Lỗ hổng giá trị lợi thế quyền thuê đất
Kiểm toán Nhà nước vừa hoàn tất việc kiểm toán Chuyên đề việc thực hiện Đề án Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN), trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2011 - 2015.
Đây là lần đầu tiên, một bức tranh khá hoàn chỉnh về quá trình tái cơ cấu hệ thống DNNN được phác họa dưới góc nhìn của Kiểm toán Nhà nước với các “nhân vật” chính là 39 DNNN, trong đó có các tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản, Cao su, Hóa chất, Bưu chính - Viễn thông, Dệt may cùng các tổng công ty lớn là Đường sắt Việt Nam, Hàng không Việt Nam, Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy.
Trong Báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán chuyên đề vừa gửi tới Thủ tướng Chính phủ; Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 9/9; Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp… Kiểm toán Nhà nước đã dành 9/14 trang để phản ánh những tồn tại, hạn chế của việc tái cơ cấu DNNN trong 4 năm qua.
Điều đáng lưu ý là, trong số 8 bất cập liên quan đến cơ chế, chính sách điều chỉnh việc tái cơ cấu DNNN… Kiểm toán Nhà nước nhấn khá sâu vào việc giá trị lợi thế quyền thuê đất nhà nước đã không được tính vào giá trị doanh nghiệp khi cồ phần hóa hoặc thoái vốn.
Kết quả kiểm toán cho thấy, quyền thuê đất nhà nước đều có giá trị lợi thế, đặc biệt đối với các doanh nghiệp có quỹ đất lớn, vị trí đắc địa, có lợi thế kinh doanh, phát triển dự án bất động sản… Tuy nhiên, trừ trường hợp của Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông, hầu hết các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước còn lại đều không tính giá trị lợi thế quyền thuê đất nhà nước vào giá trị doanh nghiệp khi cồ phần hóa hoặc vào giá khởi điểm khi thoái vốn.
Ngoài ra, Kiểm toán Nhà nước cũng cho biết, một số DNNN có quỹ đất lớn, vị trí lợi thế cho kinh doanh, nhưng không còn nhu cầu sử dụng hoặc trong diện phải di dời đã không thực hiện trả lại đất cho Nhà nước, mà kêu gọi nhà đầu tư cùng liên doanh, hợp tác đầu tư bằng cách góp giá trị lợi thế quyền thuê đất để khai thác quỹ đất hiện có, sau đó thực hiện thoái toàn bộ vốn góp.
“Thực chất là lách luật để chuyển nhượng đất cho nhà đầu tư. Việc thành lập công ty liên doanh, hợp tác đầu tư chỉ là hình thức và không minh bạch trong phương pháp xác định giá trị lợi thế quyền thuê đất khi góp vốn”, Kiểm toán Nhà nước đánh giá.
Nêu ví dụ cho hiện tượng rất đáng quan ngại này là trường hợp Tổng công ty Lương thực miền Nam ký biên bản thỏa thuận với Công ty TNHH Thương mại - dịch vụ xây dựng Việt Hân để thành lập Công ty TNHH 2 thành viên trong khai thác khu đất rộng hơn 6.000 m2 tại 34 - 36, Chu Mạnh Trinh và 33 Nguyễn Du (TP.HCM), giá trị thị trường của đất, tài sản trên đất là 730 tỷ đồng, Kiểm toán Nhà nước cho biết, việc thành lập công ty chỉ là hình thức, bởi Tổng công ty cam kết thoái toàn bộ vốn góp sau 3 tháng thành lập.
Theo Kiểm toán Nhà nước, việc chưa có quy định xác định giá trị lợi thế vị trí đất theo giá thị trường để thu về cho Nhà nước đã dẫn đến tình trạng, giá trị lợi thế về đất thay vì trả cho Nhà nước thì lại được chuyển cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, do đất thuê nhà nước hàng năm nên các doanh nghiệp chỉ có quyền sử dụng đất (Nhà nước vẫn là pháp nhân sở hữu). Mặc dù các doanh nghiệp không có quyền chuyển nhượng đất, nhưng vẫn có quyền lựa chọn hình thức liên doanh, hợp tác đầu tư thông qua góp vốn giá trị lợi thế quyền thuê đất. Chính bởi vậy, các doanh nghiệp này đã tránh được việc bị Nhà nước thu hồi đất.
Thâu tóm để lấy đất
Kiểm toán Nhà nước cho rằng, cơ chế bán cổ phần theo lô theo Quyết định số 41/2015/QĐ - TTg của Thủ tướng Chính phủ còn bất cập.
Cụ thể, qua kiểm toán cho thấy, việc bán đầu giá cổ phiếu theo lô có giá bán thường cao hơn nhiều so với giá khởi điểm. Nguyên nhân là do các nhà đầu tư mua cổ phần nhằm mục đích nắm quyền chi phối, kiểm soát doanh nghiệp. Tuy nhiên, cũng xuất phát từ mục đích của nhà đầu tư là để nắm quyền chi phối, kiểm soát doanh nghiệp, nên việc bán theo lô dễ xảy ra hiện hượng nhóm lợi ích thâu tóm doanh nghiệp, làm ảnh hưởng đến sự ổn định sản xuất, kinh doanh và lợi ích người lao động trong doanh nghiệp.
Theo Kiểm toán Nhà nước, mặc dù tại khoản 2, Điều 6, Quyết định số 41 quy định nhà đầu tư tham gia mua cổ phần theo lô là các nhà đầu tư có năng lực tài chính, có cam kết gắn bó lợi ích lâu dài với doanh nghiệp; có phương án tiếp tục sử dụng lao động hiện có; hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường, song trên thực tế lại chưa có văn bản quy định về các biện pháp hay chế tài. Do vậy, một số nhà đầu tư trước khi mua thì “hứa rất nhiều, rất hay”, nhưng thâu tóm xong lại sẵn sàng “xé bỏ” cam kết.
“Điều này dẫn đến một số doanh nghiệp có lợi thế về đất đã bị các nhà đầu tư thâu tóm, thực chất chỉ để lấy đất, triển khai các dự án bất động sản, không thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp như cam kết”, Kiểm toán Nhà nước nêu quan ngại.
Được biết, theo quy định hiện nay, đất đai là tài sản nhà nước, không được tính vào giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa nên nhiều “ông lớn” nhà nước được định giá rất rẻ. Song ai cũng hiểu, với quyền thuê đất vài chục năm (thường là 50 năm) và sẽ được gia hạn thêm nếu không tranh chấp, thì một khi mua được doanh nghiệp cổ phần hóa tức gần như đồng nghĩa rằng mảnh đất là của mình.
Đây là lý do mà nhiều chuyên gia cho là kẽ hở khi cổ phần hóa các công ty quốc doanh - vốn nắm trong tay hàng ngàn, thậm chí hàng chục ngàn mét vuông “đất vàng” tại các thành phố lớn. Điều này lý giải vì sao, không ít công ty dù nhiều năm làm ăn thua lỗ, nhưng không khó để tìm nhà đầu tư chiến lược khi công bố kế hoạch cổ phần hóa.
Liên quan đến việc thực hiện đề tái tái cơ cấu, Kiểm toán Nhà nước cho rằng, đối với các doanh nghiệp có tỷ lệ vốn nhà nước/vốn điều lệ thấp dưới 35%, việc quản lý vốn đầu tư của tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước tiềm ẩn nhiều rủi ro, khó kiểm soát và khó định hướng hoạt động của doanh nghiệp. Một số doanh nghiệp có hiệu quả rất cao, nhưng doanh nghiệp phân phối lợi nhuận, chia cổ tức… ở mức thấp không theo ý kiến biểu quyết của người đại diện phần vốn.
Nguyên nhân là do người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp không thể chi phối hoặc phủ quyết, các quyết định của công ty thuộc thẩm quyền của Hội đồng Quản trị hoặc đại hội cổ đông.
Để khắc phục những tồn tại trong việc xác định giá trị doanh nghiệp, không làm biến dạng quá trình tái cơ cấu các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, Kiểm toán Nhà nước đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 91/2015/NĐ - CP ngày 13/10/2015 về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp. Trong đó, cần tính giá trị lợi thế quyền thuê đất Nhà nước vào giá trị khởi điểm đảm bảo tính đầy đủ giá trị lợi thế của doanh nghiệp, tránh thất thoát khi thoái vốn Nhà nước.
“Đối với DNNN, nếu không có nhu cầu sử dụng đất thì trả lại đất cho Nhà nước, tránh tình trạng DNNN lách luật chuyển nhượng đất thuê nhà nước cho đối tác”, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị.