Lượng xi măng, clinker xuất khẩu 9 tháng ước đạt 11,85 triệu tấn, bằng 76% so cùng kỳ năm 2014. Các con số trên dự báo một quý III tiếp tục tăng trưởng của các DN sản xuất xi măng.
CTCP Xi măng Hà Tiên 1 (HT1) là cái tên đầu tiên đón nhận sự quan tâm của nhà đầu tư về kết quả kinh doanh trong quý III/2015 khi cả 2 quý trước, HT1 đều mang lại sự hứng khởi cho các nhà đầu tư khi ghi nhận tăng trưởng khá ấn tượng về doanh thu và lợi nhuận.
Cụ thể, quý I, HT1 ghi nhận doanh thu 1.600 tỷ đồng, tăng nhẹ 1,3% so với cùng kỳ; lãi ròng đạt hơn 250 tỷ đồng, cùng kỳ chỉ khoảng 2 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp trong kỳ đạt 355 tỷ đồng, tăng nhẹ khoảng 14 tỷ so với cùng kỳ. Đáng kể là doanh thu tài chính đạt gần 192 tỷ đồng so với mức cùng kỳ chỉ 5,6 tỷ đồng, nhờ hưởng lợi từ biến động giảm của tỷ giá ngoại tệ (đồng EUR so với VND làm phát sinh lãi chênh lệch tỷ giá (đánh giá lại các khoản vay gốc ngoại tệ).
Tuy nhiên, bước sang quý II, HT1 không được nhận khoản doanh thu lớn từ hoạt động tài chính như quý I/2015, ngược lại ghi nhận khoản lỗ từ hoạt động này hơn 79 tỷ đồng. Chi phí tài chính HT1 trong kỳ là 112 tỷ đồng, giảm gần 27% so với cùng kỳ. Chưa kể, việc hạch toán theo Thông tư 200 giúp HT1 hoàn nhập 11,8 tỷ đồng, giúp biên lãi gộp cũng được cải thiện từ 16,5% lên 21%, lãi gộp tăng hơn 50%, đạt 433,5 tỷ đồng.
Theo kịch bản cơ sở, cuối quý III, tỷ giá VND/USD đạt 22.500 đồng và tỷ giá EUR/USD là 1,15 EUR thì trong quý vừa qua, HT1 sẽ phải ghi nhận lỗ từ hoạt động tài chính do đánh giá lại các khoản vay EUR. Tuy nhiên, nếu đến hết năm nay, tỷ giá VND/EUR giữ ở mức khoảng 25,425 đồng thì có khả năng HT1 vẫn được ghi nhận lợi nhuận từ tỷ giá cho cả năm 2015.
Dù chưa có con số chính thức, nhưng nhiều khả năng HT1 vẫn tiếp tục có sự bứt phá về sản lượng tiêu thụ xi măng trong tháng 9 theo xu hướng chung của ngành (trong 2 tháng đầu của quý III, HT1 có mức tăng trưởng sản lượng tiêu thụ lên tới xấp xỉ 20%). Như vậy, dù bị điều chỉnh tăng đôi chút về chi phí tài chính do điều chỉnh tỷ giá, nhưng quý III/2015 có lẽ vẫn là một quý bứt phá của HT1.
Giống như HT1, CTCP Xi măng Bỉm Sơn (BCC) cũng là một cái tên đáng chú ý khi có bước nhảy vọt về doanh thu trong 2 quý đầu năm. Chỉ tính riêng quý I, lãi trước thuế của BCC đã vượt chỉ tiêu cả năm nhờ đánh giá lại chênh lệch tỷ giá. Cụ thể, doanh thu thuần trong quý I/2015 của Công ty đạt 893 tỷ đồng, giảm 9% so với cùng kỳ năm trước. Chi phí giá vốn hàng bán của BCC giảm 6%, ở mức 713 tỷ đồng.
Khoản doanh thu tài chính của Công ty tăng vọt từ 1,7 tỷ lên 112 tỷ đồng chủ yếu từ lãi chênh lệch tỷ giá; trong khi chi phí tài chính giảm từ 105 tỷ xuống còn 40,5 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế trong quý I/2015 của BCC đạt 163 tỷ đồng, tăng vọt so với mức 16 tỷ đồng cùng kỳ năm trước, vượt 2% kế hoạch năm (160 tỷ đồng). BCC thu về lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ hơn 127 tỷ đồng (cùng kỳ năm trước là 12,3 tỷ đồng).
Quý II, BCC tiếp tục ghi nhận giảm giá vốn 8%, chi phí tài chính giảm 16%, chi phí bán hàng giảm 44%, chi phí quản lý giảm tới 9% và giúp cho lợi nhuận quý này tăng 86% so với cùng kỳ năm 2014, đạt 53,9 tỷ đồng trước thuế và hơn 40 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.
Tuy nhiên, trong quý III, do BCC có thể sẽ phải điều chỉnh ghi nhận lỗ từ hoạt động tài chính theo đánh giá lại tỷ giá VND/EURO tương tự như HT1 và ảnh hưởng yếu tố thời tiết vào mùa mưa, dự kiến sẽ khiến cho mức doanh thu và lợi nhuận bị điều chỉnh giảm khá đáng kể.
Một “con cưng” khác của VICEM là CTCP Xi măng Vicem Bút Sơn (BTS) cũng được hưởng lợi chênh lệch tỷ giá khi quý I, doanh thu tài chính của BTS đạt hơn 106 tỷ đồng, cùng kỳ chỉ có 1,6 tỷ đồng. Ngược lại, chi phí tài chính giảm 33%, còn khoảng 43 tỷ đồng. Lãi ròng Công ty đạt gần 135 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ chỉ có 147 triệu đồng, cao hơn tới 12 tỷ đồng so với chỉ tiêu đề ra cho cả năm 2015 của DN này.
Quý II, Bút Sơn điều chỉnh đánh giá lại chênh lệch tỷ giá lên tới 50,2 tỷ đồng, điều này làm cho mức lợi nhuận của quý này giảm khá mạnh so với quý I/2015, chỉ còn 15,3 tỷ đồng. Tuy nhiên, lợi nhuận quý II/2015 của Bút Sơn vẫn tăng 6,7 tỷ đồng so với cùng kỳ 2014. Ngoài ra, quý II, Bút Sơn giảm được 14 tỷ đồng chi phí vận chuyển và không thực hiện khuyến mại, cùng dư nợ giảm làm lãi vay giảm 27,3 tỷ đồng.
Cùng với HT1, BTS là một trong những DN ghi nhận tăng trưởng sản lượng tốt nhất của ngành với mức tăng trưởng khoảng 17%. Vì vậy, nhìn chung các chuyên gia vẫn đánh giá BTS có một kết quả tích cực trong quý III/2015, dù có bị điều chỉnh đôi chút do đánh giá lại tỷ giá VND/EURO như các kịch bản của các DN xi măng khác đã nêu.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com