Kiểm tra 40 công ty kiểm toán: Sẽ loại bỏ những báo cáo kiểm toán kém chất lượng

(ĐTCK-online) Ngày 6/10, Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA) sẽ tiến hành kiểm tra 40 công ty kiểm toán (CTKT) trong tổng số 140 công ty đang hoạt động. Việc kiểm tra nhằm mục đích gì, cách thức kiểm tra ra sao? ĐTCK đã phỏng vấn ông Bùi Văn Mai, Vụ trưởng Vụ Chế độ kế toán và kiểm toán (Bộ Tài chính), Tổng Thư ký VACPA.
Ông Bùi Văn Mai. Ông Bùi Văn Mai.

Ông đánh giá thế nào về chất lượng báo cáo kiểm toán và hoạt động của các CTKT hiện nay?

Đối với các CTKT quốc tế đang hoạt động tại Việt Nam thì chất lượng phải đạt các tiêu chuẩn quốc tế. Còn các CTKT trong nước thì có hai mức độ: các công ty lớn, có thâm niên hoạt động sẽ tốt hơn các công ty quá nhỏ và mới ra đời.

Có thể khẳng định rằng, báo cáo tài chính của các DN thực hiện kiểm toán sẽ tốt hơn báo cáo các DN chưa được kiểm toán. Tuy nhiên, chưa thể chắc chắn đã loại trừ hết những sai sót trong báo cáo kiểm toán. Điều này một phần do cơ chế, chính sách chưa đồng bộ, rõ ràng, gây  khó khăn cho kiểm toán viên trong việc xác nhận tính trung thực, hợp lý, đúng sai. Mặt khác, các kiểm toán viên cũng chưa kiên quyết đưa ra ý kiến xử lý đối với DN. Để bảo vệ mình, kiểm toán viên thường đưa ra ý kiến ngoại trừ, tuy nhiên ngoại trừ cũng chưa đủ mạnh. Trong trường hợp có thư quản lý thì mới có ý nghĩa với DN chứ chưa có tác dụng tới xã hội. Tôi nghĩ chất lượng báo cáo kiểm toán sẽ tốt lên khi khung khổ pháp lý ngày một hoàn thiện cũng như mức độ quan tâm của xã hội, DN, công chúng đầu tư đến lĩnh vực kiểm toán ngày một tăng lên.

VACPA thực hiện kiểm tra các CTKT lần này nhằm mục đích gì, thưa ông?

Đây là cuộc kiểm tra thường niên nhằm xem xét, đánh giá chất lượng các dịch vụ mà các CTKT cung cấp. Qua đó kiểm tra CTKT có tuân thủ các quy định pháp luật về kiểm toán hay không. Nếu phát hiện các sai sót, chúng tôi sẽ lưu ý, nhắc nhở, chấn chỉnh kịp thời. Bên cạnh đó là tuyên truyền, phổ biến kinh nghiệm từ công ty này sang công ty khác, nâng cao chất lượng dịch vụ CTKT.

Sau một đợt kiểm tra, chúng tôi sẽ có báo cáo đánh giá về tình hình họat động trong một năm của các CTCK gửi một số cơ quan như Bộ Tài chính,  UBCK… để các cơ quan này có những điều chỉnh chính sách phù hợp. Báo cáo cũng dùng để họp với giám đốc tất cả CTKT trong cả nước để rút kinh nghiệm và chấn chỉnh  trong năm sau.

Nếu phát hiện những trường hợp sai sót lớn, hướng xử lý của VACPA đối với các CTKT như thế nào, thưa ông?

Trong quá trình kiểm tra, nếu phát hiện ra báo cáo kiểm toán còn hiệu lực có những sai sót thì tùy vào mức độ mà chúng tôi đề nghị hướng xử lý. Nếu nhẹ thì yêu cầu bổ sung, chỉnh lý báo cáo kiểm toán cho phù hợp. Nặng thì buộc CTKT phải áp dụng các biện pháp khắc phục như: thu hồi báo cáo kiểm toán đã ban hành và phát hành báo cáo kiểm toán mới.

Hiện có 140 CTKT đang hoạt động, vì sao VACPA chỉ kiểm tra 40 công ty?

Chúng tôi không thể kiểm tra hết vì nhân lực không đảm bảo. Hơn nữa đây là cuộc kiểm tra thường niên, nên để tránh cảm giác nặng nề cho DN, chúng tôi sẽ thực hiện kiểm tra 3 năm một lần. Tiêu chí là kiểm tra các DN có hoạt động ít nhất 2 năm, các công ty phát sinh vụ việc. Như vậy, ngoài kiểm tra định kỳ sẽ là kiểm tra bất thường. Chẳng hạn như trường hợp Công ty Kiểm toán và Dịch vụ tin học (AISC) kiểm toán cho Bông Bạch Tuyết. Ngay sau khi xảy ra vụ việc tại Bông Bạch Tuyết, chúng tôi đã yêu cầu AISC báo cáo. Tuy nhiên, trong đợt kiểm tra này, ngoài các nội dung thông thường chúng tôi sẽ kiểm tra các khách hàng khác của AISC, bởi có thể Bông Bạch Tuyết không phải là trường hợp cá biệt.

Trong một khoảng thời gian ngắn, nhân lực ít, làm thế nào VACPA có thể kiểm tra một cách chân thực hoạt động của các CTKT?

Để kiểm tra hoạt động của 40 công ty sẽ có 30 người được chia thành 4 nhóm thực hiện trong 2 đợt. Mỗi nhóm sẽ thực hiện kiểm toán trong vòng từ 1 đến 3 ngày, tùy thuộc vào thực tế tại từng công ty.

Thông thường ở các nước, hoạt động kiểm tra do Hội nghề nghiệp thực hiện nhằm đảm bảo tính khách quan, trung thực, độc lập. Tuy nhiên, ở Việt Nam do đang ở giai đoạn đầu, VACPA còn thiếu nhân lực nên lực lượng kiểm tra vẫn phải lấy từ nhiều nguồn. Ngoài thành phần thuộc VACPA, Bộ Tài chính còn có kiểm toán viên của các CTKT không thuộc đối tượng kiểm tra cùng năm đó. Trước khi tham gia kiểm tra, họ phải thực hiện cam kết về tính độc lập (không có quan hệ về lợi ích cũng như thân thích), không sử dụng kết quả kiểm tra vào mục đích riêng… Bộ Tài chính và VACPA sẽ chịu trách nhiệm kiểm tra các thông tin nhạy cảm, trong khi các kiểm toán viên chỉ kiểm tra các nghiệp vụ thuần túy.

Hiện nay Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) đang nhận hồ sơ lựa chọn các CTKT được chấp thuận. Kết quả kiểm tra lần này sẽ giúp gì cho các CTKT muốn lọt vào danh sách trên, thưa ông?

Thực ra, hai việc này là khác nhau. Việc lựa chọn CTKT được chấp thuận tuân theo một loạt yêu cầu, điều kiện quy định của Bộ Tài chính. Tuy nhiên, việc kiểm tra cũng có ý nghĩa nhất định giúp cho UBCK có thêm các thông tin về hoạt động của CTKT sau khi có báo cáo kiểm tra của VACPA. Trong trường cần tham vấn một CTKT cụ thể, chúng tôi có thể cung cấp thêm các thông tin cho cơ quan này.

Thanh Đoàn thực hiện.
Thanh Đoàn thực hiện.

Tin cùng chuyên mục