“Gót chân Achiles” của doanh nghiệp Việt chưa cải thiện

(ĐTCK) Lợi ích của việc quản trị tốt doanh nghiệp là rõ ràng, nhưng trên thực tế, doanh nghiệp Việt Nam vẫn có nhiều “gót chân Achiles” về quản trị công ty.
VCCI cho biết, mức điểm trung bình về khả năng quản trị của doanh nghiệp Việt Nam chỉ là 35,1 điểm, thấp hơn rất nhiều so với Thái Lan (84,5 điểm), Malaysia (75,2 điểm), Singapore (70,7 điểm)… VCCI cho biết, mức điểm trung bình về khả năng quản trị của doanh nghiệp Việt Nam chỉ là 35,1 điểm, thấp hơn rất nhiều so với Thái Lan (84,5 điểm), Malaysia (75,2 điểm), Singapore (70,7 điểm)…

Kết quả điều tra của Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố mới đây cho thấy, các doanh nghiệp có mô hình quản trị tiên tiến đạt hiệu quả sản xuất kinh doanh cao hơn nhiều so với doanh nghiệp có mô hình quản trị đơn giản. Lợi ích của việc quản trị tốt doanh nghiệp là rõ ràng, nhưng trên thực tế, doanh nghiệp Việt Nam vẫn có nhiều “gót chân Achiles” về quản trị công ty.

Chưa kéo hiệu quả kinh doanh 

Theo kết quả điều tra của VCCI, năm 2016, có 14,8% công ty niêm yết vượt kế hoạch đề ra, trong khi tỷ lệ này ở công ty chưa niêm yết chỉ là 9,9%. Tương tự, có 48,1% công ty niêm yết hoàn thành kế hoạch và chỉ có 37,5% công ty chưa niêm yết hoàn thành kế hoạch năm.

Nghiên cứu của VCCI đã chỉ rõ xu hướng chuyển dịch của các doanh nghiệp Việt Nam về loại hình doanh nghiệp. Theo đó, từ năm 2007 đến nay liên tục chứng kiến sự lên ngôi của các mô hình kinh doanh hiện đại, thông qua hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần, thay thế dần mô hình quản trị truyền thống theo kiểu gia đình, dưới hình thức các công ty tư nhân.

Cho dù các công ty cổ phần có thể chưa áp dụng được toàn bộ những thực tiễn tốt về quản trị công ty, song sự tiệm cận dần tới các chuẩn mực về quản trị đã mang lại những ưu thế nhất định trong hoạt động của doanh nghiệp.

Nếu quy mô công ty lớn, nhưng khả năng quản trị kém, thì hoạt động kinh doanh sẽ không bền vững, sẽ khó được đánh giá cao trên ‘bản đồ đầu tư’ của các doanh nghiệp nước ngoài

-  Ông Phan Đức Hiếu,
Phó viện trưởng

Những thông lệ tối thiểu về quản trị công ty được khuyến nghị như: thành lập Ban kiểm soát nội bộ, xây dựng và ban hành Điều lệ công ty, công bố các báo cáo tài chính, thông tin về tình hình hoạt động kinh doanh của công ty…, cũng cho thấy, ở khu vực có nhiều doanh nghiệp có mô hình quản trị hiện đại hơn thì việc áp dụng thông lệ quản trị cũng phổ biến hơn, trong đó khu vực các công ty niêm yết là nơi các thông lệ trên áp dụng nhiều nhất.

Tuy nhiên, kết quả khảo sát 400 doanh nghiệp theo mô hình hiện đại (công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài) của VCCI cũng cho thấy, có 40% doanh nghiệp chỉ công bố Báo cáo tài chính, tỷ lệ doanh nghiệp chỉ công bố Báo cáo thường niên là 6,5%, tỷ lệ doanh nghiệp công bố cả Báo cáo tài chính và Báo cáo thường niên là gần 23%.

Đặc biệt, có tới 30% không công bố báo cáo nào. Thực tế này cho thấy, quá trình thực hiện nguyên tắc quản trị công ty ở Việt Nam chưa tốt, doanh nghiệp Việt chưa nhận thức đúng mực vai trò của quản trị công ty. Do đó, doanh nghiệp chưa tạo được nhiều niềm tin với nhà đầu tư, với thị trường, hiệu quả kinh doanh chưa cao…

Lẫn lộn quản trị và quản lý

Khung quản trị công ty ở Việt Nam, đặc biệt là với các doanh nghiệp niêm yết, được đánh giá là phù hợp với các yêu cầu và nguyên tắc quản trị phổ biến được thừa nhận trên thế giới. Tuy nhiên, việc thực thi tốt các quy định này lại rất hạn chế. Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp còn lẫn lộn giữa quản trị công ty với quản lý doanh nghiệp.

Đơn cử, Tiểu ban Lương thưởng vẫn do Hội đồng quản trị đảm nhận và được giao những công việc của Giám đốc Nhân sự và kế toán tiền lương, xét tăng lương thưởng cho người lao động trong doanh nghiệp.

Đặc biệt là trong mối tương quan so sánh với các nước trong khu vực thông qua Thẻ điểm quản trị công ty ASEAN, vị trí của doanh nghiệp Việt Nam rất thấp. Chẳng hạn, ở đợt chấm điểm gần đây, theo báo cáo của VCCI, mức điểm trung bình về khả năng quản trị của doanh nghiệp Việt Nam chỉ là 35,1 điểm, thấp hơn rất nhiều so với Thái Lan (84,5 điểm), Malaysia (75,2 điểm), Singapore (70,7 điểm) hay Indonesia (57,3 điểm). Trong năm 2015, Việt Nam cũng không có đại diện nào lọt vào Top 50 Doanh nghiệp niêm yết có chất lượng quản trị công ty tốt nhất khu vực ASEAN.

Về nguyên nhân của thực trạng này, ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng: “Lý do đầu tiên nằm ở vấn đề nhận thức. Nhận thức của doanh nghiệp về vai trò, tầm quan trọng của quản trị công ty hiện nay còn chưa cao. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp đã hoạt động, nhưng chưa có Điều lệ hay bộ quy tắc quản trị công ty. Đây chính là nguyên nhân khiến quy mô doanh nghiệp phát triển tỷ lệ nghịch với khả năng quản trị công ty”.

Theo ông Hiếu, để doanh nghiệp tăng sức cạnh tranh và hội nhập cần những yếu tố là cạnh tranh tạo sự khác biệt, cạnh tranh dựa theo chi phí sản xuất và cạnh tranh theo quy mô.

“Nếu quy mô công ty lớn, nhưng khả năng quản trị kém, thì hoạt động kinh doanh sẽ không bền vững, sẽ khó được đánh giá cao trên ‘bản đồ đầu tư’ của các doanh nghiệp nước ngoài”, ông Hiếu nhấn mạnh.

Với nỗ lực cải thiện thực trạng quản trị công ty tại Việt Nam, một số giải pháp được đưa ra nhằm cải thiện chất lượng quản trị công ty, bao gồm: thành lập Viện Giám đốc theo mô hình của nhiều nước trên thế giới, áp dụng chuẩn mực kế toán Báo cáo tài chính quốc tế, tôn vinh các doanh nghiệp thực hiện tốt quản trị công ty, các gói giải pháp quản trị công ty của các công ty chứng khoán, kiểm toán và nâng cao vai trò của các hiệp hội doanh nghiệp...

Các giải pháp này đang được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phối hợp với Công ty Tài chính quốc tế (IFC), VCCI cùng các cơ quan liên quan thúc đẩy triển khai thông qua Sáng kiến quản trị công ty Việt Nam.

Cũng theo ông Phan Đức Hiếu, cần đặc biệt đề cao giải pháp thúc đẩy sự phát triển của các tổ chức trung gian để tạo áp lực ngược. Malaysia hiện đang làm rất tốt điều này, bằng cách liên kết các cổ đông nhỏ để tạo tiếng nói lớn. Trong khi đó, các doanh nghiệp Việt Nam lại đang thiếu áp lực từ thị trường và bên thứ ba.

Hải Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục