Bài 1: Thịt lợn và nỗi lo lạm phát
Cuộc họp báo công bố số liệu kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm của Tổng cục Thống kê nóng hầm hập khi giá thịt lợn được các chuyên gia đánh giá là một trong hai ẩn số tạo sức ép lên chỉ số giá những tháng cuối năm. Không chỉ là câu chuyện thời sự của mỗi bà nội trợ, cơn sốt giá thịt lợn hiện đã tác động đến cả các chỉ số vĩ mô và đặt ra nhiều vấn đề đáng lo ngại.
Giá cao nhất thế giới
Tiến sỹ Nguyễn Đức Độ, Phó viện trưởng Viện Kinh tế tài chính cho rằng, lạm phát trong 6 tháng đầu năm 2018 tăng trở lại, một trong những nguyên nhân là giá thịt lợn tăng cao. Nếu giá dầu và thịt lợn tiếp tục tăng từ nay đến cuối năm, lạm phát trung bình cả năm 2018 sẽ tăng lên 3,9 - 4%, chạm ngưỡng mục tiêu của Chính phủ. Đó là chưa kể các yếu tố khó lường khác.
Nếu thực hiện đúng các giải pháp để ổn định thị trường và neo giá đối với xăng dầu và thịt lợn, thì về tổng thể, mục tiêu kiềm chế lạm phát trung bình của cả năm 2018 ở mức dưới 4%, vẫn trong tầm kiểm soát của Chính phủ - cả ông Nguyễn Đức Độ và ông Ngô Trí Long, chuyên gia về giá đều đưa ra khuyến nghị như vậy.
Nhưng neo giá thịt lợn có dễ không? Từ mức 45.000 đồng/kg lợn hơi vào thời điểm các con số thống kê được chốt cho báo cáo tháng 6, đến nay, giá lợn hơi do các công ty chăn nuôi lớn cung cấp đã gần chạm 60.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá thịt móc hàm đổ buôn cho các tiểu thương tại các lò mổ khu vực phía Bắc đã vọt lên 75.000 đồng/kg.
Không rõ cơn sốt thịt lợn kéo dài bao lâu và giá sẽ tăng lên bao nhiêu, nhưng khảo sát ở cả lò mổ và các chợ dân sinh cho thấy, hộ kinh doanh nào cũng nhận định, giá thịt lợn sẽ duy trì ở mức cao cho đến hết năm 2018.
Vào cuối tháng 7, các bà nội trợ đã phải mua sườn lợn, thịt nạc vai tại các siêu thị với giá 130.000 - 140.000 đồng/kg, cao hơn hẳn thời điểm thịt lợn rơi vào khủng hoảng thừa năm 2017 và cao gấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Các bà nội trợ còn thêm nỗi lo giá thịt lợn tăng khiến giá các mặt hàng thực phẩm khác cũng tăng “ăn theo”.
Ở mức giá này, theo nhận định của Cục Chăn nuôi, thịt lợn Việt Nam thuộc nhóm cao nhất thế giới. Điều này cũng được chứng minh qua số liệu tháng 6/2018 của Tổng cục Hải quan. Cụ thể, giá nhập khẩu thịt lợn đã giết mổ trung bình đạt 1.524 USD/tấn. Tính theo tỷ giá 24.000 đồng/USD, giá thịt lợn nhập khẩu chỉ rơi vào 36.500 đồng/kg, thấp hơn nhiều so với giá trong nước.
Giá thịt lợn tăng vùn vụt, nhưng nông dân có được lợi? Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngoài các cơ sở nuôi theo quy mô công nghiệp, cả nước hiện có 3 triệu hộ nông dân chăn nuôi. Tuy nhiên, khảo sát của Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) lại chỉ ra, sau cơn bão giảm giá và ế thừa năm 2017, hàng loạt hộ nông dân đã bỏ trống chuồng, không tái đàn. Giá thịt lợn tăng từ tháng 4 đến nay do nhiều hộ gia đình đã ngừng chăn nuôi vì chưa hoàn hồn sau cú sốc giá thịt lợn hồi năm ngoái. Bên cạnh đó, giá lợn giống đã cao kỷ lục, lại rất khan hiếm, nông dân muốn tái đàn cũng khó.
Một trong những nguồn cung hàng được quan tâm nhất hiện nay là từ các doanh nghiệp lớn, cả FDI và tư nhân trong nước. Nhưng ông Montri Suwanposri, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam nhìn nhận: “Các yếu tố sản xuất để cung cấp sản phẩm chăn nuôi cho thị trường từ nay đến cuối năm 2018 đã được hình thành tại thời điểm hiện tại, do vậy, mức độ biến động giá cả do thay đổi nguồn cung là không nhiều. Người chăn nuôi đang có lãi thì không ai giảm đàn, mà có thể sẽ tăng đàn lợn nái. Nhưng, tăng đàn lợn nái bây giờ thì một năm sau mới làm thay đổi nguồn cung cho thị trường”.
Lệch pha cung - cầu
Điểm yếu này không phải là câu chuyện mới của ngành nông nghiệp Việt Nam. Trong bức tâm thư gửi Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân kêu cứu cho ngành chăn nuôi hồi cuối năm 2017, ông Nguyễn Đăng Vang, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam cho rằng, các con số thống kê hiện nay về số đàn lợn thịt, nhu cầu tiêu thụ thịt lợn hàng năm của các cơ quan quản lý không chính xác, dẫn đến công tác dự báo, lập kế hoạch của doanh nghiệp, hộ chăn nuôi khó khăn và thường có độ vênh lớn với thực tế.
Theo Công ty Nghiên cứu thị trường Ipsos Business Consulting (IBC), có trụ sở tại Pháp, Việt Nam tiêu thụ khoảng 3,5 triệu tấn thịt các loại/năm và con số này dự kiến sẽ tăng lên 4,5 triệu tấn vào năm 2019. Trong đó chủ yếu là thịt lợn, chiếm khoảng 65%. Tổ chức này, thậm chí còn dự báo, nguồn cung thịt lợn luôn ở mức dư thừa. Năm 2017, IBC ước tính cả nước thừa hơn 170.000 tấn thịt. Sang năm 2018, con số dư thừa ước tính là trên 150.000 tấn.
Tổng cục Thống kê lại ước tính đến tháng 6/2018, tổng đàn lợn cả nước giảm khoảng 3% so với cùng thời điểm năm 2017, sản lượng lợn hơi xuất chuồng ước giảm 1%, còn 2,19 triệu tấn. Các dữ liệu công bố cho thấy mức độ giảm từ nguồn cung không lớn, vậy tại sao giá thịt lợn liên tục tăng mạnh và Việt Nam được xếp vào nước có mức giá cao nhất thế giới?
Theo IBC, hơn 85% thị phần ngành chăn nuôi Việt Nam hiện chủ yếu nằm trong các trang trại quy mô nhỏ. Đây là lý do khiến ngành này gặp rất nhiều khó khăn trong việc mở rộng sản xuất và kiểm soát giá thành.
Còn ông David John Whitehead, Chủ tịch Tập đoàn Mavin, một liên doanh lớn trong lĩnh vực chăn nuôi cho rằng, cuộc khủng hoảng về giá lợn trong năm 2017 và từ quý II/2018 đến nay là một ví dụ điển hình về việc quản lý thị trường không có kế hoạch và không hiệu quả.
“Điều này cho thấy Việt Nam cần phải cải thiện trong quản lý cung - cầu, để tâm hơn đến thị trường trong nước cũng như nước ngoài và cần sự can thiệp của Chính phủ để ổn định giá cả”, ông David John Whitehead khuyến nghị.
Hơn 85% thị phần ngành chăn nuôi Việt Nam hiện chủ yếu nằm trong các trang trại quy mô nhỏ.
Tình trạng số liệu “loạn xạ” và thiếu chuẩn xác đang dẫn đến việc quản lý ngành chăn nuôi bị động. Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Xuân Dương, quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), chỉ đưa ra khuyến cáo chung chung là người chăn nuôi, nhất là các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ không nên găm hàng để đẩy giá thịt lợn tăng cao.
Ông này cũng khuyến cáo bà con không nên ồ ạt tái đàn vì khủng hoảng thừa có thể tái diễn. Nhưng như thế nào là khủng hoảng thừa, hiện đàn lợn cả nước có bao nhiêu con lợn thịt, bao nhiêu con giống, 4 tháng nữa (thời gian để nuôi lợn giống đạt tiêu chuẩn cân nặng lấy thịt – PV) nguồn cung thay đổi như thế nào thì không thấy ông đề cập.
Chỉ vào dãy chuồng trống trơn, anh Nguyễn Quang Minh, một chủ trại lợn ở Hòa Bình vẫn chưa quên cái cảnh cuối năm ngoái vợ chồng anh phải trực tiếp thuê người mổ lợn và đứng bán vì thương lái trả giá quá bèo. Giờ giá lợn lên cao, anh vừa tiếc vừa thấy sợ. Tái đàn lúc này, giá lợn giống cao ngất ngưởng, giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, 5 - 6 tháng sau, thị trường có rơi vào cảnh dư thừa?
“Người chăn nuôi quá cực, vừa vất vả hôm mai, đầu tư cả khoản tiền lớn mà cứ như thầy bói xem voi, may nhờ rủi chịu”, anh ngậm ngùi chia sẻ.
Rẻ bằng 1/3, nguy cơ hàng ngoại “làm mưa, làm gió”
Không chỉ là tác nhân kéo lạm phát tăng cao, thịt lợn tăng giá vùn vụt còn dẫn đến nhiều điều đáng lo ngại khác. Ông Nguyễn Xuân Dương cho rằng, Việt Nam có thể đối mặt với nguy cơ thịt lợn giá rẻ, thịt lợn kém chất lượng thẩm lậu từ các nước vào Việt Nam.
Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, thịt lợn Việt Nam nhập khẩu từ các nước tăng mạnh khi kim ngạch nhập khẩu trong tháng 6 tăng trên 50%. Cụ thể, trong tháng 6, Việt Nam nhập khẩu thịt lợn đã qua giết mổ đạt 678 tấn, trị giá 1,03 triệu USD, tăng 50,4% về lượng và tăng 50,7% về trị giá so với tháng 5. Giá thịt nhập khẩu trung bình đạt 1.524 USD/tấn.
Quy đổi với tỷ giá hiện nay, báo giá trên các trang tin thương mại quốc tế cũng chỉ ra thịt lợn Mỹ, Úc… đang được bán với giá xấp xỉ 35.000 đồng/kg. Thậm chí, Mỹ, dưới tác động của các đòn trả đũa chiến tranh thương mại với Trung Quốc còn đứng trước nguy cơ một cuộc khủng hoảng thừa thịt lợn. Giá thịt nhập khẩu từ Mỹ chỉ rơi vào khoảng 37.000 đồng/kg, bằng 1/3 so với giá bán trong nước, sẽ là một mảnh đất màu mỡ kích thích các đầu mối nhập khẩu về Việt Nam.
Đáng lo ngại hơn cả là không chỉ có thịt lợn được nhập chính ngạch vào Việt Nam, do nguồn cung khan hiếm, giá tăng cao kỷ lục, thịt lợn Trung Quốc cũng được nhập lậu về Việt Nam nhiều hơn. Trong tháng 5 và tháng 6, cơ quan chức năng liên tục bắt giữ các lô lớn lợn thịt từ Trung Quốc nhập lậu vào Việt Nam.
Anh Nguyễn Văn Khắc, tiểu thương bán thịt tại chợ Khương Đình, chuyên lấy hàng tại lò mổ Vạn Phúc (Thanh Trì) cho biết, hiện nay lấy hàng công ty không dễ, thậm chí phải đặt tiền trước mới để giữ phần, còn không thì chỉ có nước nhập lợn Trung Quốc. Lợn thịt Trung Quốc giá rẻ hơn 1 triệu đồng/tạ, có màu đỏ đậm, phải rất tinh mắt mới thấy khác so với thịt lợn ta.
“Ở ngay lò mổ Vạn Phúc, hàng đêm vẫn có những xe tải “dài thồ” hai tầng, chở vài trăm con lợn mỗi xe về làm thịt. Cánh tiểu thương chúng tôi cho rằng đây là hàng Trung Quốc. Nhà tôi toàn bán cho người quen không bao giờ nhập về, nhưng có rất nhiều tiểu thương khác vẫn nhập và nhập nhiều”, anh Khắc kể.
Bài 2: Nguy cơ thị trường bị thao túng giá