Đại dịch Covid-19 bùng phát đã đẩy kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái. Theo Giáo sư, mức độ suy thoái của kinh tế toàn cầu sẽ thế nào và kéo dài trong bao lâu?
Đầu tháng 4/2020, nhiều tổ chức quốc tế đã có những phân tích, cập nhật đánh giá tác động của đại dịch Covid-19 và xây dựng các kịch bản tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2020. Theo kịch bản cơ sở của tập đoàn tài chính Citi (công bố ngày 7/4/2020), kinh tế thế giới sẽ suy thoái, tăng trưởng -2,3% năm 2020 (so với mức tăng trưởng 2,6% năm 2019, suy thoái hơn mức -1,7% năm 2009).
Trong đó, tăng trưởng GDP của Trung Quốc chỉ khoảng 2,4% (so với mức tăng 6,1% năm 2019), của Mỹ -2,6% (so với mức tăng 2,3% năm 2019), của Nhật Bản -1,9% (so với mức tăng 0,7% năm 2019) còn khu vực đồng tiền chung châu Âu thậm chí tăng trưởng -8,4% (so với mức tăng trưởng 1,2% năm 2019).
Giáo sư Hà Tôn Vinh
Đối với lạm phát, trong bối cảnh tổng cầu, giá dầu và tiêu thụ năng lượng giảm mạnh, mặc dù nhiều nước đã có các gói kích thích kinh tế, giá thực phẩm và dịch vụ y tế tăng nhưng lạm phát toàn cầu vẫn ở mức khá thấp, khoảng 2,2% (so với mức 2,5% năm 2019).
Tuy nhiên, kịch bản tăng trưởng này sẽ còn được cập nhật, thay đổi và mức độ như thế nào thì tùy thuộc vào 3 yếu tố: thứ nhất, khả năng kiểm soát dịch bệnh của mỗi quốc gia; thứ hai, hiệu quả của các chính sách/gói hỗ trợ; thứ ba, hiệu quả hợp tác quốc tế (trong phòng chống đại dịch).
Thống kê lịch sử cho thấy, cứ khoảng 100 năm lại xuất hiện một đại dịch. Lịch sử loài người đã xuất hiện nhiều dịch bệnh rất khủng khiếp như dịch tả bắt đầu từ Ấn Độ năm 1817 làm cho hơn 1 triệu người chết; dịch cúm Tây Ban Nha 1918 - 1920 có 500 triệu người bị nhiễm và hơn 50 triệu người chết…
Dịch bệnh bao giờ cũng đi trước khoa học và sau thời gian ngắn, khoa học sẽ phải đối mặt và tìm ra hướng giải quyết cho vấn đề này. Trong tương lai sẽ còn xuất hiện những dịch bệnh khác. Các chính sách chỉ là để đáp ứng lại hay phòng chống điều gì đang xảy ra thôi. Khủng hoảng nào đến rồi cũng sẽ qua. Vấn đề là khi nào vượt qua được?
Giáo sư đánh giá thế nào về những giải pháp ứng phó của Việt Nam?
Những gì Chính phủ Việt Nam đang làm là rất tốt, cần thiết. Chính phủ đã có chương trình y tế, phòng dịch, chống dịch, bảo vệ người dân. Tuy nhiên, người dân và doanh nghiệp cần phải hiểu rõ hai điều: thứ nhất, không nên hoảng loạn vì chắc chắn sẽ có giải pháp về khoa học và y tế; thứ hai, đại dịch thể nào rồi cũng qua đi khi có thuốc đặc trị và vắc-xin. Khủng hoảng nghiêm trọng nhất là khủng hoảng niềm tin. Vì vậy, không được để khủng hoảng niềm tin lan rộng.
Theo tôi, ngay từ bây giờ, Chính phủ, từng ngành, từng lĩnh vực, từng doanh nghiệp cần phải tính toán làm gì sau dịch bệnh, bởi cuối cùng dịch bệnh cũng sẽ phải qua đi.
Tại sao Giáo sư lại cho rằng khủng hoảng niềm tin là nghiêm trọng nhất?
Sở dĩ như vậy là bởi khủng hoảng niềm tin là khó khăn nhất phải vượt qua. Khủng hoảng nhưng không được mất niềm tin vào chính mình, phải tìm ra phương án ứng phó. Không ai ứng phó khủng hoảng hơn là chính mình. Bởi chỉ có doanh nghiệp mới biết rõ tình hình tài chính của mình, sức khoẻ của mình. “Yếu” đừng ra gió.
Để vượt qua những khó khăn do dịch bệnh gây ra, doanh nghiệp cần phải cắt giảm các chi phí; thay đổi sản phẩm, phương pháp làm việc. Còn nước còn tát. Ánh sáng cuối đường hầm là nơi mà chúng ta muốn đạt đến. Còn niềm tin là còn hy vọng phục hồi.
Vậy theo Giáo sư, bài học rút ra từ cuộc khủng hoảng này là gì?
Khủng hoảng cũng bộc lộ nhược điểm của nền kinh tế toàn cầu, đó là các nước bị lệ thuộc nhiều vào nguồn cung của các nước khác.
Ví dụ như Việt Nam, thành viên kinh tế nhỏ bé trên thế giới, chúng ta mua lại nguyên liệu, chế biến rồi xuất khẩu. Khi nguồn cung hay đầu vào của chuỗi cung ứng bị tác động tiêu cực, nền kinh tế sản xuất và dựa vào xuất khẩu của chúng ta bị khủng hoảng ngay. Đây cũng là thời điểm cần đặt vấn đề làm thế nào để nền kinh tế của chúng ta có thể tự lực cánh sinh, tránh lệ thuộc quá nhiều vào một vài đối tác.
Có thể 3 - 4 tháng nữa dịch bệnh sẽ là câu chuyện của quá khứ, nhưng hệ quả để lại là câu chuyện khác. Doanh nghiệp có tồn tại được không và họ sẽ làm gì sau di chứng của Covid-19?
Theo tôi, các ngành nghề phục vụ cộng đồng bị ảnh hưởng lớn, trực tiếp, trong thời gian trước mắt. Ngoài ra, nhiều ngành nghề khác sẽ bị ảnh hưởng lâu dài hơn. Lấy ví dụ như bất động sản sau thời gian bùng nổ trên thị trường bây giờ rớt xuống cùng với dịch.
Theo đó, nhiều tổ chức và cá nhân không đầu tư mà giữ tiền mặt, bởi tiền mặt trong khủng hoảng được gọi là vua. Vậy, giải pháp nào cho thị trường này trong vài ba năm tới hoặc lâu dài hơn? Đây có lẽ là vấn đề rất cần Chính phủ quan tâm, vì bất động sản gắn liền với thị trường tài chính, bảo hiểm và là tài sản lớn nhất của người dân và doanh nghiệp.
Trong bối cảnh đó, doanh nghiệp cần làm gì, thưa Giáo sư?
Có ba mô hình ứng phó trong thời gian ngắn. Thứ nhất, tạm đóng cửa hoặc tạm giải quyết chi phí trước mắt. Đây là điều rất quan trọng bởi khi chi phí cao mà không có doanh thu sẽ đem đến sự khủng hoảng. Vì vậy, doanh nghiệp có thể tạm đóng cửa một vài tháng để xem xét tình hình, nếu cần có thể tạm dừng hoạt động lâu hơn.
Thứ hai, giảm 50 - 100% lương lãnh đạo so với trước dịch, hoặc lãnh đạo không nhận lương trong vòng 3 - 6 tháng. Kêu gọi sự đóng góp hay ủng hộ giảm lương của các thành phần trong doanh nghiệp cũng là một phương án tốt. Thứ ba, đàm phán với chủ đất, ngân hàng, nhà cung cấp để trả nợ chậm. Trong các hợp đồng bao giờ cũng có điều khoản bất khả kháng như dịch bệnh, thiên tai địch họa, nên có thể đàm phám cơ cấu lại nợ.
Nhiều ý kiến cho rằng, kinh tế Việt Nam khó phục hồi theo hình chữ V. Giáo sư nhận định thế nào?
Mô hình chữ V là tăng trưởng kinh tế đi xuống và đi lên ngay, dành cho những khủng hoảng mang tính ngắn hạn, cục bộ trong nước. Khi khủng hoảng diễn ra trên toàn cầu, chúng ta phải nói đến mô hình chữ U với giai đoạn phục hồi chậm hơn hoặc mô hình chữ L hàm ý về khả năng đi ngang ở đáy, thậm chí phải tính đến trường hợp dịch bệnh bùng phát trở lại sau khi được khống chế sẽ là mô hình W. Với những đại dịch trước đây, sau dịch khoảng 20 năm mới phục hồi lại được. Nhưng tôi tin vào sự phát triển của khoa học sẽ có thuốc điều trị hoặc vắc-xin trong tháng 6 tới. Theo đó, các quốc gia trên thế giới phải tự mình vực dậy.
Nền kinh tế Việt Nam cũng sẽ vực dậy được theo xu hướng chung và Việt Nam có thể đang trong mô hình chữ U đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa. Nghĩa là, nhu cầu bị dồn nén sẽ được giải phóng một phần nhờ nỗ lực kích thích của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, nhưng người tiêu dùng có thể không sẵn sàng cho việc trở lại mua sắm.
Điều này là bởi các nhà máy cần có thời gian để phục hồi và không phải mọi công việc bị mất trong khủng hoảng đều trở lại. Một số người dân và doanh nghiệp cũng cần phải trả các khoản nợ phát sinh trong giai đoạn khủng hoảng… Với mô hình này, các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam sẽ phải khắc phục các khó khăn tài chính, sản xuất trong 1 - 2 năm tới.
Tuy nhiên, đối với lĩnh vực như bất động sản, du lịch có thể theo mô hình chữ L, kéo dài hơn 2 năm. Nghĩa là, ngay cả khi tác động của dịch bệnh giảm dần, khả năng suy thoái sẽ kéo dài hơn dự kiến hoặc sự phục hồi mất nhiều thời gian hơn.
Trong kịch bản này, người dân và doanh nghiệp sẽ tiếp tục cắt giảm chi tiêu. Các khoản nợ phát sinh trước hoặc trong giai đoạn khủng hoảng trở nên khó trả, tạo ra vòng xoáy vỡ nợ và phá sản… Theo đó, Chính phủ sẽ phải cung cấp nhiều sự hỗ trợ hơn sau khi những nỗ lực trước đó chưa thể xoa dịu tình hình, cần chú ý điều này cũng cần thời gian để thực hiện.
Nói chung, dù Chính phủ có tích cực đến đâu đi nữa thì lãnh đạo các doanh nghiệp cần nhớ rằng, không ai giải quyết tốt nhất những khó khăn của doanh nghiệp bằng chính mình.