Kích hoạt năng lực lãnh đạo của doanh nghiệp niêm yết

(ĐTCK) Hội đồng quản trị (HĐQT) được xem như linh hồn của công ty bởi đây là bộ phận đưa ra toàn bộ chiến lược hoạt động, cũng như chính sách phát triển của công ty.
Số lượng nhân sự được đào tạo bài bản để đảm nhận vị trí thành viên HĐQT tại Việt Nam còn hạn chế Số lượng nhân sự được đào tạo bài bản để đảm nhận vị trí thành viên HĐQT tại Việt Nam còn hạn chế

Những vấn đề trình ĐHCĐ đều phải được HĐQT thông qua và trình. Tuy nhiên, không phải tại doanh nghiệp nào cũng có được một HĐQT tốt. Thiếu sự đa dạng, số lượng nhân sự được đào tạo bài bản để đảm nhận vị trí thành viên HĐQT tại nhiều doanh nghiệp còn hạn chế. Đây cũng là vấn đề được các cơ quan quản lý chú trọng, đã và sẽ thúc đẩy mạnh hơn nữa trong thời gian tới.

Kết quả đánh giá về quản trị công ty tại cuộc bình chọn Báo cáo thường niên do Sở GDCK TP. HCM (HOSE) phối hợp với Báo Đầu tư tổ chức cho thấy, điểm số về các tiêu chí được cải thiện qua các năm nhưng mới chỉ trên mức trung bình. Trong khu vực, mức điểm về trách nhiệm của HĐQT trong tổng điểm chung đánh giá chiếm 40% và ở Việt Nam, điểm về quản trị công ty vẫn dưới mức trung bình.

Theo bà Trần Anh Đào, Phó tổng giám đốc HOSE, thực tế, HĐQT tại các doanh nghiệp niêm yết ở Việt Nam vẫn còn nhiều hoạt động cần được cải thiện, trước hết là đáp ứng được các quy định luật pháp trong nước, sau đó là tiệm cận hơn với các nước trong khu vực.

Tại hội thảo “Tăng cường năng lực lãnh đạo để phát triển bền vững” do HOSE và Deloitte Việt Nam vừa tổ chức, ông Johan Nyvene, Tổng giám đốc CTCK TP. HCM - HSC (HCM) chia sẻ, còn nhiều rào cản để doanh nghiệp Việt Nam có thể có được một HĐQT đúng chuẩn.

Lấy ví dụ tại HSC, ông Johan Nyvene cho rằng, HSC là doanh nghiệp đại chúng một phần trên danh nghĩa, bởi nhìn vào cơ cấu cổ đông, HSC có cổ đông Nhà nước là HFIC sở hữu 30% vốn, cổ đông ngoại là Quỹ đầu tư Dragon Capital chiếm hơn 30% vốn (cổ đông ngoại đã sở hữu hết room 49%). Tổng giám đốc hiện tại của HSC sở hữu không nhiều cổ phiếu, nên có thể xem là thành viên HĐQT độc lập, nhưng xét độc lập theo đúng chuẩn thì không có.

Trong khi đó, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT cho rằng, bài toán mà các thành viên HĐQT cần giải được chính là “thách thức”. Ông Bình cho biết, tại FPT, chỉ riêng mảng công nghệ thông tin - lĩnh vực chịu áp lực thay đổi lớn, trong khi FPT là đơn vị cung cấp công cụ cho vấn đề đổi mới nên buộc phải liên tục cải thiện để bắt kịp xu hướng. Khó khăn thứ hai chính là làm sao để duy trì được tốc độ tăng trưởng cao.

Với tập đoàn hơn 30.000 nhân sự, để có thể hướng hết các nhân sự vào cùng mục tiêu của Công ty là điều rất khó. Cái khó hơn nữa chính là biến những mục tiêu đó thành con số thực tế, phải có người chịu trách nhiệm cho việc hoàn thành, không hoàn thành mục tiêu đặt ra, bởi điều này ảnh hưởng trực tiếp tới lợi nhuận doanh nghiệp, thu nhập của nhân viên và lợi ích của cổ đông.

“Do vậy, cứ đến tháng 6 hàng năm, HĐQT FPT bắt đầu soạn thảo chiến lược, hiện thực hóa bằng các con số. Đây là vai trò quan trọng nhất của HĐQT”, ông Bình nói.

Thực tế, điều HSC, FPT chia sẻ cũng diễn ra ở nhiều doanh nghiệp, nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng đưa ra được phương án giải quyết tốt. Đơn cử, quy định bắt buộc phải có 1/3 thành viên là độc lập trong HĐQT, nhiều doanh nghiệp niêm yết Việt Nam chấp nhận chịu phạt vì không thể tìm được nhân sự độc lập đúng chuẩn.

Bà Hà Thu Thanh, Chủ tịch HĐTV Deloitte Việt Nam cho rằng, tại Việt Nam, chưa có quy trình đào tạo, cũng chưa có quy định rõ về cách ứng xử của HĐQT trong việc tiếp cận và chia sẻ thông tin; cũng như chưa phân định rõ HĐQT chỉ nên là cấp chiến lược, hay điều hành, hay là cả hai. Do vậy, thực tế diễn ra tại một số doanh nghiệp, HĐQT lấn át ban điều hành hoặc ngược lại.

Đồng quan điểm, bà Đào cho rằng, việc có một trung tâm/học viện đào tạo thành viên HĐQT là cần thiết để hỗ trợ cho các thành viên HĐQT, đồng thời cũng là địa điểm uy tín để doanh nghiệp có thể tìm nguồn nhân sự chất lượng, được công nhận bởi tổ chức đào tạo. Hiện các khóa đào tạo chuyên biệt cho thành viên HĐQT tại Việt Nam còn ít, chủ yếu là đào tạo kỹ năng về điều hành hơn là quản trị.

Tiến sỹ Donna Hamlin, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty Intrabond Capital U.S cho biết, ngày càng nhiều công ty yêu cầu các thành viên HĐQT phải có chứng chỉ xác nhận tư cách hợp lệ của thành viên đó đối với vị trí đảm nhận. Tại Mỹ và châu Âu, yêu cầu đào tạo đối với thành viên HĐQT độc lập là yêu cầu bắt buộc.

Bên cạnh yêu cầu về đào tạo để có một HĐQT hiệu quả, theo bà  Donna Hamlin, sự đa dạng trong HĐQT cũng rất quan trọng, bởi sự đa dạng có tính tương quan góp phần tạo nên sự sáng tạo, năng suất cao hơn, có lợi thế cạnh tranh hơn, quản lý người lao động tốt hơn, cũng như mang lại nhiều khách hàng hơn. FPT là một minh chứng điển hình cho điều này khi doanh nghiệp này có một HĐQT hoạt động hiệu quả đã giúp Tập đoàn không ngừng lớn mạnh cả về quy mô và tầm ảnh hưởng. 

Phan Hằng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục