Là một tổng công ty Nhà nước có bề dày hoạt động 55 năm, song nếu phân tích kỹ, cổ phiếu Licogi không dễ thu hút được sự quan tâm của nhà đầu tư.
Nếu nhìn vào các số liệu tài chính, cổ phiếu Licogi chưa hấp dẫn. Cụ thể, nếu tính vốn điều lệ là 900 tỷ đồng (sau cổ phần hóa), doanh thu và lợi nhuận của Tổng công ty trong 3 năm qua không mấy khả quan. Giai đoạn 2011-2013, doanh thu Tổng công ty mẹ Licogi lần lượt đạt 2.709 tỷ đồng, 2.641 tỷ đồng, 1.544 tỷ đồng và 587 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2014; lợi nhuận sau thuế lần lượt đạt 58, 36, 17 và 5,4 tỷ đồng. Doanh thu hợp nhất của Tổng công ty đạt 4.462; 4.394 và 3.919 tỷ đồng cho 3 năm gần nhất, lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 140, 121 và 87 tỷ đồng. Với số vốn điều lệ như trên, các chỉ số ROE, ROA của Licogi đều thấp.
Một mối lo khác là nguồn việc của Tổng công ty đang cạn dần, trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt với các DN cùng ngành. 3 năm qua, doanh thu từ lĩnh vực xây lắp - hoạt động đóng góp 80-90% tổng doanh thu của Licogi - giảm mạnh do các dự án đến giai đoạn hoàn thành, phần việc ít đi, đặc biệt là mảng xây lắp thủy điện. Số liệu đã công bố cho thấy, trước đây, doanh thu từ mảng xây lắp thủy điện của Licogi chiếm 70%, nay chỉ còn 30%. Một nguyên nhân quan trọng nữa là có đến 50% doanh thu xây lắp của Licogi đến từ nguồn chỉ định của Nhà nước, nhưng ưu thế này đang dần mất đi.
Chính Ban lãnh đạo Licogi cũng nhận định trong Bản công bố thông tin là việc “đẩy mạnh công tác tìm kiếm dự án và đấu thầu độc lập để giảm độ phụ thuộc vào nguồn chỉ định của Nhà nước là không dễ dàng vì các dự án trọng điểm trong nước thường do Nhà nước đứng ra đầu tư và thường có barem chấm điểm thiên về giá thầu hơn là trình độ công nghệ”. Do máy móc, thiết bị của Licogi thuộc nhóm hiện đại, công nghệ cao, đòi hỏi vốn đầu tư lớn nên việc bỏ giá thầu thấp để tăng cơ hội thắng thầu là trở ngại không nhỏ và sẽ ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận của Tổng công ty.
Một vấn đề khác Licogi cần phải cải thiện là khả năng phát triển dự án bất động sản. Thị trường bất động sản khởi sắc trở lại có thể đem lại các cơ hội kinh doanh tốt cho Tổng công ty, nhưng kiểu kinh doanh dễ dãi, tận dụng vốn của người mua trả tiền trước hiện không còn. Hiện tại, DN phải có tiềm lực tài chính để tạo ra các sản phẩm đủ điều kiện bán hàng. Bên cạnh đó, do các dự án của Licogi đều chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước nên không có lợi thế chi phí đầu vào thấp. Tại Khu đô thị Thịnh Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội, có quy mô 35 héc-ta, Licogi từng bị nhắc nhở về việc để dự án chậm tiến độ triển khai và nợ nghĩa vụ tài chính với Nhà nước.
Theo thông tin từ Licogi, đến thời điểm này, tại Dự án Khu đô thị mới Thịnh Liệt (Hà Nội), Tổng công ty đã khởi công nhà tái định cư, giải phóng mặt bằng 80% diện tích và đang thực hiện điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500. Đáng lưu ý là việc giải phóng mặt bằng đang ở tình trạnh xôi đỗ nên Licogi chưa thể triển khai hạ tầng, khai thác kinh doanh được.
Sau cổ phần hóa, Licogi xác định nền móng công trình là ngành nghề cốt lõi, Tổng công ty sẽ tập trung vào các công trình ngầm đô thị, xây dựng cơ sở hạ tầng, ví dụ các tuyến metro tại TP. HCM hay tại Hà Nội…
Theo chiến lược này, Licogi cần phải sắp xếp nhân sự, tổ chức thực hiện dự án hiệu quả hơn, nếu không biên lợi nhuận trong lĩnh vực xây lắp sẽ rất thấp, dao động dưới 5%, thậm chí bị nợ đọng có thể thua lỗ. Cho đến thời điểm này, theo công bố của Licogi, nhiều dự án bị nợ đọng, nợ khó đòi, thậm chí có trường hợp phải đưa ra tòa khiếu kiện để đòi nợ.
Thị trường đang kỳ vọng vào chuyển biến của Licogi khi tổng công ty này tiết lộ nhiều khả năng tìm được nhà đầu tư chiến lược. Bên cạnh chào bán rộng rãi ra công chúng, Licogi thực hiện song song việc bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược. Theo đề án cổ phần hóa đã được phê duyệt, Licogi sẽ bán 35% cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược.
Đến thời điểm này, Tổng công ty đang đàm phán với một đối tác, song liệu có thành công hay không, lại chưa có gì chắc chắn vì cho đến thời điểm này, cơ quan có thẩm quyền chưa phê duyệt chính thức nhà đầu tư này. Tất cả mới chỉ là sự quan tâm của NĐT chiến lược và ý chí một chiều của Licogi.
Trong bản công bố thông tin của Licogi cũng không đề cập rõ ràng và cụ thể về tiến độ niêm yết cổ phiếu sau cổ phần hóa. Đây có lẽ là điểm trừ với đợt IPO này vì nhà đầu tư có thể e ngại về tính thanh khoản của cổ phiếu sau IPO.