Khủng hoảng năng lượng sẽ còn kéo dài?

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Giá năng lượng có thể sẽ tiếp tục đứng ở mức cao trong năm tới. Giá khí đốt giao ngay tại châu Âu và châu Á đã tăng gấp 4 lần. Mức độ tăng giá trong thời gian dài và ở quy mô toàn cầu là điều chưa có tiền lệ.
Khủng hoảng năng lượng sẽ còn kéo dài?

Thông thường, biến động giá xảy ra theo chu kỳ mùa vụ và chỉ ở những vùng nhất định chứ không lan rộng ra toàn cầu. Ví dụ như hồi năm 2020, giá khí đốt tăng ở châu Á nhưng lại không diễn ra ở châu Âu.

Giá mặt hàng năng lượng được dự báo sẽ dần trở lại mức bình thường vào mùa hè năm sau, khi nhu cầu sưởi ấm giảm và nguồn cung có sự điều chỉnh. Nhưng nếu giá vẫn đứng ở mức cao như hiện nay, đó có thể sẽ là khởi đầu của quá trình suy giảm tăng trưởng toàn cầu.

Khan hiếm nguồn cung

Đại dịch Covid-19 đã khiến nhiều nước phải áp dụng các biện pháp hạn chế, đóng cửa, dẫn đến nhiều hoạt động của kinh tế toàn cầu bị đóng băng. Điều này khiến nhu cầu về năng lượng sụt giảm, đẩy các công ty năng lượng phải cắt giảm sản lượng. Tuy nhiên, khi các nền kinh tế mở cửa trở lại, nhu cầu tiêu thụ khí đốt hồi phục thì nguồn cung toàn cầu vẫn ở mức thấp.

Nguồn cung năng lượng trên thực tế phản ứng khá chậm đối với tín hiệu tăng giá khí đốt. Điều này có thể lý giải là do thiếu hụt lao động, tắc nghẽn trong khâu bảo dưỡng hệ thống, nhà đầu tư không còn mặn mà với năng lượng hóa thạch, thời gian triển khai các dự án mới bị kéo dài. Minh chứng là sản lượng khí đốt tại Mỹ vẫn ở dưới mức trước đại dịch, hoạt động sản xuất khí đốt tại Hà Lan, Na Uy cũng suy giảm. Nga - nhà cung cấp lớn nhất cho châu Âu, gần đây cũng hạn chế lượng khí đốt xuất sang khu vực này.

Thời tiết cũng khiến mất cân bằng thị trường trầm trọng thêm. Mùa Đông, mùa Hè khắc nghiệt ở Tây bán cầu khiến nhu cầu sưởi ấm và làm mát tăng vọt. Cùng lúc đó, sản lượng điện từ nguồn năng lượng tái tạo ở Mỹ và Brazil suy giảm do nạn hạn hán trầm trọng, khiến mực nước tại nhiều hồ thủy điện xuống mức thấp kỷ lục. Tình cảnh này cũng diễn ra ở Bắc Âu với nguồn năng lượng điện gió trong mùa hè và mùa thu vừa qua sụt giảm.

Than đá có thể giúp bù đắp thiếu hụt khí đốt, nhưng một số nguồn cung cũng rơi vào tình trạng đứt gãy. Thời tiết không thuận lợi đã kìm hãm hoạt động khai thác than ở các nước xuất khẩu lớn, từ Australia tới Nam Phi. Sản lượng than tại Trung Quốc cũng suy giảm do chính phủ theo đuổi mục tiêu cắt giảm khí thải, không ưu tiên phát triển năng lượng từ nguồn than đá.

Trên thực tế, dự trữ than đá của Trung Quốc rơi xuống mức thấp kỷ lục, làm tăng nguy cơ thiếu hụt nguồn cung đối với các nhà máy nhiệt điện chạy than. Còn tại châu Âu, dự trữ khí đốt cũng thấp hơn mức trung bình trước thời điểm mùa đông, đặt ra thách thức về tăng giá khí đốt khi các công ty điện lực cạnh tranh tìm kiếm nguồn cung khi thời tiết chuyển lạnh.

Giá cả tăng vọt

Giá khí đốt tăng mạnh cũng gây nên những biến động trên thị trường than đá và dầu mỏ. Giá dầu Brent gần đây đã lên mức cao nhất trong vòng 7 năm, đạt trên 85 USD/thùng.

Nhiều nhà nhập khẩu đang tìm kiếm nguồn cung thay thế để sưởi ấm và phát điện trong bối cảnh nguồn cung dầu mỏ vốn đã khan hiếm mà giá thành lại tăng cao như lúc này. Than đá, mặt hàng thay thế nhanh nhất, đang có nhu cầu nhập khẩu rất cao khiến cho giá mặt hàng này đã vọt lên mức cao nhất kể từ năm 2001.

Đứt gãy chuỗi cung ứng cũng góp phần đẩy giá cả leo thang. Nhiều chuyên gia kinh tế và quan chức ngân hàng trung ương, trong đó có Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho rằng, lạm phát chỉ là vấn đề tạm thời. Fed đã giữ quan điểm này quá lâu, và người tiêu dùng, nhà đầu tư có vẻ không còn tin vào điều đó.

Đối với người tiêu dùng Mỹ và ở nhiều quốc gia khác, mối lo lạm phát càng lớn hơn khi mùa đông đang đến gần, mà giá năng lượng lại đang tăng chóng mặt. Theo dự báo của Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA), các hộ gia đình ở Mỹ nên lường trước việc hoá đơn khí propane tăng 54%; dầu sưởi tăng 43%; khí đốt tự nhiên tăng 30%; và tiền điện sưởi tăng 6% trong mùa đông năm nay.

Giá năng lượng thậm chí còn tăng mạnh hơn ở châu Âu. Giá bán buôn điện ở khu vực này đã tăng 200% so với mức bình quân của năm 2019, theo dữ liệu từ Uỷ ban châu Âu (EC). Giá than ở Trung Quốc đang cao kỷ lục và nước này phải cắt điện luân phiên, gây nên sự đình trệ trong hoạt động sản xuất và ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế.

IEA cảnh báo

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết, sự thiếu hụt khí đốt và than đá ở các nền kinh tế lớn nhất, khiến giá cả trên thị trường năng lượng tăng vọt. Điều này sẽ làm tăng đáng kể chi phí cho các ngành công nghiệp, cùng với việc thiếu điện, có thể dẫn đến hoạt động công nghiệp bị giảm sút và sự phục hồi kinh tế thế giới chậm lại sau đại dịch.

Theo IEA, giá năng lượng có thể sẽ tiếp tục tăng. Nhu cầu về dầu được dự đoán sẽ vượt cung đến 700.000 thùng/ngày trong thời gian còn lại của năm, cho thấy giá dầu sẽ còn tăng cao hơn trong những tuần tới.

Goldman Sachs, nhà kinh doanh dầu mỏ hàng đầu, cũng đã nâng dự báo giá dầu lên 90 USD/thùng cho năm nay. Cơ quan này hiện dự kiến, ​​nhu cầu dầu toàn cầu sẽ tăng lên 5,5 triệu thùng/ngày trong năm nay và 3,3 triệu ngày vào năm 2022.

Giám đốc điều hành của IEA, Fatih Birol cho biết, nhu cầu về dầu và than tăng mạnh có thể dẫn đến tăng mức phát thải CO2 lớn thứ hai trong lịch sử vì các chính phủ không thể duy trì cam kết “phục hồi xanh” sau đại dịch.

Ông Birol nói: “Chúng ta đang chứng kiến ​​sự phục hồi không bền vững sau đại dịch" và ông kêu gọi các chính phủ cùng nhau đưa ra một thông điệp cho thế giới thấy rằng các nước quyết tâm có một tương lai năng lượng sạch.

Ông Birol cũng bác bỏ những tin đồn gần đây rằng, cuộc khủng hoảng giá năng lượng một phần để thực hiện quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch là “không chính xác và gây hiểu lầm”. Ông cho rằng, trong một thế giới năng lượng sạch, “những cú sốc đến từ việc giá dầu và khí đốt tăng gấp đôi sẽ ít ảnh hưởng đến người tiêu dùng.

Xu hướng trong năm tới và giải pháp

Đứt gãy nguồn cung cùng với sức ép về giá đã tạo ra thách thức chưa có tiền lệ đối với kinh tế toàn cầu vốn đang phục hồi không đồng đều từ đại dịch. Tuy nhiên, giới hoạch định chính sách cũng có thể an tâm phần nào, khi tình cảnh hiện nay khác với cú sốc khủng hoảng năng lượng trong thập kỷ 1970.

Ở thời điểm đó, giá dầu tăng gấp 4 lần, đánh trực tiếp vào khả năng chi tiêu của doanh nghiệp và hộ gia đình và cuối cùng là gây ra suy thoái toàn cầu. Còn hiện nay, vai trò của than đá và khí đốt không còn ảnh hưởng quá lớn đến kinh tế thế giới, giá năng lượng có thể tăng, nhưng chưa thể đến biên độ có thể tạo ra một cú sốc cực lớn.

Hơn thế, thị trường có thể kỳ vọng vào việc giá khí đốt sẽ trở lại bình thường vào quý II/2022, khi châu Âu bước qua mùa Đông, còn châu Á cũng giảm được sức ép vì yếu tố thời vụ - một thực tế cũng dần lộ diện trong các giao dịch, hợp đồng kỳ hạn tương lai trên thị trường hàng hóa. Than đá và dầu mỏ cũng đi theo xu hướng giảm. Tuy nhiên, bất ổn vẫn còn ở mức cao và một cú sốc nhỏ về nguồn cầu có thể sẽ đẩy giá năng lượng tăng hơn nữa.

Điều này đồng nghĩa với việc các ngân hàng trung ương cần phải đánh giá kỹ lưỡng về sức ép của lạm phát do tác động lan tỏa từ cú sốc năng lượng và cũng sẽ phải sẵn sàng hành động sớm hơn nếu nguy cơ về lạm phát thành hiện thực.

Các chính phủ cần thực hiện giải pháp ngăn chặn tình trạng mất điện trong trường hợp các công ty điện giảm sản lượng khi nhận thấy càng sản xuất càng lỗ.

Mất điện, thiếu điện - nhất là tại Trung Quốc, có thể sẽ làm suy yếu hoạt động của ngành sản xuất hóa chất, sắt thép và chế tạo, tạo thêm sức ép làm kéo dài sự đứt gãy chuỗi cung. Chính phủ các nước cũng cần triển khai gói hỗ trợ với các hộ gia đình có thu nhập thấp, để giảm thiểu tác động từ cú sốc năng lượng đến nhóm cư dân dễ bị tổn thương này.

Di Di

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục