Theo Tổng cục Quản lý thị trường, trong bối cảnh nhu cầu khẩu trang tăng cao do dịch bệnh Covid-19, thời gian qua, theo phản ánh có hiện tượng các tổ chức, cá nhân nhập khẩu dây chuyền để sản xuất khẩu trang tiềm ẩn nguy cơ nhập khẩu các dây chuyền cũ, lạc hậu không bảo đảm tiêu chuẩn, kỹ thuật.
Để bảo đảm việc tuân thủ pháp luật trong hoạt động nhập khẩu dây chuyền, thiết bị phục vụ sản xuất khẩu trang, Tổng cục Quản lý thị trường yêu cầu Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan như Y tế, Khoa học và Công nghệ, Tài chính thực hiện việc rà soát hoạt động nhập khẩu dây chuyền, thiết bị phục vụ sản xuất khẩu trang. Nếu phát hiện dấu hiệu vi phạm thì tiến hành kiểm tra, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.
Cục Quản lý thị trường tại các địa bàn biên giới phối hợp với cơ quan Hải quan và các lực lượng chức năng liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động nhập khẩu, vận chuyển tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở, các tuyến đường giáp ranh khu vực biên giới nhằm phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại đối với hoạt động nhập khẩu dây chuyền, thiết bị phục vụ sản xuất khẩu trang.
Số liệu của Tổng cục Hải quan cho biết, tính từ đầu năm đến ngày 19/4, tổng lượng khẩu trang mà Việt Nam đã xuất khẩu đạt 415 triệu chiếc, trị giá hơn 63 triệu USD. Các thị trường xuất khẩu chính là Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Mỹ, Singapore...
Riêng trong 19 ngày đầu tháng 4, tổng lượng khẩu trang mà các doanh nghiệp đã xuất khẩu là 88,19 triệu chiếc, trị giá 34 triệu USD.
Trong đó, theo khai báo hải quan thì chủ yếu là khẩu trang vải, vải chống bụi mịn, khẩu trang vải 100% cotton, khẩu trang 2 lớp vải cotton.
Về loại hình khẩu trang thì khoảng 36,88 triệu chiếc là sản xuất theo kiểu gia công; còn xuất kinh doanh, xuất khẩu không nhằm mục đích thương mại (biếu, tặng) là khoảng 51,30 triệu chiếc.
Các hồ sơ khai báo cũng cho biết khẩu trang của các doanh nghiệp Việt Nam đang được xuất đi một số thị trường lớn, như Nhật Bản 32,7 triệu chiếc; Hàn Quốc 17,1 triệu chiếc; Đức 11,1 triệu chiếc; Mỹ 10,4 triệu chiếc; Hong Kong 4,1 triệu chiếc; Singapore 1,8 triệu chiếc; Ba Lan 1,5 triệu chiếc; Australia 1,5 triệu chiếc; Trung Quốc 1,5 triệu chiếc; Lào 1,2 triệu chiếc; Nam Phi 1,1 triệu chiếc...