ sự thay đổi. Yêu cầu đặt ra là lãnh đạo phải lôi cuốn họ vào quá trình đổi mới và sáng tạo, mở rộng thành viên của ban dự án đổi mới.
Thứ ba, nhân viên không được góp phần vào quá trình sáng tạo, đổi mới.
Thứ tư, đội ngũ khởi nghiệp và nhân viên không tin tưởng vào người khởi xướng dự án. Ví dụ như việc người lãnh đạo thường xuyên nói về những hạn chế, chi phí và thất bại từ quá khứ… , điều này làm mất niềm tin đối với chính đội ngũ của họ.
“90% DN khởi nghiệp thất bại bởi chỉ nhìn vào cơ hội và lợi nhuận, mà chưa xác định được đam mê và ý tưởng để theo đuổi đến cùng” - ông Phạm Kim Hùng, Tổng giám đốc Công ty Tech Elit.
“Muốn thành công, người quản lý cần phải khơi gợi niềm đam mê của đội ngũ khởi nghiệp cũng như nhân viên. Người lãnh đạo nên nói về tương lai một cách thường xuyên và truyền cảm hứng, tạo điều kiện tối đa để nhân viên được tham gia vào quá trình thay đổi. Người lãnh đạo hãy luôn là người động viên” vị CEO này khuyến nghị.
Theo ông Phạm Kim Hùng, Tổng giám đốc Công ty Tech Elite, bước đầu tiên của khởi nghiệp là tìm kiếm được người đồng hành, có cùng đam mê và mục tiêu để xây dựng một đội ngũ vững chắc. Người khởi nghiệp dễ gặp khó khăn do thói quen giáo dục ở Việt Nam.
Người Việt có trình độ dễ có xu hướng chuyển sang một công việc ổn định, thay vì kiên trì con đường khởi nghiệp nhiều rủi ro. Một số khó khăn khác có thể kể ra như toàn cầu hóa và cạnh tranh quốc tế, môi trường khởi nghiệp, hỗ trợ của Nhà nước…
Dưới góc nhìn của một DN khởi nghiệp thành công, ông Hùng cho biết: “90% DN khởi nghiệp thất bại bởi chỉ nhìn vào cơ hội và lợi nhuận, mà chưa xác định được đam mê và ý tưởng để theo đuổi đến cùng”.
Thành công của những mô hình startup tiêu biểu trên thế giới như Facebook, Uber, YouTube, Dropbox… đã truyền cảm hứng đến nhiều DN khởi nghiệp ở Việt Nam. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu khởi nghiệp, DN tại Việt Nam phải đối mặt với nhiều khó khăn hơn do đặc thù thị trường, khi so sánh với DN tại các nước phát triển.
Chia sẻ tại một sự kiện gần đây, Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc cho biết, dù đã có bước phát triển và lớn mạnh, nhưng so với yêu cầu phát triển, đội ngũ doanh nhân hiện vẫn còn chưa đông, chưa mạnh.
Tính bình quân hiện nay, cứ 200 người dân Việt Nam mới có 1 DN, trong khi ở các nền kinh tế phát triển, cứ 15 - 20 người dân là có 1 DN. Về quy mô, 96-97% DN Việt Nam có quy mô nhỏ và siêu nhỏ. Vì vậy, rất cần phải có một cuộc cách mạng về khởi nghiệp để đạt được mục tiêu 5 triệu DN trong tương lai xa và 1 triệu DN hoạt động hiệu quả vào năm 2020.