Đừng để nhà đầu tư mất niềm tin vì buông lỏng quản lý

(ĐTCK) Trên một số diễn đàn chứng khoán, nhà đầu tư thể hiện thái độ thất vọng về cổ phiếu CII. 
Đừng để nhà đầu tư mất niềm tin vì buông lỏng quản lý

Ngoài biến cố chênh lệch doanh thu, lợi nhuận khủng trước và sau kiểm toán, nhà đầu tư còn cho rằng doanh nghiệp kém minh bạch, liên tục phát hành pha loãng cổ phiếu, thu nhập trên mỗi cổ phần thấp... khiến giá cổ phiếu ì ạch. “Thất vọng cùng cực” là những từ được họ mô tả.

Nhìn vào diễn biến hoạt động của CII để phần nào hiểu được sự phản ứng của nhà đầu tư. Trước khi công bố báo cáo tài chính năm, Ban tổng giám đốc và kiểm toán đã không thống nhất với nhau về quan điểm áp dụng chuẩn mực kế toán, nhưng CII vẫn công bố lãi lớn ra thị trường, phải đến khi kiểm toán dọa đưa ý kiến ngoại trừ họ mới chịu xuống nước, lập tức lợi nhuận sau thuế giảm hàng trăm tỷ đồng.

Ðại hội đồng cổ đông 2020 của CII vin lý do dịch Covid-19 chỉ đưa mỗi nội dung thông qua kế hoạch phát hành 200 triệu cổ phiếu để lấy tiền trả nợ trái phiếu (nếu không xoay được tiền), các nội dung quan trọng khác như kế hoạch sản xuất - kinh doanh, cổ tức... đợi đến kỳ tới. Kỳ tới là bao giờ thì cổ đông chịu không biết hỏi ai!

Nhìn vào thông tin đó lại dễ hiểu vì sao Ban lãnh đạo CII chịu “xuống nước” với kiểm toán, nếu không làm vậy, họ không được phát hành ra công chúng (vì báo cáo tài chính có ý kiến ngoại trừ), không có phương án phát hành thì không huy động được vốn qua trái phiếu, tức là kế hoạch kinh doanh bị ảnh hưởng trọng yếu.

Triển vọng doanh nghiệp có chắc chắn không, xin dành cho nhà đầu tư đánh giá.

CII không phải là trường hợp cá biệt. Chỉ cần tổng hợp sơ sơ tại mùa công bố báo cáo tài chính kiểm toán 2019 đang diễn ra có thể kể hàng chục doanh nghiệp có chênh lệch lớn giữa báo cáo tự lập và báo  cáo kiểm toán.

Ðó là những cái tên gắn với mã chứng khoán như CLG, HNG, TTF, CMX, KLF, IDC, HVG. Thậm chí như ở Thủy sản Camimex, người ta còn có thể chỉ ra rõ ràng sự trùng hợp ngẫu nhiên về đợt tăng giá cổ phiếu khi kết quả đẹp đẽ “tự lập” được tung ra, doanh nghiệp phát hành huy động vốn, rồi đến khi kết quả sụt giảm mạnh sau kiểm toán được công bố, giá cổ phiếu lập tức lao dốc...

Nhà đầu tư nào chịu thiệt hại sau những cú sốc thông tin như thế? Chứng minh có thể không khó dựa vào bảng kê về thời điểm mua bán cổ phiếu, nhưng đòi bồi thường lại không dễ với quy trình khiếu nại, khiếu kiện phức tạp và rối rắm như hiện nay.

Vậy là nhà đầu tư đành ngậm bồ hòn làm ngọt nhưng mãi chưa thôi ấm ức vì bị "úp sọt" một cách “hợp pháp và dễ dàng”.

Ðem câu chuyện này hỏi một lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, câu trả lời rất đơn giản, chỉ cần số liệu trước và sau kiểm toán chênh lệch 10% doanh nghiệp đã phải giải trình và khi ấy cả thị trường giám sát chứ không phải mỗi Ủy ban.

Năm nay, với những doanh nghiệp đã công bố báo cáo, ít có biến động lớn. Cũng khó xử phạt doanh nghiệp vì toàn lỗi khách quan.

Có bao nhiêu vụ việc mà lãnh đạo doanh nghiệp bị xử phạt, bị xử lý hình sự liên quan đến những lỗi tương tự như trên (ở một chừng mực nào đó có thể nói là cố ý gian lận)?

Câu trả lời là vô cùng hiếm, thậm chí một lãnh đạo từ cơ quan quản lý thị trường còn nói rằng phải có đơn kiện và chứng minh thiệt hại của nhà đầu tư, cơ quan điều tra mới vào cuộc.

Cách quản lý như hiện nay khiến những câu chuyện thua lỗ của nhà đầu tư diễn ra nhan nhản và đầu tư chứng khoán được nhiều người gọi vui là “cuộc tình vài đêm” vì với phần lớn mã cổ phiếu, nhà đầu tư càng giữ lâu càng lỗ.

Phần lớn doanh nghiệp cũng chẳng có động cơ, sức ép để theo đuổi sự minh bạch và phát triển dài hạn.

Trông người lại ngẫm đến ta, tại Malaysia, ngay từ năm 2005, Ủy ban Chứng khoán và các Sở giao dịch đã thực hiện khiển trách toàn thị trường, bêu tên cá nhân lãnh đạo doanh nghiệp, tên tuổi doanh nghiệp và phạt tiền các lãnh đạo doanh nghiệp nếu để chênh lệch lớn lợi nhuận trước và sau kiểm toán, dù doanh nghiệp vin vào những lý do không thể khách quan hơn như tổng hợp sai số liệu do bị hỏa hoạn.

Tại cuộc gặp của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc với cộng đồng doanh nghiệp cuối tuần qua, có nhiều ý kiến từ cả lãnh đạo doanh nghiệp và Bộ Tài chính đề xuất hỗ trợ thị trường chứng khoán phát triển để phát huy chức năng huy động vốn dài hạn cho doanh nghiệp và nền kinh tế.

Chừng nào nhà đầu tư còn dễ dàng bị đánh cắp niềm tin như trên, mục tiêu này còn xa vời.

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục